Đại úy Nguyễn Thị Kim Oanh, Trợ lý Công tác quần chúng thuộc Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1: Xây dựng cơ chế hỗ trợ nghiên cứu khoa học
Đại úy Nguyễn Thị Kim Oanh, Trợ lý Công tác quần chúng thuộc Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 |
Ở đơn vị, chúng tôi tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học xứng tầm với khả năng, trình độ đội ngũ cán bộ trẻ hiện có. Bên cạnh đó, chúng tôi thí điểm xây dựng những nhóm, câu lạc bộ sáng tạo trẻ, với những cán bộ, đoàn viên có năng lực, kỹ năng, kinh nghiệm làm nòng cốt lan toả ra toàn lực lượng. |
Trong nhóm nhiệm vụ “Tổ chức các phong trào hành động cách mạng, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, tôi tâm đắc nhất về phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo”. Với lợi thế về trí tuệ và sức trẻ, thanh niên Việt Nam đã và đang ứng dụng tốt công nghệ số phục vụ cho quá trình phát triển đất nước. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách hợp lý hơn để thanh niên có nhiều sản phẩm, công trình hữu ích cho sự phát triển của nước nhà.
Để tránh tình trạng hoạt động hình thức, không đạt được hiệu quả thì không chỉ dừng lại ở các biện pháp tuyên truyền, giáo dục đơn thuần mà phải có những phương pháp sáng tạo, gần gũi, phù hợp với từng lứa tuổi, đối tượng khác nhau.
Cần kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác môi trường không gian mạng với các hoạt động được tổ chức Đoàn phát động, chú trọng việc lấy người được tuyên truyền, giáo dục làm trung tâm; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục cho ĐVTN một cách chi tiết, sát với thực tiễn từng đơn vị, tránh giáo điều, thụ động.
Thượng úy Bùi Thị Hương Lan, Bí thư Đoàn cơ sở khoa Nội tim mạch Bệnh viện T.Ư Quân đội 108: Tăng hiệu quả hoạt động tình nguyện
Thượng úy Bùi Thị Hương Lan, Bí thư Đoàn cơ sở khoa Nội tim mạch Bệnh viện T.Ư Quân đội 108. |
Tôi đã nhiều lần tham gia các hoạt động tình nguyện và đến những nơi xa xôi của đất nước để giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Một trong những vấn đề mà tôi quan tâm trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII là “Tình nguyện đảm bảo an sinh xã hội, vì cuộc sống cộng đồng”.
Tôi cho rằng, nhiệm vụ tình nguyện đảm bảo an sinh xã hội, vì cuộc sống cộng đồng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của thanh niên và cần phải được thực hiện liên tục, thường xuyên. Trong đó, triển khai các chương trình, hoạt động gắn với nhu cầu của đời sống xã hội là nhiệm vụ quan trọng nhất. Những năm qua, đã có hàng nghìn chương trình, hoạt động tình nguyện được tổ chức thực hiện bởi thanh niên, và không ít trong số đó đã không đạt được kết quả như mong đợi do việc triển khai chưa bám sát vào điều kiện thực tiễn của cơ sở.
Có thể có nhiều lý do, nhưng để các dự án tình nguyện đến đúng đối tượng thì ĐVTN ở cơ sở phải là những hạt nhân để triển khai hoạt động, gắn kết các nguồn lực về với địa phương mình. Do vậy, tổ chức Đoàn cơ sở ở các địa phương thụ hưởng các chương trình tình nguyện cần chủ động hơn để là cầu nối hữu hiệu trong hoạt động của Đoàn.
Từ kinh nghiệm tham gia hoạt động tình nguyện, tôi nhận thấy, các chương trình tình nguyện đạt được hiệu quả tốt nhất là những chương trình có sự chung tay, góp sức của nhiều lực lượng khác nhau. Đó là những chương trình đã bám sát chủ trương “3 liên kết” của Đoàn, từ liên kết lực lượng, liên kết địa bàn đến liên kết cộng đồng. Cùng với đó, tôi nhận thấy sự kết nối với Đoàn cơ sở nơi triển khai các dự án, chương trình tình nguyện là điều nhiều chương trình còn thiếu.
Trung úy Nguyễn Ngọc Hà My, đoàn viên Viện Kỹ thuật Cơ giới quân sự, Tổng cục Kỹ thuật: Cung cấp cho ĐVTN những kiến thức, kỹ năng cần thiết
Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Ngọc Hà My, đoàn viên Viện Kỹ thuật Cơ giới quân sự, Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng) |
Tôi quan tâm tới nội dung “chăm lo, hỗ trợ thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần” trong dự thảo Báo cáo chính trị. Một trong những hạn chế của thanh niên Việt Nam là kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội và sức khỏe, thể chất. Thanh thiếu nhi đang phải chịu những tác động tiêu cực của các tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma tuý, các loại hình văn hóa ảo có hại như game online… Để vượt qua được những vấn đề trên, nhóm đối tượng này cần phải được cung cấp thông tin, kiến thức và học hỏi để có những kỹ năng cần thiết.
“Để lôi cuốn sự tham gia của đoàn viên, thanh niên thì tổ chức Đoàn phải tạo ra nhiều sân chơi, nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa. Chỉ có những hoạt động thực tiễn, thực tế và ý nghĩa mới có thể thu hút và duy trì hoạt động của Đoàn”. Thượng úy Bùi Thị Hương Lan, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 |
Do đó, tổ chức Đoàn phải đổi mới nội dung sinh hoạt sao cho phù hợp với nhu cầu, sở thích, năng lực, năng khiếu của thanh thiếu niên. Từ đó xây dựng kỹ năng sống lành mạnh, văn minh, văn hóa ứng xử nơi công cộng, gương mẫu chấp hành pháp luật. Các nội dung hoạt động cần hướng tới tinh thần tự nguyện, tự thân, tự quản để tạo sức sống trong hoạt động Đoàn, từ đó giúp cho ĐVTN có thái độ đúng đắn về học tập và tạo điều kiện tốt nhất để họ tiếp thu tri thức, kỹ năng nghề nghiệp.
Thế hệ “Gen Z” đã và đang có những khoảng cách khá lớn so với thế hệ 8X, đầu 9X (thế hệ của các cán bộ Đoàn hiện nay). Khoảng cách này là do tác động của điều kiện kinh tế - xã hội, sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội.
Nếu không hiểu được sự khác biệt này thì dễ dẫn tới giữa tổ chức Đoàn, cán bộ Đoàn và ĐVTN không tìm được tiếng nói chung. Vì thế cán bộ Đoàn hiện nay phải đi sâu, đi sát với ĐVTN, từ đó có những hoạt động phù hợp với sở thích, nguyện vọng, đặc điểm tâm sinh lý của họ. Đồng thời cung cấp cho ĐVTN những kiến thức, kỹ năng họ đang cần và lồng ghép vào những định hướng chính trị đúng đắn để ĐVTN học tập, noi theo.
Theo TP