Mỹ Diệp hiện là sinh viên năm nhất Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Mới đây nhất, vào ngày 5.4, nữ sinh này đã nhận giải nhất cuộc thi "Cùng đọc sách" do Sở GD - ĐT tỉnh Quảng Nam tổ chức. Đây là cuộc thi góp phần thực hiện chiến lược phát triển văn hóa đọc bình diện giáo dục, hình thành hoạt động khuyến đọc trong nhà trường, khích lệ tinh thần mê đọc và chia sẻ sách hay trong cán bộ, công chức, học sinh...
Hồ Cao Mỹ Diệp có tình yêu đặc biệt với sách
Lớn lên cùng sách
Trước đó, cũng chính Diệp đã đạt giải nhất cuộc thi viết nhận xét, đánh giá tạp chí “Xuân trong kỷ niệm” của một tạp chí khởi xướng năm 2021. Hay giải nhất cuộc thi “Nằm nhà đọc sách” do Không gian đọc Hội An (Quảng Nam) phát động năm 2020...
Đặc biệt, nữ sinh xinh đẹp quê Quảng Nam này khi còn là học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đã từng đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn ngữ văn năm 2021...
Diệp chia sẻ rằng: "Sách là người bạn lớn lên cùng tôi từ thưở tuổi thơ đến nay. Điều khiến tôi thích thú khi đọc lại một cuốn sách là những chi tiết mới, mang tính “phát hiện”. Khi lần đầu đọc chúng, tôi chẳng đủ trải nghiệm để có thể lắng nghe, thấu hiểu hết những câu từ trong sách. Dần dà, ở những lần đọc tiếp theo, tôi cảm nhận rõ hơn. Và cũng vì vậy, niềm đam mê và tình của tôi dành cho sách dần bền chặt hơn".
Cô gái 19 tuổi này cho biết thêm thường đọc đủ loại sách về tản văn, tiểu thuyết, thơ... Thế nhưng khi bước vào giảng đường đại học, có thêm thói quen tìm đọc sách thuộc nhiều lĩnh vực hơn để tự tạo cơ hội được bổ sung kiến thức nền. "Đó cũng là cách để tôi không bị trở thành người ngoài cuộc, nhất là trong thời đại đầy biến động như hiện nay", Diệp nói.
Chia sẻ với những người trẻ đã và đang chưa có thói quen đọc sách, Diệp nói: "Có một câu của J.K.Rowling rất hay. Và tôi muốn nhắn gửi tới mọi người. Đó là: “Nếu bạn không thích đọc sách, đó chẳng qua là vì bạn chưa tìm được đúng cuốn sách mình cần mà thôi".
Không để khó khăn khuất phục
Diệp quê ở H.Tiên Phước (Quảng Nam) trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ba Diệp tuy là trụ cột chính trong nhà nhưng sức khỏe thất thường, thường xuyên đau ốm. Mẹ Diệp bị bệnh mạn tính, đến nay đã hơn 13 năm và vẫn uống thuốc hàng ngày để duy trì sức khỏe ổn định. Để rồi, chị em Diệp lớn lên trong khó khăn, vất vả nhưng chưa bao giờ thiếu thốn tình yêu thương.
Với Diệp chính xuất phát điểm không như người ta là động lực khiến nỗ lực hơn, sống trách nhiệm hơn trong học tập, trong cuộc sống. "Tôi chấp nhận và biết ơn xuất phát điểm ấy, vì nơi đó có gia đình, một điểm tựa tinh thần mà tôi có thể “nạp lại năng lượng” để tiếp tục chinh phục những thử thách mới. Tôi không để những khó khăn khuất phục. Và tôi nghĩ, không chỉ riêng tôi mà với những bạn ở nông thôn, vùng sâu vùng xa cũng gặp vô vàn khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Thế nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là mỗi người biết cách tự vượt lên chính mình với những cố gắng, những nỗ lực", Diệp nói.
Ước mơ làm nhà giáo
Trước những câu chuyện thời sự hiện nay, khi nhiều học sinh gặp áp lực và tìm đến tự tử. Hỏi Diệp, có bao giờ cảm thấy chông chênh, ngột ngạt, áp lực trong suốt những năm tháng đi học không? Diệp kể thật: "Có lẽ ai cũng có ít lần cảm thấy chông chênh, áp lực trong đời. Tôi cũng vậy. Trong những khoảnh khắc đó, tôi thường dành thời gian đối thoại với chính mình. Và viết lách hay đọc sách cũng là những cách hay. Lúc rảnh, tôi dành thời gian để đọc các cuốn sách về chữa lành, chánh niệm và thiền để sơ cứu cảm xúc, làm dịu lại mình. Hoặc đôi khi, tôi tìm đến trò chuyện những người bạn thân có khả năng lắng để nghe và hiểu. Qua đó, có thể được nâng đỡ tâm hồn. Và nhờ vậy, tôi vượt qua được những thời khắc ngột ngạt nhất".
Hiện nay, sau những giờ học trên giảng đường và tự học ở phòng trọ, Diệp còn tranh thủ thời gian để làm gia sư để trang trải cuộc sống sinh viên, có thêm trải nghiệm và kinh nghiệm. Đồng thời nuôi dưỡng những mục tiêu, những ước mơ lớn lao mà Diệp đã quyết tâm chinh phục trước khi vào ĐH.
"Tôi có cho mình những mục tiêu lớn nhỏ trong 4 năm đại học. Mục tiêu ấy không phải chỉ là những danh hiệu, học bổng... mà còn là học được khả năng tự học để theo đuổi con đường nghiên cứu. Và bản thân tôi vẫn mong sau này, có thể trở thành một giảng viên. Bởi lẽ tôi luôn giữ trong mình những ký ức đẹp đẽ về thầy cô, luôn biết ơn các thầy cô giáo đã bao dung, tử tế, từ buổi đầu tới lớp đến mãi những năm tháng về sau, và truyền cho tôi tình yêu về nghề dạy học. Có lẽ hơi sớm để khẳng định điều gì, nhưng nếu có cơ hội và đủ duyên, tôi sẽ hạnh phúc khi được làm một đồng nghiệp của các thầy cô và được trở thành một người bạn của sinh viên sau này", nữ sinh mê đọc sách bộc bạch
Theo TNO