Nuôi dúi để thoát nghèo

(CTG) Hiện nay, do vấn nạn săn bắt, dúi trong tự nhiên đang ngày một khan hiếm, không còn đủ để cung cấp cho thị trường, nhất là nhà hàng, khách sạn và các quán lẩu dúi. Chính vì vậy, chăn nuôi dúi dần dần trở thành mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.


Tiềm năng từ con Dúi

Dúi là động vật thuộc họ gặm nhấm phân bố ở hầu khắp các vùng nước ta. Hình thù bên ngoài dúi không khác chuột là mấy nhưng khi trưởng thành trọng lượng của dúi có thể đạt 3kg/con. Mấy năm trở lại đây, một số hộ dân ở tỉnh Phú Thọ đã thuần hóa nuôi dưỡng thành công loài dúi, hứa hẹn mô hình phát triển kinh tế mang lại lợi nhuận cao.

Dúi được xếp vào loại thức ăn đặc sản, thịt ngon, mát, giàu đạm. Dúi là con nuôi mới, dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp (chuồng trại, con giống), thức ăn rẻ, dễ kiếm, tốn ít diện tích, ít nhân công, vòng xoay vốn nhanh, ít rủi ro.
 
Tuy nhiên, nghề nuôi dúi cũng đòi hỏi người nuôi phải nắm được đặc tính của loài dúi cũng như kỹ thuật nuôi theo khoa học. Trước khi thành công với mô hình nuôi dúi hiện nay, bác Lê Ngọc Quỳ - phố Tân Tiến, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã không ít lần nếm mùi thất bại khi mới đưa vào chuồng được vài hôm là dúi chết như ngả rạ. Nhiều lần dúi con đẻ ra lớn lên được vài lạng đến 1kg nhưng chỉ một lần sơ suất cho thức ăn không đúng khẩu vị là đàn dúi lại lăn đùng ra chết. Hết lứa này đến lứa khác, số tiền bác Quỳ ném vào con dúi lên tới cả chục triệu đồng. Phải mãi đến năm 2009 khi nắm bắt được đặc tính, thức ăn của loài dúi, bác Quỳ mới bước đầu có được thành công. Bác cho biết, dúi ăn rất ít, một tuần chỉ cần chăn một vài lần song một năm dúi đẻ được từ 2 - 4 lứa; mối lứa 3 - 5 con nên nuôi rất nhàn.

Bác Quỳ mạnh dạn khẳng định, vị trí và tương lai của con dúi khác hoàn toàn so với nhím và dế. Nếu như mô hình nuôi nhím “chết yểu” bởi không có đầu ra thương phẩm thì thịt dúi bao nhiêu cũng được nhà hàng, khách sạn tiêu thụ hết vì thịt dúi là đặc sản vừa ngon, vừa bổ, hợp khẩu vị người Việt. Với con nhím, chủ yếu hiện nay bán giống là chính vì giá nhím thịt quá cao, con dúi lại khắc phục được nhược điểm của nhím bởi giá dúi giống và giá dúi thịt phải chăng, người tiêu dùng hoàn toàn có thể chấp nhận được làm thức hàng ngày.

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, CLB Nuôi dúi của Bác Quỳ đã có gần 20 thành viên, trước đây đều là thành viên của CLB nuôi Nhím, nhưng con Nhím, dế không trụ được nên tất cả chuyển sang nuôi dúi và đang gặt hái được thành công to lớn. Hộ nào nuôi ít cũng vài chục con dúi đẻ, nhiều như gia đình bác Quỳ số đàn dúi đẻ lên tới cả trăm con. Tiếng lành đồn xa, người dân từ khắp nơi tò mò tới mua dúi giống và dúi thịt. Bác Quỳ cười bảo, tất cả người nuôi lẫn người ăn khi tới tìm hiểu về con dúi đều rất khoái con vật này.

Quy trình nuôi dúi

Nuôi dúi không biết cách rất khó thành công, nhưng khi đã nắm bắt được quy trình, kỹ thuật, tôn trọng đặc tính tự nhiên của loài dúi thì không nuôi con gì nhàn và đơn giản hơn.

1. Chọn mua dúi giống

Với bà con mới nuôi dúi lần đầu nên mua dúi nhỏ về nuôi, như vậy sẽ đảm bảo dúi lớn lên sinh sản tốt vì dúi con rất dễ thích nghi với mọi điều kiện chăn nuôi. Tâm lý của người nuôi bao giờ cũng là muốn vật nuôi của mình nhanh sinh sản nên chọn dúi to về nuôi cho nhanh, như vậy cũng tốt nhưng các bạn cũng cần tìm hiểu thật kỹ kỹ thuật nuôi dúi sinh sản.



Với bà con mới nuôi dúi lần đầu nên mua dúi nhỏ về nuôi, như vậy sẽ đảm bảo dúi lớn lên sinh sản tốt vì dúi con rất dễ thích nghi với mọi điều kiện chăn nuôi.


2. Thức ăn

Thức ăn của dúi phong phú và đa dạng, bao gồm tất cả các loại rau, củ, quả, rễ cây, mầm cây ngọt bùi đắng chát… thức ăn tinh hỗn hợp, thức ăn bổ sung khoáng, sinh tố…, thức ăn động vật gồm: côn trùng, ốc, giun đất...

Về khẩu phần thức ăn trung bình cho 1 con/ngày như sau:

- Dúi 2 - 3 tháng tuổi: 50 - 100 g rau, củ quả; 5 - 10 g thức ăn hỗn hợp và 5 - 10 g lúa, ngô, đậu các loại.

- Dúi 3 - 6 tháng tuổi: 100 - 250 g rau, củ, quả; 10 - 15 g thức ăn tổng hợp; 5 - 15 g thức ăn hạt thóc, đậu và 3 - 10 g khô dầu lạc, khô dầu dừa.

- Dúi 6 - 9 tháng tuổi: 250 - 350 g rau, củ, quả; 15 - 30 g thức ăn tổng hợp; 15 - 30 g thức ăn hạt các loại và 10 - 20 g khô dầu lạc, khô dầu dừa.

Có thể thay dầu dừa, dầu phộng bằng giun đất, côn trùng (kiến, mối, sâu, bọ...), thức ăn tinh hỗn hợp có thể dùng thức ăn viên dùng cho gà con, vịt con 1 tháng tuổi của các hãng chế biến thức ăn.

Người nuôi có thể điều chỉnh lượng thức ăn bằng cách quan sát, nếu sau 12 giờ cho ăn thấy dúi ăn hết thì bổ sung thêm, ngược lại nếu thức ăn còn thừa nhiều thì giảm bớt những lần cho ăn sau. Khi cho ăn đủ thức ăn rau, củ, quả tươi thì dúi không cần uống nước hoặc uống ít nước. Thức ăn còn thừa sau 12 giờ, bị úa vàng, chua, mốc phải bỏ đi, đảm bảo cho dúi thức ăn tươi, xanh, sạch đề phòng bệnh tiêu chảy, dúi sẽ khỏe mạnh ít dịch bệnh…Dúi thường chịu rét tốt hơn chịu nóng, nếu nóng trên 350C, cần có quạt thông gió cho thoáng mát.

3. Làm chuồng nuôi

Địa điểm nuôi dúi lý tưởng là một khu thật yên tĩnh (điều này đặc biệt quan trọng trong quá trình nuôi dúi sinh sản).  Chuồng dúi nên tránh ánh sáng trực tiếp (trong tự nhiên ngày dúi ngủ trong hang, tối mới ra ngoài đi kiếm ăn).

 

3.1. Làm chuồng nuôi sinh sản

Mỗi ô chuồng rộng khoảng 50 cm, dài 0,8 - 1 m, xây tường cao 70 cm bên trong tô xi măng thật láng hoặc ốp gạch men (gạch loại), nền bê tông hoặc lát gạch. Mỗi ô chuồng dùng cho một con.

3.2. Làm chuồng nuôi thương phẩm




Làm chuồng nuôi thương phẩm, mỗi ô chuồng rộng khoảng 2 m2 trở lên, xây tường cao 70 cm trở lên, bên trong tô xi măng hoặc ốp gạch men (gạch loại), nền bê tông hoặc lát gạch.

Làm chuồng nuôi thương phẩm, mỗi ô chuồng rộng khoảng 2 m2 trở lên, xây tường cao 70 cm trở lên, bên trong tô xi măng hoặc ốp gạch men (gạch loại), nền bê tông hoặc lát gạch. Trong chuồng đặt khoảng các ống cống nhỏ hoặc nhiều các gốc cây, số lượng này phụ thuộc vào mật độ đàn nuôi thương phẩm. Chú ý mật độ càng nhiều thì cần nhiều các ống và các loại gốc cây để chúng trú ẩn, tránh nhau để không cắn nhau…

Có thể sử dụng chuồng nuôi thương phẩm để nuôi sinh sản, tuy nhiên người nuôi dúi cần phải nhận biết được khi nào con dúi cái mang thai và phải tách nó ra trước khi nó sinh sản, nếu không khi sinh sẽ bị con khác ăn con hoặc có thể dúi mẹ cũng ăn con. Khi sử dụng chuồng nuôi thương phẩm để nuôi sinh sản thì người nuôi phải chấp nhận hao hụt đàn bố mẹ do trong quá trình nuôi chúng sẽ cắn nhau, có thể sẽ bị chết.

Khi thiết kế chuồng nuôi cần chú ý trong chuồng phải được mát về mùa hè, nên làm mái che lợp lá, đảm bảo thông thoáng nhưng ít ánh sáng rọi vào chuồng.

4. Chăm sóc dúi sinh sản

Mỗi năm dúi đẻ 4 lứa, mỗi lứa 2-5 con, nuôi con rất giỏi, hao hụt ít. Nên cho dúi ăn đầy đủ và đúng khẩu phần trước, trong và sau khi sinh.



Sau 01 tháng ở với mẹ, dúi con trưởng thành và bắt đầu ăn được thức ăn như tre, mía,…

 Dúi cái mang thai 45 ngày. Lúc mới ra đời, dúi con không có lông và chưa mở mắt. Khoảng 15 ngày sau khi sinh, dúi con mở mắt và vài tuần sau sẽ mọc lông. Sau 01 tháng ở với mẹ, dúi con trưởng thành và bắt đầu ăn được thức ăn như tre, mía,… Tuy nhiên, nên sử dụng loại tre bánh tẻ vì răng nó chưa khoẻ, lúc này nó tự sống độc lập. Sau khi tách con thì nên ngừng cho ăn một ngày và sau 3 ngày thì kiểm tra và ghép đôi với dúi đực.

Anh Phương - một trong những người nuôi dúi thành công tại thôn Lâm Xuyên, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc chia sẻ: “Nuôi dúi đẻ thì không nên nuôi 01 đực và nhiều cái chung một chuồng vì khi dúi đẻ ra thì bị dúi cái khác giành dúi con. Con gặm đầu, con gặm đuôi, dúi sẽ chết. Theo kinh nghiệm của tôi thì không nên nuôi dúi theo cặp và theo nhóm 01 đực và nhiều cái trong 01 ô chuồng quá lâu. Thường thì 10 ngày ta đổi đực 01 lần. Khi bỏ đực vào ô con cái nếu chúng chịu nhau thì kêu hực hực và phối liên tục. Tốt nhất thì nuôi mỗi chuồng 01con cái (khi dúi cái có bầu), còn cách xác định dúi có bầu thì kiểm tra vú của con dúi, thấy vú căng bóng và cuống vú có màu tím nhạt nghĩa là dúi có bầu khoảng 01 tháng. Khi đó ta tách dúi cái ra nuôi riêng cho đến khi dúi đẻ”.

Anh cũng cho hay: “Khoảng 45 ngày sau thì có dúi con (tính từ lúc phối), Khi dúi khoảng 01kg thì phối được. Chú ý khâu này rất quan trọng để còn dúi con. Trên mạng tôi thấy nhiều người xây chuồng không có làm hang nhưng tôi thì làm hang. Khi dúi đẻ thì chọn nơi yên tĩnh và tối, vì dúi mẹ dễ bị stress. Nên đẻ trong hang là tốt nhất, khi ta cho dúi mẹ ăn cũng không làm ảnh hưởng tới dúi mẹ. Chuồng dúi đẻ nên đậy kính một phần, hạn chế làm động dúi mẹ, vì làm động thì dúi mẹ ăn dúi con luôn. Nếu dúi con sống được 10 ngày là ổn, lúc này ta có thể bỏ nắp đậy ra được”.

Một số chú ý khi chăm sóc Dúi sinh sản:

- Kiểm tra dúi cái động dục: xách đuôi con dúi cái lên kiểm tra, nếu thấy bộ phận sinh dục của nó có màu hơi hồng, đưa tay lên vuốt nhẹ thấy nó hơi lồi ra, có thể ướt bộ phận sinh dục là con cái có biểu hiện động dục.

- Tiến hành ghép đôi: chọn con đực (nên chọn con đực có kích thước tương đương con cái hoặc to hơn một ít) thả vào chuồng con cái. Quan sát nếu thấy con đực và con cái quấn quýt với nhau thì để nguyên như vậy, nếu thấy con đực và con cái gằm ghè nhau thì thay con khác. Chú ý sau 2 ngày tiến hành quan sát con cái, nếu thấy con cái có biểu hiện vú hơi căng, bộ phận sinh dục bắt đầu se lại thì con cái đã có bầu. Nếu chưa quan sát quen thì tốt nhất để con đực và con cái ở với nhau trong vòng một tuần hoặc thấy con đực và con cái có biểu hiện gằm ghè nhau thì tách ra.

Chú ý: Khi ghép đôi con đực với con cái mà đã hợp nhau thì đánh dấu lại và lần giao phối sau nên sử dụng lại con đực. Mỗi con đực có thể quản lý được tối đa là 5 con cái. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào kinh nghiệm của người nuôi và chu kỳ sinh sản của các con cái. Vì vậy, khi bắt đầu nuôi nên sử dụng một đực một cái, sau khi đã có kinh nghiệm thì tăng dần số con cái lên.

 - Chăm sóc Dúi mang thai và sinh con: sau khi con cái có bầu thì chú ý chế độ cho ăn: phải đủ tre, mía, và bổ sung thêm ngô, khoai lang hoặc sắn.

5. Nuôi thương phẩm

Cần chú ý phải cho ăn đủ thức ăn để tránh khi đói dúi cắn nhau. Ngoài ra, cần bố trí các vật trú ngụ sao cho phù hợp để hạn chế tối đa chúng cắn nhau.
Nếu cho ăn không đủ tre, mía, thì dúi sẽ bị dài răng và thiếu nước sẽ bị chết hoặc để dúi cắn nhau mà không phát hiện kịp thời chúng cũng rất dễ bị chết.

6. Bệnh của dúi và cách phòng ngừa

Để phòng bệnh cho dúi, chuồng trại phải đảm bảo khô ráo, sạch sẽ và thoáng mát, tránh mưa tạt, gió lùa, nắng nóng và không cần ánh sáng trực tiếp,... Con dúi là động vật hoang dã, mới được thuần hóa, sức đề kháng rất mạnh nên ít dịch bệnh. Tuy nhiên, dúi vẫn bị một số bệnh thông thường như bệnh ký sinh trùng ngoài da, bệnh đường ruột…

+ Bệnh ký sinh trùng ngoài da: Do ve, mò (1 loài ký sinh) cắn gây nên ghẻ lở, ta có thể dùng thuốc kháng sinh bôi hoặc dúi tự liếm cũng có thể khỏi. Để phòng bệnh, ta nên định kỳ vệ sinh sát trùng, tẩy uế chuồng trại và xung quanh 1 - 2 lần/tháng.

+ Bệnh đường ruột: Thường do khẩu phần thức ăn cung cấp không đầy đủ thành phần và giá trị dinh dưỡng nên dúi có thể bị tiêu chảy. Trong trường hợp đó, ta có thể dùng thuốc điều trị tiêu chảy hoặc bổ sung thêm thức ăn, nước uống đắng, chát như ổi xanh, cà rốt, rễ cau, rễ dừa... Để phòng bệnh tiêu chảy, không nên sử dụng các loại thức ăn hôi thối, ẩm mốc, khẩu phần thức ăn phải phong phú và đa dạng.

Hiệu quả từ chăn nuôi Dúi

Từ nguồn vốn hỗ trợ của Quỹ khởi nghiệp (thuộc Hội LHTN VN tỉnh Đắk Lắk), nhiều thanh niên ở vùng sâu, vùng khó khăn đã có cơ hội thực hiện ước mơ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.



Giá giống được bán ra tùy vào từng cỡ tuổi, nếu dúi 3 tháng tuổi được bán với giá 300 nghìn/con thì khi 10 tháng tuổi sẽ bán với giá 550 nghìn đồng/con.


Phía sau căn nhà gỗ tuềnh toàng của anh Đỗ Văn Huyện ở thôn 2, xã Cư Prao, H.M’Đrắk, chỉ có đá cuội và đá tảng chồng lên nhau. Trồng cây gì, nuôi con gì để có thu nhập, thoát nghèo trong khu vườn dày đặc đá là bài toán nan giải nhiều năm liền của chàng thanh niên 26 tuổi, quê gốc Nam Định này. Một lần, xem chương trình truyền hình về mô hình nuôi dúi (chuột nứa), anh bị hấp dẫn ngay. Anh liền làm thủ tục vay 20 triệu đồng từ Quỹ khởi nghiệp để thực hiện dự án nuôi dúi.

Với hai cặp dúi giống mua từ Vĩnh Phúc vào năm 2011, đến nay Huyện đã có đàn dúi giống hơn 20 con. Anh cười mãn nguyện: “Ban đầu chưa có kinh nghiệm, tôi để sổng chuồng mất 3 con, nhưng nay thì khá rành rồi. Có lẽ không gì khỏe bằng nuôi dúi, thức ăn chỉ có gốc tre và gốc mía, mới mấy tháng mà đã bán được hai đôi dúi giống cho người hàng xóm”. Huyện cho biết, trong năm nay anh sẽ nhân đàn lên khoảng 100 con dúi thịt, mỗi con chừng 2 kg, tính giá thương phẩm gần 100 triệu đồng. Khoản vay khởi nghiệp còn được anh dùng mua vật tư, phân bón chăm sóc rẫy mía 2 ha cách nhà gần 3 km, hiện đang chuẩn bị thu hoạch, ước mỗi ha thu nhập hơn 30 triệu đồng.

Còn với anh Dư Văn Hai, Bản Long, Tam Đảo thì sau 13 năm vừa nuôi, vừa mày mò và rút kinh nghiệm, anh đã sở hữu một trang trại nuôi dúi lớn nhất tỉnh Vĩnh Phúc. Anh chia sẻ: “Sau khoảng 3 tháng nuôi là dúi con có thể xuất bán được. Dúi nuôi thương phẩm của gia đình tôi thường được xuất bán vào khoảng thời gian từ 30/4 đến 2/9 bởi thời điểm này, giá dúi vào khoảng 420 nghìn đồng/kg, cao hơn hẳn những dịp khác. Giá giống được bán ra tùy vào từng cỡ tuổi, nếu dúi 3 tháng tuổi được bán với giá 300 nghìn/con thì khi 10 tháng tuổi sẽ bán với giá 550 nghìn đồng/con. Khi người nuôi mua 3 cái 1 đực thì giá bán sẽ là 700 nghìn đồng/con. Dúi là động vật hoang dã nên khi mua giống người nuôi nên mua ở những cơ sở có chứng nhận của kiểm lâm địa phương để thuận tiện cho việc vận chuyển cũng như chăn nuôi sau này”.

Sau 13 năm mày mò, sáng tạo và rút kinh nghiệm, anh Hai đã bỏ lại phía sau những thất bại để ngày càng trở nên thành công hơn với nghề nuôi dúi. Hiện nay, trang trại của anh Hai có tới hơn 1.000 con dúi. Cũng chính bởi sự quyết tâm, say mê và theo đuổi đến cùng mà giờ đây, quy trình nuôi dúi đã được anh hoàn thiện để giới thiệu đến đông đảo bà con muốn học tập.

Còn không ít những tấm gương tiêu biểu minh chứng cho hiệu quả kinh tế của mô hình này. Bài viết trên đây chỉ tổng hợp những kỹ thuật nuôi cơ bản, hy vọng sẽ nhận dược nhiều ý kiến đóng góp của những người đã có kinh nghiệm thực tế với nghề nuôi dúi. Xin chân thành cảm ơn!

 


Theo Học Làm Giàu