Nút thắt quản trị nhân sự

(CTG) Doanh nghiệp luôn đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng rất lúng túng trong việc tìm kiếm và tuyển dụng người tài.




Tuyển dụng nhân sự có tài đang là bài toán khó đối với doanh nghiệp. Ảnh: Đức Thanh

Nút thắt trong quản trị nhân sự

Nguồn nhân lực chất lượng cao với cách hiểu đơn giản là đáp ứng được yêu cầu của vị trí tuyển dụng và hoàn thành tốt công việc được giao. Song, chất lượng nguồn nhân lực vẫn là đề tài đau đầu đối với chủ doanh nghiệp (DN) và họ cũng rất bi quan về năng lực quản trị nhân sự của mình. 90% DN luôn đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng lại loay hoay không biết nguồn nhân lực chất lượng cao phải đáp ứng những yêu cầu gì?

Chủ đề này đã được mổ xẻ ở nhiều góc độ tại một diễn đàn vừa diễn ra tại Hà Nội.

Ông Lê Quân, Chủ tịch HĐQT EduViet Corporation cho biết, người lao động đang nhìn về lợi ích ngắn hạn với kỳ vọng DN mang lại cho mình nhiều cơ hội hơn và khi không có được điều đó, mức độ gắn bó với DN sẽ giảm. Cũng theo ông Quân, có 3 nút thắt trong công tác quản trị nhân sự tại DN, đó là: lãnh đạo ở tầm cao nhất chưa chú trọng chiến lược nhân sự lâu dài; cấp giám đốc và trưởng phòng nhân sự chỉ chú ý đến chuyên môn, mà chưa chú ý đến quản lý; chưa triển khai, phân cấp được thế hệ kế cận. Hệ quả là, cung và cầu luôn vênh nhau.

Nếu kéo dài tình trạng trên, thời gian tới, thị trường nhân sự sẽ có sự phân hóa lớn ở 2 góc độ. Thứ nhất, người lao động buộc phải tự cứu mình; họ phải nắm bắt xu hướng thị trường để trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các kế hoạch chuyển dịch. Trong trường hợp này, DN quy mô nhỏ thường gặp bất lợi do cạnh tranh nhân sự mạnh, khiến họ khó giữ chân được các vị trí cốt lõi. Thứ hai, DN tạo ra sức ép để người lao động trong nội bộ thay đổi theo nhu cầu của chiến lược phát triển DN.

Tìm kiếm nhân tài ở đâu?

Có 2 nguồn cung cấp nhân tài bên trong và bên ngoài DN. Tuy nhiên, nhiều DN đang có xu hướng "ăn xổi", nghĩa là chiêu dụ từ bên ngoài những ứng viên đã chứng tỏ được giá trị của mình. Cách tiếp cận này cho phép có ngay được người cần tuyển dụng lại không mất thời gian và chi phí đào tạo, nhưng mức độ rủi ro khá lớn. Nếu người được tuyển dụng không trung thành, sẽ dẫn đến nguy cơ bị mất công nghệ, ý tưởng, bí mật kinh doanh…

Cách kiếm tìm đội ngũ kế cận trong nội bộ DN được cho là sẽ hạn chế được rủi ro đó, song việc này mất thời gian và đòi hỏi chủ DN phải biết phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, đánh giá và sử dụng để họ phát huy thế mạnh.

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan cho rằng, các tập đoàn lớn nên biết kết hợp giữa tìm người tài từ bên ngoài và từ nội bộ công ty của mình, vì họ đủ tiềm lực để "chào hàng" người tài từ nước ngoài, hoặc thuộc nhân sự cao cấp của các đối thủ. Còn với DN nhỏ và vừa, theo ông Mười, do hạn chế về nhiều mặt, khối DN này nên ưu tiên việc tìm kiếm, huấn luyện và bổ nhiệm nội bộ.

Tuy nhiên, có một kênh tìm nhân tài khá hiệu quả mà DN nội ít tính đến và tận dụng, đó là hợp tác đào tạo với trường đại học. Hiện chỉ có 3% DN Việt Nam hợp tác với trường đại học để tuyển nhân viên. Trong khi đó, 4 năm qua, mỗi năm, Tập đoàn Nestle tuyển được 10 nhân viên tại Trường đại học Thương mại, tiết kiệm được khoản tiền khá lớn nếu so với việc tuyển dụng thông qua các công ty săn đầu người.


Theo Báo Đầu Tư