Phương pháp mới giúp học sinh sáng tạo trong học tập

(CTG) Những năm học gần đây, việc tìm ra những phương pháp giảng dạy mới, giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách tự nhiên, thoải mái, không bị hàn lâm, gò bó trở thành một yêu cầu cấp bách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD và ÐT). Ðể hiện thực hóa yêu cầu đó, nhiều phương pháp, cách dạy và học tập mới, sáng tạo đang được các nhà nghiên cứu, thầy giáo, cô giáo đưa ra, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.




Giờ học theo phương pháp ứng dụng bản đồ tư duy của học sinh Trường THCS Nam Trung Yên (Hà Nội). 


Dự tiết học ở cơ sở sản xuất bánh đa kế Hà Thi, xã Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) cùng giáo viên và học sinh Trường THCS Hương Lạc, chúng tôi bị cuốn hút bởi những thông tin về làng nghề bánh đa kế do bác Nguyễn Xuân Trường giới thiệu và cùng tham gia vào các quy trình làm nên chiếc bánh đa với các "đầu bếp nhí". Lần đầu được trực tiếp vào vai "thợ" làm bánh đa, chế biến món ăn và sử dụng chính sản phẩm do tay mình làm ra, các em phấn khích vô cùng. Ðó là kết quả tiết học của môn Công nghệ với bài "Chế biến món xào, món nướng" đã được cô và trò Trường THCS Hương Lạc thực hiện một cách sinh động tại thực địa Hương Lạc. Học sinh trong lớp đã thu hoạch tiết học ngay "tại trận" và kiến thức được đúc rút, khái quát nhanh, thành thạo, dưới dạng một bản đồ tư duy (BÐTD).

Khác với Trường THCS Hương Lạc, Trường THCS Ngô Quyền (Hải Phòng) lại tổ chức cuộc thi "Sáng tạo với BÐTD" nhằm tạo nên những phương pháp dạy và học mới giúp học sinh tiếp cận kiến thức nhanh, nhớ lâu và có sức sáng tạo. Hiệu trưởng nhà trường Trần Thị Minh Thúy, cho biết: Ứng dụng BÐTD đã được trường triển khai hơn một năm qua cho thấy đó là một công cụ, một kỹ thuật dạy học tiên tiến, góp phần đổi mới phương pháp dạy học một cách tích cực, hiệu quả. Vì vậy, trường đã tận dụng phương pháp này trong các hoạt động giáo dục và làm chuyên đề cấp thành phố với tiêu đề "Chúng em với BÐTD", tiến tới cuộc thi "Trường học sáng tạo" do Sở GD và ÐT tổ chức nhằm tạo nên những "cú huých" trong đổi mới phương pháp dạy học hiện nay.

Không phải một cuộc thi hay một giờ thực hành thực tế mà khi đến Trường THCS Nam Trung Yên (Hà Nội), chúng tôi lại thấy những giờ học vui tươi khi các cô giáo của trường đang cho học sinh ôn tập và hệ thống lại kiến thức bằng phương pháp BÐTD. Cô hướng dẫn cả lớp vẽ một BÐTD với nhiều màu sắc sinh động và cuốn hút. Chưa đầy mười phút, toàn bộ nội dung kiến thức trong một bài học dài mấy trang sách được tóm gọn bằng một BÐTD. Phần thời gian còn lại, cô giáo cho các học trò thỏa sức sáng tạo và phát triển ý tưởng liên hệ của mình liên quan đến bài học. Cô giáo Vũ Thị Ngân, tổ trưởng tổ Xã hội cho biết: Từ khi triển khai dạy học bằng phương pháp mới này, công việc của giáo viên đỡ vất vả so với cách dạy truyền thống đọc - chép trước đây, giúp học sinh thuộc bài ngay tại lớp, nhớ nhanh, nhớ sâu, nhớ lâu và nhớ chính xác những nội dung bài học. Còn  em Nguyễn Anh Vũ, học sinh lớp chín nói: BÐTD giúp em lập dàn ý nhớ toàn bộ cốt lõi bài học mà không sa vào chi tiết, học vẹt, thậm chí tiết học thoải mái như vừa học vừa chơi, không áp lực, không buồn ngủ...

Ðổi mới giáo dục nói chung, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy nói riêng là nhiệm vụ quan trọng được toàn ngành GD và ÐT triển khai trong những năm gần đây. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là thói quen dạy, học truyền đạt một chiều, học sinh tiếp thu một chiều vẫn còn nặng nề. Vì vậy, việc đổi mới phương pháp dạy học cần có những tìm tòi, sáng tạo từ thực tiễn, nhằm tiến hành áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, từng bước chuyển cách dạy và học từ chỗ trang bị kiến thức cho người học sang dạy học sinh cách tiếp nhận và tìm tòi kiến thức, vận dụng vào thực tế và biến thành kỹ năng của riêng mình. Theo TS Ðặng Thị Thu Thủy, Giám đốc Trung tâm phương pháp (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam): Việc triển khai ứng dụng BÐTD trong dạy học nhằm bổ trợ kiến thức và kỹ năng cho học sinh thông qua nhiều hoạt động khác nhau đã nhận được sự hưởng ứng sâu rộng của nhiều trường học, không chỉ trong bậc THCS. Ðặc biệt là việc ứng dụng phương pháp này còn gây ra một hiệu ứng mạnh mẽ, được áp dụng không chỉ trong khuôn viên lớp học mà ở mọi không gian giáo dục. Phương pháp này đặc biệt có ích trong việc củng cố kiến thức và rèn luyện, phát triển tư duy lô-gích, năng lực cho học sinh, nhất là những học sinh khá, giỏi. Học sinh có thể tự học ở nhà mà vẫn  hiệu quả. Ðây sẽ là mô hình tốt được nhân rộng ra các nhà trường trong cả nước, đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà.


Theo Nhân Dân