|
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tập trung xử lý những vấn đề bức xúc.
Chính phủ sẽ đồng tâm hiệp lực, nâng cao tinh thần trách nhiệm, hỗ trợ nhau trong công việc, đi sát nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân để thực hiện tốt các mục tiêu, giải pháp mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề ra.
Trong đó, tập trung xử lý những vấn đề bức xúc của nhân dân; giải quyết ba nhiệm vụ đột phá. Mỗi thành viên Chính phủ phụ trách mỗi lĩnh vực liên quan ba khâu đột phá này cần tập trung thực hiện: Tái cơ cấu nền kinh tế, hạ tầng, nguồn nhân lực, đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý doanh nghiệp nhà nước, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu… Đối với phòng, chống tham nhũng, phải có chương trình đồng bộ với quyết tâm cao.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngoài nhà nước
Muốn huy động nguồn lực tốt thì phần của Nhà nước là quan trọng để định hướng đầu tư, nhưng còn phải huy động các nguồn lực khác, từ xã hội thông qua các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài nhà nước, người dân tham gia vào đầu tư. Hiện nay thường nói công tư kết hợp.
Thứ hai là tranh thủ các nguồn vốn của nước ngoài để đầu tư vào các lĩnh vực Nhà nước cần trên cơ sở đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Đó là điều rất quan trọng nên việc lựa chọn từng nguồn vốn, đầu tư vào từng lĩnh vực hoặc từng dự án, tính chất của dự án là rất quan trọng để tạo ra sản phẩm.
Thứ ba là phải có cơ chế thông thoáng để cho xã hội tiết kiệm thực sự, dành vốn đó để đầu tư.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ: Quyết liệt kiềm chế lạm phát
Ngành tài chính sẽ thực hiện quyết liệt, đồng bộ hơn Nghị quyết 11 của Chính phủ để kiềm chế lạm phát. Đây là một trong những công việc ưu tiên của tôi trên cương vị Bộ trưởng Tài chính. Chúng tôi sẽ cùng với các bộ, ngành khác rà soát lại, triển khai tốt các giải pháp chính thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình để kiềm chế lạm phát.
Tài chính cũng như tín dụng là mạch máu của nền kinh tế. Chúng ta phải đảm bảo cho nó thông suốt, lưu thông theo đúng quy luật kinh tế khách quan và nhu cầu thực tế của nền kinh tế. Khi nền kinh tế suy giảm hoặc khủng hoảng thì biện pháp đầu tiên là áp dụng chính sách tiền tệ, nhưng chính sách tài khóa cũng phải sử dụng linh hoạt.
Chính sách tài khóa được ví như viên kẹo ngọt để làm giảm vị đắng của chính sách tiền tệ chặt chẽ. Chính sách tài khóa cần phối hợp với chính sách tiền tệ để làm cho nền kinh tế không bị suy giảm sâu, nhanh chóng vượt qua vùng đáy của suy thoái.
Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh: Nâng cao hiệu quả đầu tư công
Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ KH&ĐT trong thời gian tới là tăng cường điều phối kinh tế vĩ mô. Thời gian qua, Bộ đã thực hiện tốt vai trò này nhưng sắp tới phải khẳng định rõ hơn vai trò, vị trí của mình. Thứ hai là nâng cao hiệu quả đầu tư chung của toàn xã hội, trong đó đặc biệt là đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Vốn chúng ta có hạn trong khi nhu cầu đầu tư thì lớn, vì vậy, vốn nhà nước chỉ tập trung cho những khu vực then chốt của đất nước. Đi kèm đó là chính sách phải khơi dậy được những nguồn lực to lớn từ trong dân, doanh nghiệp…
Thứ ba là đối với công tác xây dựng quy hoạch, làm sao không chồng chéo, phân tán, quy hoạch phải liên vùng dưới góc độ của quốc gia. Với tư cách tham mưu trưởng, Bộ KH&ĐT sẽ phân tích để các tỉnh thấy rằng làm thế nào để có lợi nhất cho đất nước, tránh cục bộ, địa phương.
Ví như xây cảng tại Hải Phòng rồi thì cảng nhỏ ở những tỉnh lân cận không cần làm nữa mà sẽ phát triển hệ thống đường cao tốc kết nối cảng Hải Phòng với Thái Bình, Nam Định…
Như vậy, cảng Hải Phòng không chỉ của Hải Phòng mà của cả miền Bắc, lúc đấy không ai đòi hỏi thêm phải làm cảng ở tỉnh tôi cả. Vấn đề cuối cùng là thanh tra kiểm tra, phân cấp nhưng cần tăng cường giám sát để chủ trương, chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống.
Hà Nhân ghi
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng: Cần cơ chế đột phá |
Theo Tiền Phong