"Rừng thanh niên" phủ xanh biên giới

(CTG) Những cánh rừng xanh mướt, khép tán lá do thanh niên làm chủ đã và đang phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chống sạt lở đất đá, lũ quét, lũ ống hiệu quả mỗi khi mùa mưa đến ở vùng biên cương Mường Lát (cách TP Thanh Hóa gần 250km).

Rừng thanh niên phủ xanh biên giới - Ảnh 1.
 
Bạn Hà Văn Tình chăm sóc rừng cây gỗ tếch 2 năm tuổi của gia đình

Cách đây gần 10 năm, vợ chồng anh Hà Văn Điệp (34 tuổi, trú tại bản Lát, xã Tam Chung, huyện Mường Lát) là một trong những gia đình trẻ đầu tiên ở Mường Lát đầu tư công sức, vốn để phát triển kinh tế trang trại đồi rừng.

Thu nhập trăm triệu từ đồi rừng

Những quả đồi trọc húi, hoang hóa, cây dại mọc um tùm trước kia được vợ chồng anh Điệp dọn sạch, đào hố trồng cây ăn quả như xoài, chuối, bưởi, ổi. Đất không phụ công người, bằng việc chăm sóc đúng kỹ thuật, gần 2ha cây ăn quả của gia đình anh Điệp cho thu hoạch sau 4 năm trồng. 

Từ nguồn vốn tích lũy của vườn cây ăn quả, cộng với thu nhập từ đàn gia súc, gia cầm nuôi dưới tán cây, vợ chồng anh đầu tư khai hoang, phục hóa gần 5ha đất đồi rừng của gia đình để trồng cây lâu năm lấy gỗ như lát, xoan. Đến nay, rừng cây lát, xoan của gia đình anh Điệp đang phát triển tốt, phủ xanh mát mắt, thân cây to cỡ bằng một người ôm.

Đưa chúng tôi đi thăm đồi rừng xanh thẫm một màu của gia đình trong ngày nắng thu, dưới tán lá rừng có tiếng chim hót véo von, anh Điệp không giấu được niềm vui khi kinh tế đồi rừng đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình. 

Anh tâm sự: "Những ngày vợ chồng làm lều cắm chốt ở trên đồi để trồng, chăm sóc, bảo vệ cây ăn quả, cây lấy gỗ kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới tán lá rừng, nhiều người trong bản không tin về sự thành công của mô hình trang trại trên vùng đất hoang hóa. Nhưng vợ chồng luôn động viên nhau bám trụ đồi rừng, đổ mồ hôi, công sức chăm sóc cây để đến nay có quả ngọt. Từ gần 7ha đồi rừng trang trại tổng hợp, trồng cây, chăn nuôi mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình gần 150 triệu đồng. Thu nhập từ đồi rừng giúp gia đình nuôi hai con ăn học, làm nhà, mua sắm đồ dùng".

Cũng có tình yêu gắn bó với rừng và đam mê phát triển kinh tế đồi rừng tại địa phương nhiều năm nay, anh Hà Văn Tình (32 tuổi, ở bản Chiềng Cồng, thị trấn huyện Mường Lát) lại tập trung trồng, chăm sóc, bảo vệ hơn 10ha cây gỗ lát, xoan, tếch kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới tán lá rừng. Đến nay, diện tích rừng của gia đình anh Tình đã khép tán lá, cây phát triển tốt, phủ kín màu xanh nơi biên giới Việt - Lào. Mỗi năm, thu nhập từ mô hình kinh tế trang trại đồi rừng của gia đình anh đạt gần 200 triệu đồng, giúp gia đình làm nhà kiên cố, đầu tư vào trồng rừng mới".

"Trồng rừng cây ăn quả, hay cây lấy gỗ kết hợp phát triển kinh tế đồi rừng không khó đối với các bạn sinh ra và lớn lên ở núi rừng. Khi các bạn có niềm đam mê, nhiệt huyết và yêu rừng như cuộc sống của chính mình thì sẽ thành công. Từ ngày có diện tích rừng của gia đình mình và nhiều bạn trồng dọc quanh bản khép tán lá, đến mùa mưa lũ đồng bào không còn lo bị sạt lở đất đá từ đồi núi vào nhà, không phải chạy đi sơ tán khi có lũ quét, lũ ống" - anh Tình chia sẻ.

Thanh niên là chủ trang trại

Đến nay, tại huyện vùng cao, biên giới này đã có hàng trăm gia đình trẻ làm chủ trang trại kinh tế đồi rừng. Anh Lâu Văn Phía - bí thư Huyện đoàn Mường Lát - cho biết hiện các bạn thanh niên là chủ kinh tế trang trại đồi rừng đang chăm sóc, bảo vệ hơn 200ha rừng cây ăn quả, cây lấy gỗ được trồng cách đây từ 5 đến 10 năm. Diện tích rừng này đã khép tán, đang phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tạo nguồn sinh thủy, chống sạt lở đất đá, lũ quét, lũ ống vào mùa mưa lũ. Bên cạnh đó, diện tích rừng trên cũng đem lại thu nhập kinh tế ổn định cho các hộ gia đình thanh niên.

"Huyện đoàn Mường Lát giúp thanh niên tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, phối hợp với ngành chức năng của huyện tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng cho các bạn trẻ. Mục tiêu mỗi năm các gia đình thanh niên trong huyện trồng mới được từ 100ha rừng cây ăn quả, lấy gỗ trở lên và hàng vạn cây phân tán" - anh Phía nói.

Cho cuộc sống bình yên hơn

Theo ông Hoàng Văn Yêu - bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Lát, xã Tam Chung (Mường Lát), có diện tích rừng của thanh niên xanh mát nhiều năm nay, con suối quanh bản Lát có nước chảy quanh năm. "Vào mùa mưa, đồng bào trong bản không còn thấy đất đá đổ ầm ầm trên đồi núi xuống nhà dân nữa. Có rừng xanh lên rồi, thú hoang, chim muông về sinh sống. Đoàn viên, thanh niên trồng, chăm sóc, giữ được rừng là góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên cho dân bản" - ông Yêu chia sẻ. 

Nguồn: TTO