Cuộc điều tra thứ nhất!
Từ trước đến nay, các hoạt động từ thiện chính là những phương tiện rất quan trọng, không thể thiếu để giúp con người thể hiện tấm lòng, sự cảm thông đối với những người gặp khó khăn, hoạn nạn không chỉ trong nước mà con trên khắp thế giới. Các hoạt động từ thiện được tuyên truyền rộng rãi, đặc biệt là ngay trong nhà trường, học sinh chúng ta cũng đã được sớm tiếp cận với các hoạt động, phong trào đó. Chúng ta đóng góp tiền, sách vở, đồ dùng học tập,… một cách rất tích cực. Tuy nhiên, vấn đề mà hiện nay được không ít các bạn học sinh đang quan tâm, đặt dấu hỏi lớn. Đó là, số tiền đóng góp ấy, quà tặng ấy, liệu có được đem đến tận tay những người khó khăn, nghèo khổ không?
Qua một cuộc điều tra nhỏ trong trường với câu hỏi: “ Bạn có biết những món đồ ủng hộ sẽ được trao tận tay tới các bạn nghèo không?”, đa số các bạn đều trả lời là không, một số có câu trả lời là không quan tâm. Nhà trường chỉ cho thống kê con số cuối cùng và thông báo tới học sinh. Nhưng trong cuộc trực tiếp tới vùng lũ lụt trao quà và tiền ủng hộ cho nhân dân vùng lũ khó khăn, mặc dù có rất nhiều ảnh, rất nhiều clip, có nhiều những gương mặt thầy cô, lãnh đạo, tuy nhiên, đáng buồn làm sao khi chẳng có một đại diện nào của học sinh - đại diện của chính những đối tượng đã trực tiếp ủng hộ - tham dự.
Cuộc điều tra thứ hai!
Người Trung Quốc có một câu nói rất ý nghĩa : “ Học đến già, sống tới già”. Nghĩa là cứ học mãi, học cho đến lúc nào râu tóc bạc phơ cũng vẫn học. Con người sống đến già, tức là học cho đến lúc chết thì thôi. Và trên thế giới này, quả thật cũng đã có người học cho đến chết và được nhân loại tôn vinh là mẫu mực của trí thức. Trong cuộc sống hiện tại ngày nay, khi mà xã hội đang trên đà phát triển thì việc học vốn đã quan trọng, nay lại càng quan trọng hơn. Chính vì vậy, không để tốn chất xám, ngay từ nhỏ, các em bé đã được bố mẹ cho sớm: 5 tuổi, chưa thành thạo tiếng Việt đã phải học Tiếng Anh, học đàn, học hát,… Các anh chị lớp lớn thì càng khổ hơn nữa. Hết học ở trường rồi lại học thêm, học từ sáng đến tối, từ tối đến sáng. Bạn T.Đ.A - trường THCS Chu Văn An chia sẻ: “ Lịch học của tớ kín mít cả tuần, không có thời gian để chơi nữa. Thậm chí, một tuần tớ mới có thể tắm một lần”. Không thể tưởng tượng được, vậy các bạn ấy không lên tiếng gì sao? Sự thật là các bạn ấy đã góp ý với bố mẹ về lịch học và rất nhiều lần yêu cầu xem xét lại. Thế nhưng, câu trả lời chỉ là những tiếng ậm ừ, hay là những câu nói vu vơ cho qua chuyện. Có gia đình thì giảng giải chân tơ kẽ tóc về tầm quan trọng về việc học hành và tất nhiên, không có sự thay đổi gì mới cả. Tệ hơn, là có nhà mắng và đánh con, cho rằng con đang lơ đãng việc học nên mới xin giảm bớt lịch học như vậy.
|
Tạm kết
Qua hai cuộc điều tra thực tế trên, ta thấy quyền tham gia, quyền được nói lên ý kiến, suy nghĩ về những vấn đề liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ em vào việc giám sát các hoạt động, khía cạnh liên quan đến trẻ em chưa được quan tâm và phát huy tối đa, tiếng nói của trẻ chưa được coi trọng ngay trong chính gia đình và trường học. Vậy liệu đây có phải là vấn đề cần được quan tâm và cần có biện pháp giải quyết? Đúng vậy, chúng em mong rằng, qua đây, người lớn có thể hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của quyền tham gia và giám sát của trẻ em trong quá trình thực hiện quyền trẻ em; hiểu rõ hơn về tâm tư, tình cảm cũng như suy nghĩ của chúng em để từ đó tạo những điều kiện tốt nhất, một môi trường thân thiện và lành mạnh giúp chúng em - những mầm non của đất nước sẽ phát triển thật toàn diện, trở thành một công dân tốt cho xã hội.
PVN Đỗ Phương Hà - Câu lạc bộ phóng viên nhỏ Hà Nội