Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thử xe máy điện của start-up Việt - Ảnh: DANH KHANG
Đông Nam Á là khu vực ghi nhận nguồn vốn khởi nghiệp giảm mạnh nhất, giảm 58,6%. Theo đó, các start-up đặt trụ sở tại khu vực trong quý 2-2023 huy động được 2,13 tỉ USD nguồn vốn, thấp hơn so với mức 5,13 tỉ USD trong cùng kỳ năm ngoái.
Gary P. Khoeng - đối tác của Công ty đầu tư Vertex Ventures Đông Nam Á và Ấn Độ, và cũng là một nhà quan sát thị trường Indonesia - cho biết số thương vụ đầu tư dự kiến sẽ giảm do nhiều bất lợi của nền kinh tế vĩ mô và thái độ bảo thủ nhà đầu tư - vốn đã là vấn đề hiện diện từ năm 2022.
"Nhìn chung, chúng ta phải lạc quan một cách thận trọng trong khoảng cuối năm 2023 và 2024, khi có vẻ như kinh tế vĩ mô được "cải thiện" so với năm ngoái. Nhưng có thể vẫn sẽ có những biến cố bất ngờ xảy ra", ông Khoeng nói.
Trong quý 2-2023, các start-up tại Việt Nam gọi được tổng số vốn 413 triệu USD, vượt qua các start-up tại Indonesia với tổng số vốn 327 triệu USD, nhưng vẫn bị bỏ xa khi so sánh với tổng số vốn 1,24 tỉ USD vận động được của các start-up tại Singapore.
Nam Á cũng đang trải qua một xu hướng đáng lo ngại khác khi nguồn vốn đầu tư cho vòng gọi vốn hạt giống, vốn trước đây vẫn khá ổn định dù dòng vốn có đang trong thời kỳ đóng băng, nay đã cho thấy có dấu hiệu bị ảnh hưởng.
Chỉ 52 start-up tại Đông Nam Á gọi vốn thành công tại vòng hạt giống trong quý 2, giảm 29,7% so với quý trước và giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong bối cảnh hiện nay, rất khó để nguồn vốn khởi nghiệp tại Đông Nam Á trong cả năm 2023 vượt qua được mức vốn đã gọi được trong năm 2022.
Theo dữ liệu từ DealStreetAsia, nguồn vốn khởi nghiệp tại khu vực trong 6 tháng đầu năm chỉ ở mức 44% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 4,2 tỉ USD.
Chia sẻ tình hình với Đông Nam Á, các start-up tại Ấn Độ trong nửa đầu năm kêu gọi được 6,58 tỉ USD nguồn vốn, giảm 66% so với cùng kỳ năm trước.
Với tốc độ hiện tại, Trung Quốc có khả năng là quốc gia duy nhất trong khu vực huy động được nguồn vốn khởi nghiệp trong năm 2023 vượt qua năm 2022. Trong nửa đầu năm 2023, các start-up tại đây huy động được 25,7 tỉ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy vậy, DealStreetAsia nhận định rằng các căng thẳng địa chính trị có khả năng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023.
"Các đối tác góp vốn đang ngày càng thận trọng. Một số nhà đầu tư tổ chức còn tránh đầu tư cho các bên gọi vốn lần đầu, hay e ngại đầu tư tại một số khu vực. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi ghi nhận có nhà đầu tư không muốn đầu tư tại Trung Quốc", DealStreetAsia dẫn lời ông Kenneth Gaw, quản lý và đồng sáng lập Công ty quản lý quỹ Gaw Capital Partners.
Theo Tuổi Trẻ |