Tắc đường- Bộ trưởng Đinh La Thăng- Nhà thơ - Luật Nhà thơ

(CTG) Tắc đường và vấn nạn thơ đầy đường, người tham gia giao thông và nhà thơ đều là hiện trạng cần phải tháo gỡ.


Trong sự chia năm xẻ bẩy của ngã ba ngã bẩy - giao thông (luồng)- dư luận về hiện tượng Bộ trưởng Đinh La Thăng khi ông có khát vọng nâng trái tim Danko lên quá đầu mình với ý định dẫn dân chúng ra khỏi những trận lũ người, thấy vừa thiện cảm vừa nghi ngờ. Tất nhiên, mới chỉ là ý định. Thực tế vẫn còn đấy. Nhưng dư-luận-thiện-chí vẫn âm thầm kỳ vọng những giải pháp có thể là hoang tưởng đi đến đích của hiện thực. Người chơi golf vung gậy cũng chỉ mong quả bóng rơi vào cái lỗ mà mình hướng đến. 

Không giải quyết được việc này, Bộ trưởng Đinh La Thăng có thể chỉ là chàng Danko trong truyền thuyết của Hy Lạp xa xưa. Đó là khát vọng và mong muốn đi bằng tốc độ của người đi bộ trong cảnh vỉa hè bị lấn chiếm và đường sá ùn tắc.

Về sự ùn tắc và văn hóa giao thông, chúng ta đang thực sự là một bộ lạc cần có Danko dẫn đường.



Trong ùn tắc này có bao nhiêu nhà thơ? (Ảnh: Ngọc Thành)


Vụ nổ bình gas tại phố Tạ Quang Bửu vừa rồi tạo ra một sự phản ứng dây chuyền về những thương tiếc và lo âu. 12kg khí gas/cm2 khi bị đẩy lên 26kg/cm2 sẽ tạo ra áp suất làm bật lò xo giảm áp bởi áp suất an toàn trong bình gas bao giờ cũng tương ứng với áp suất của van an toàn. Giao thông sẽ gây ra những hậu quả tương tự nếu nhân khẩu tại các thành phố lớn vượt quá sức chịu đựng của van an toàn chính sách, khoa học quy hoạch đường sá và các dịch vụ công cộng.

Hiện tượng Bộ trưởng Đinh La Thăng đã tạo ra các yếu tố bất ngờ và những cơn sốc bất ngờ. Đúng vậy, thà “thắp lên ngọn lửa còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối” như một triết gia đã nói.

Những nạn-nhân-giao-thông đang hí hóp chờ ông Đinh La Thăng thắp lửa!

Bây giờ sang chuyện thơ.

Ra ngõ là gặp… “nhà thơ”.

Nếu nạn ùn tắc giao thông là nỗi đau về tổn thất thời gian vật chất, sinh mạng, nỗi giày vò tinh thần từng phút, từng giờ, từng ngày thì sự ùn tắc và lạm phát thi ca không kém phần nguy hiểm và nghiêm trọng.

Có vô vàn những “nhà thơ” đã tìm đến những công dân bình thường, không hiểu gì về thi ca, đặc biệt là các phụ nữ chưa chồng, muộn chồng, góa chồng, thậm chí đang có chồng đường hoàng nhằm làm lung lạc tinh thần họ bằng những chồng thơ do chính họ bỏ tiền ra hoặc đi vận động tài trợ để sản xuất ra các “sản phẩm thơ” làm ô nhiễm môi trường tinh thần.

Nhiều đôi vợ chồng cãi nhau suýt ly hôn mà thủ phạm là… thơ.

Có đôi vợ chồng sắp cưới đến tận nhà một nhà thơ, sau khi chuyển giấy mời đã đề nghị với nhà thơ danh giá rằng: Cháu muốn trong đám cưới của cháu có tí thơ!

Nhiều người có văn hóa được tặng thơ không biết sẽ đưa nó vào đâu vì đó là quà tặng. Họ sợ hãi sự tàng trữ ấy như tàng trữ ma túy.

Các- nhân- khẩu- thơ đã tạo ra sự tắc đường ghê gớm cho văn học. Các nhà thơ xịn luôn muốn trốn thoát khỏi những ngân nga thơ rởm nhưng khó lòng thoát khỏi. Đó là thập- diện- mai- phục… thơ làm tắc nghẽn mọi ngóc ngách, ngõ hẻm, đường sá, giao lộ tinh thần khiến cho thơ sạch không có lối đi. Nó lan từ thành thị đến nông thôn, thậm chí đến những làng quê nghèo đói nhất, chỉ toàn ông già bà già, trẻ con, đàn ông ra thành phố làm khuân vác và đàn bà ra thành phố làm ô-sin hoặc tìm kiếm đủ các loại nghề để kiếm sống.

“Tôi không hiểu dự án Luật Nhà thơ nó chế định cái gì mà lại được đưa vào chương trình. Chẳng nhẽ lại bắt ông kia phải làm thơ, ông này không được làm. Trong khi những cái rất cần như Luật Quản lý vốn kinh doanh nhà nước, đã được đề nghị đưa vào từ khóa trước đến nay nhưng đến bây giờ chúng ta vẫn còn nợ cử tri” - ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) bức xúc.

Thơ đang lạm phát như chúng ta đang cay đắng sống trong những ngày của lạm phát kinh tế.

Một câu nói hỗn xược ở vỉa hè làm đau lòng những nhà thơ chuyên nghiệp: “Nhà thơ bây giờ có số lượng ngang với tội phạm”. Khóc. Cười. Thơ và nạn tắc đường.

Những nhóm thơ, những câu lạc bộ thơ mọc lên nhan nhản như những đơn- vị- hành- chính- thơ hòng lung lạc và đảo lộn mọi giá trị hay-dở. Câu lạc bộ thơ phường, xã, quận, huyện đã… hưu trí thơ và quy tập thơ vào các “nghĩa trang chữ” không còn phân biệt đẳng cấp thật- giả. Các giải thưởng mọc ra nhan nhản như một sự thách thức đối với ranh giới giữa vòng hoa và vòng nguyệt quế dành cho nghệ thuật thiêng liêng

Đã có rất nhiều người cả đời làm thơ, có danh tiếng thực sự trong công chúng cảm thấy xấu hổ khi được người khác giới thiệu mình là nhà thơ. Đó là nỗi đau giống như nỗi đau của tiến- sĩ- thật ngồi giữa những tiến sĩ rởm. Cái thật trở nên hèn kém và thiểu số trước một đám đông dùng tiền để rồi cái gì cũng mua được.

Những người có lương tri, dù chỉ mới là phát biểu, cũng có thể trở thành một Donkihote trước vù vù tốc độ của cối xay gió. Luật pháp, chính sách quy hoạch, ý thức và văn hóa giao thông đang chậm hơn rất nhiều so với chúng ta mong đợi.

Luật Nhà thơ, dù mới chỉ là dự thảo, theo quy định phải trình Quốc hội như các quy trình lập pháp khác, có khi lại đến sớm hơn. Có thể nào không! (?)

Một nhiếp ảnh gia xịn hẳn hoi phàn nàn: Tại sao nhà thơ có Luật Nhà thơ, chúng tôi lại không có Luật Nhà nhiếp ảnh. Tôi sẽ xin sang Hội Nhà văn để được hưởng chế tài của Luật. Nếu đúng thế…

Hội Nhà văn sẽ đông thêm các đơn xin vào Hội và… lại quá tải, lại ùn tắc giấy tờ.

Dư luận về Luật Nhà thơ đã làm xôn xao giới văn nghệ chuyên nghiệp. Một số người đang có ý định ly dị cái sự nghiệp đau đáu, đau đớn nhất của đời mình để chuyển sang làm những công việc thông thường ở các công ty trách nhiệm hữu hạn chưa bị phá sản trong thời lạm phát.

Xin phân ưu với ông Nguyễn Minh Hồng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, bác sĩ y khoa, tiến sĩ tâm lý học, nhà văn, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam trong đoạn trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên ngày 04/11/2011.


Theo GTVT