Talkshow về giáo dục trực tuyến trong bối cảnh Covid-19

(CTG) Buổi talkshow với chủ đề “Giáo dục trực tuyến trong bối cảnh Covid-19” quy tụ nhiều nhà giáo, chuyên gia cũng như thu hút hàng nghìn lượt theo dõi.

 

Số đầu tiên của chuỗi talkshow “Trí thức trẻ trong kỷ nguyên mới của tri thức” với chuyên đề “Giáo dục trực tuyến trong bối cảnh Covid 19” được phát sóng ngày 27/6. Đây là một trong những hoạt động của chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục”.

Buổi talkshow có sự tham gia của những khách mời là ông Trương Minh Hoàng - Giám đốc chương trình học thông minh thuộc Hệ thống giáo dục Học Mãi; TS Lê Duy Anh - giảng viên khoa Kinh tế Phát triển, trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội; cô Hà Ánh Phượng - top 10 giáo viên toàn cầu (Global Teacher Prize) do quỹ Varkey (Varkey Foundation) bình chọn.

Mở ra cơ hội cho người dạy và học

Trong bối cảnh chuyển đổi số, một kỷ nguyên đang dần được định hình bởi những cách thức, nền tảng mới, mang con người đến gần hơn với tri thức và những quan điểm giáo dục tiến bộ. Tập đoàn Thiên Long - đơn vị đồng hành cùng chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” 6 mùa liên tiếp - đã gọi đây là “Kỷ nguyên mới của sức mạnh tri thức”. Vì vậy, talkshow đề cập đến giáo dục trực tuyến trên các nền tảng công nghệ số là một xu hướng tất yếu trong thời đại mới.

Buổi talkshow quy tụ nhiều chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực giáo dục. Ảnh chụp màn hình.

Là người có nhiều năm áp dụng phương pháp giáo dục trực tuyến trong dạy học tiếng Anh tại trường với mô hình “lớp học xuyên biên giới”, cô giáo Hà Ánh Phượng chia sẻ: “Phương pháp giảng dạy của tôi là lấy học sinh làm trung tâm, làm sao để tiết học online thêm thu hút. Khi dạy online, tôi biến bài kiểm tra thành sân chơi, gameshow để các em thi đấu với nhau. Nhờ vậy, tôi có thể kết nối với học sinh các trường khác, quốc gia khác, kích thích tinh thần học ở các em”.

Cô Phượng cũng nhấn mạnh việc xây dựng văn hoá lớp học trực tuyến với bộ quy tắc ứng xử online để đảm bảo học sinh tập trung vào bài giảng. Cô có thể nâng cao hiệu quả của việc học online bằng việc bắt buộc đầy đủ vở ghi chép, không làm việc riêng tại nhà, khen thưởng rõ ràng…

Cô Hà Ánh Phương với giờ học trực tuyến tiếng Anh trong mô hình “lớp học xuyên biên giới”.

Là giảng viên đại học từng sinh sống và học tập tại Anh trong 12 năm, TS Lê Duy Anh cho biết đặc thù giáo dục ở môi trường đại học khác biệt so với phổ thông. Điều này đòi hỏi sinh viên trang bị nhiều kiến thức và kỹ năng hơn. Thông qua các ứng dụng như Zoom, Microsoft team, sinh viên vẫn có điều kiện tương tác, trao đổi thảo luận, làm bài tập nhóm.

Nội dung bài giảng có thể được ghi lại, giúp các em ở xa chưa kịp theo dõi vẫn có thể nắm bắt chương trình, mở ra cơ hội tiếp thu nhiều kiến thức, có thể tham gia nhiều lớp học với nhiều thầy dạy mà không nhất thiết phải đến tận nơi, không tốn chi phí, thời gian.

Những giải pháp giáo dục trực tuyến trong kỷ nguyên mới

Ông Trương Minh Hoàng dẫn chứng về thực trạng Internet ở vùng sâu vùng xa còn hạn chế. Do đường truyền yếu, thầy cô vẫn phải gửi bài cho học sinh trực tiếp làm. Từ đó, ông đưa ra gợi ý phát triển thiết bị có nội dung bài giảng, bài tập để học sinh làm trực tiếp tại nhà, sau đó chuyển lại cho nhà trường.

Còn TS Lê Duy Anh mong muốn chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” có thể dành nhiều sự quan tâm, giúp giải quyết khó khăn cho các học sinh, sinh viên có khiếm khuyết, hạn chế trong việc tiếp cận giáo dục trực tuyến thời dịch.

TS Lê Duy Anh mong muốn chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” có thể giải quyết khó khăn cho đối tượng học sinh, sinh viên yếu thế, khuyết tật. Ảnh chụp màn hình.

Đồng tình với TS Duy Anh, cô Hà Ánh Phượng đề xuất có thêm nhiều nhiều sản phẩm hỗ trợ quản lý lớp học tốt hơn, kiểm tra đánh giá học sinh sát sao hơn tránh gian lận trong thi cử. Đồng thời, các chương trình đào tạo kỹ năng cho giáo viên nên được đề cao hơn. Giáo viên cần được phát triển kỹ năng quản lý lớp học; cách sử dụng công cụ, thiết bị trong giảng dạy; cách tăng chỉ số hạnh phúc của học sinh khi học trực tuyến…

Ngoài ra, khách mời cũng đưa ra những gợi ý về các sản phẩm, giải pháp dành cho lĩnh vực giáo dục trực tuyến mà các tác giả trẻ có thể nghiên cứu để cho ra sản phẩm tốt trong chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm nay.

Ông Trịnh Văn Hào (bên phải) tại buổi họp báo “Tri thức trẻ vì giáo dục” 2021.

Những chia sẻ của khách mời trong buổi talkshow giúp các bạn trẻ tham gia chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” có cơ hội tìm tòi, phát triển sáng kiến mang tính đột phá, đúng như kỳ vọng của ban tổ chức và Tập đoàn Thiên Long.

“Tri thức trẻ vì giáo dục” là chương trình do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long triển khai từ năm 2016. Chương trình nhằm tìm kiếm, phát hiện và tôn vinh những công trình, sáng kiến, giải pháp sáng tạo, đóng góp tích cực cho lĩnh vực giáo dục.

“Tri thức trẻ vì giáo dục” nhận hồ sơ công trình, sáng kiến bắt đầu từ ngày 1/5 đến hết 30/9. Độc giả gửi bài dự thi về email trithuctrevigiaoduc@gmail.com, tham khảo chi tiết thông tin chương trình tại fanpage Tri thức trẻ vì giáo dục.

Theo Zingnews