Tăng cường nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên

(CTG) Để thực hiện có hiệu quả Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011- 2015”, sáng nay, 30/8, tại Hà Nội, UBQG về Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Chính sách, biện pháp phối hợp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên”.


Anh Nguyễn Hoàng Hiệp- Bí thư T.Ư Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBQG về thanh niên Việt Nam và đ/c Nguyễn Duy Lãm- Vụ trưởng Vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo đề án “Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011- 2015” đồng chủ trì Hội thảo.



Anh Nguyễn Hoàng Hiệp- Bí thư T.Ư Đoàn phát biểu khai mạc tại Hội thảo


Hiện nay, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu nhi ngày càng đa dạng, phong phú; hình thức phổ biến, giáo dục ngày càng đổi mới, phù hợp với đặc tính lứa tuổi của thanh thiếu niên, đặc biệt coi trọng việc phổ biến giáo dục pháp luật trong trường học, với các cấp khác nhau, được thực hiện trên phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các lớp tập huấn, hội thi, hội diễn…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, anh Nguyễn Hoàng Hiệp- Bí thư T.Ư Đoàn cho biết: Đoàn TNCS Hồ Chí Mịnh tích cực phối hợp với các ngành, các cấp xây dựng, nhân rộng các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả như: Câu lạc bộ pháp luật trẻ, Đội thanh niên tình nguyện tư vấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, xây dựng các mô hình điểm về chấp hành pháp luật, góp phần xây dựng ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá thực trạng, kết quả, hạn chế và kinh nghiệm đồng thời đề xuất các giải pháp trong công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên.

Để nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên, đ/c Nguyễn Duy Lãm- Vụ trưởng Vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đưa ra các giải pháp: Hoàn thiện thể chế về công tác phổ biến; tăng cường trách nhiệm hệ thống chính trị, điều tra khảo sát; tổ chức tuyên truyền; xây dựng các tài liệu phổ biến cho TTN; bồi dưỡng, tập huấn cập nhật kiến thức pháp luật mới nhằm nâng cao năng lực cho người hiện công tác phổ biến đồng thời đảm bảo nguồn lực tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên.

Trao đổi tại Hội thảo, Tiến sỹ Trần Văn Miều- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục, môi trường và phát triển có ý kiến: Việc nghiên cứu, ban hành các chính sách pháp luật nói chung về phát triển thanh niên là quan trọng nhưng quan trọng và có tính quyết định hơn là tuyên truyền, phổ biến để thanh niên có hiểu biết; Đảng và Nhà nước cần coi trọng thanh niên ngay từ khi nghiên cứu, đề xuất, thực hiện, bổ sung, sửa đổi chính sách và pháp luật.

Đưa ra các biện pháp phối hợp để thực hiện chính sách pháp luật đối với thanh niên và công tác thanh niên, đ/c Doãn Đức Hảo- Phó Vụ trưởng Vụ công tác thanh niên, Bộ nội vụ cho rằng: Cần tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành và toàn xã hội trong việc thực hiện tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho thanh niên, giáo dục ý thức trách nhiệm công dân cho thanh niên, trang bị đầy đủ những kiến thức pháp luật để thanh niên hiểu và tuân thủ thực hiện; xây dựng chính sách cho thanh niên một cách đồng bộ cụ thể để thanh niên thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, đồng thời, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho mọi đối tượng thanh niên.

Trong thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật, thiếu kiến thức về pháp luật trong thanh thiếu niên ngày càng gia tăng, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật, nhất là luật giao thông đường bộ, luật Hình sự… Vì vậy, việc phổ biến giáo dục pháp luật cho TTN được coi trọng nhằm trang bị kiến thức, sự hiểu biết về pháp luật làm thay đổi nhận thức hành vi, điều chỉnh những thói quen xấu, hành vi thiếu văn minh, vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên. Từ đó, hình thành những thói quen tốt trong nhận thức và hành động của thanh thiếu niên, luôn sống và tuân thủ theo quy định của pháp luật.


Theo ĐTN