Tết Tình nguyện trên vùng cao Thái An, Hà Giang

(CTG) Bản Séo Lủng 1 nằm cheo leo lưng chừng núi cao. Để đến được đây, người dân và khách thăm quan phải đi qua hàng chục km đường đồi núi với những khúc cua tay áo đặc trưng của vùng cao Tây bắc hùng vĩ.

Khi mùa xuân mới đang gõ cửa từng nhà, tại thành phố Hà Giang, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã cùng Tỉnh đoàn Hà Giang thực hiện Lễ ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2023 - 2027. Theo đó, nhiều chương trình an sinh sẽ được hai đơn vị phối hợp tổ chức.

Ánh sáng từ những tấm lòng nhân ái

Đồng hành cùng đoàn công tác Báo Tuổi trẻ Thủ đô tại Hà Giang, các cán bộ, nhân viên công ty TNHH MTV Khoáng sản Vôi Việt đã trao tặng công trình thắp sáng cột điện năng lượng mặt trời tại bản Séo Lủng 1, xã Thái An, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

Theo chủ tịch UBND xã Thái An Hạng Mý Ngọc: Bản Séo Lủng 1 có gần 100 nóc nhà. Ở nơi này bà con chủ yếu là đồng bào người Mông, sinh sống bằng nghề nông nghiệp trồng cây ngô sắn, lúa nước trên ruộng bậc thang.

Tết Tình nguyện trên vùng cao Thái An, Hà Giang
Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô Nguyễn Mạnh Hưng trao quà tới các em nhỏ Hà Giang năm 2023

Trên ngút ngàn non cao, đời sống của bà con bản làng còn khá nguyên sơ. Với sự hấp dẫn đặc biệt, Séo Lủng 1 từng đón nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm quan tìm hiểu phong tục tập quán, lối sống sinh hoạt của đồng bào người Mông.

“Người dân xã Thái An còn nghèo nhưng vô cùng mến khách. Bà con cần cù, yêu lao động nên được du khách thập phương yêu quý, đến một lần rồi luôn muốn quay trở lại. Trước đây, do đường điện chỉ đến được hộ gia đình, đường đi lại trên bản làng vùng cao này vẫn chưa có đèn đường. Điều này gây không ít khó khăn cho người dân, đặc biệt là các em nhỏ khi đi học về trong đêm tối” - Chủ tịch UBND xã Thái An Hạng Mý Ngọc chia sẻ.

Với mong muốn giúp đỡ người dân Séo Lủng 1, Báo Tuổi trẻ Thủ đô - Công ty TNHH MTV Khoáng sản Vôi Việt đã trao tặng công trình thắp sáng cột điện năng lượng mặt trời tại bản làng này. Công trình bao gồm 10 cột điện, mỗi cột có chiều cao 10m, được lắp đặt hệ thống đèn LED chiếu sáng.

Chủ tịch xã Thái An Hạng Mý Ngọc cho biết thêm: Tuyến đèn đường được thắp lên không những sáng bản làng mà còn tốt cho việc khai thác du lịch. Bản làng Séo Lủng 1 sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho khách du lịch trong nước và ngoài nước, nhất là những du khách ưa mạo hiểm, khám phá du lịch sinh thái.

Những suất quà nặng ân tình

Nằm trên sườn núi, trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Thái An (Xã Thái An, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) có 615 em học sinh chia 21 lớp, trong đó học sinh ở bán trú là 463 em. Tổng số nhà trường có 39 cán bộ, giáo viên.

Theo thầy giáo Nông Sỹ Ngọc – Hiệu trưởng nhà trường: Những năm qua nhà trường thương xuyên đẩy mạnh phong trào thi đua “hai tốt” tạo động lực thúc đẩy nâng cao chất lượng dạy và học. Trường tổ chức phụ đạo học sinh yếu kém ngay từ đầu năm trong các giờ dạy chính khóa, quan tâm giúp đỡ học sinh nghèo về vật chất và tinh thần, vận động kịp thời học sinh bỏ học trở lại lớp.

Kết quả cụ thể trong năm học 2022-2023 với khối tiểu học tỷ lệ chuyển cấp đạt 100%; khối THCS, tỷ lệ học sinh chuyển lớp, chuyển cấp đạt 99,57 %, trong đó tỷ lệ học sinh khá giỏi đạt 8,97%%, tỷ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp THCS đạt 100%.

“Phần lớn học sinh cơ bản ở bán trú, nên công tác duy trì sĩ số có phần thuận lợi, nhất là bậc tiểu học được phụ huynh đồng thuận cho các em ở lại bán trú tiện cho bố mẹ đi làm mà chỉ đón các em chiều thứ 6 hằng tuần. Do ở bán trú nên các thầy cô giáo có nhiều thời gian rèn luyện các em đọc, viết vào các buổi tối tự học tại lớp, chất lượng giáo dục ở trường chính tốt hơn so với các điểm trường” – thầy thầy giáo Nông Sỹ Ngọc cho biết thêm

Chia sẻ về những khó khăn, thầy Nông Sỹ Ngọc cho biết: Địa bàn xã rộng, đời sống nhân dân còn nghèo và lạc hậu, đường đi lại giữa các thôn xa và nên nhiều học sinh bỏ học nửa chừng.

Tết Tình nguyện trên vùng cao Thái An, Hà Giang

Đoàn công tác Báo Tuổi trẻ Thủ đô tại Hà Giang

Nhận được những món quà do Báo Tuổi trẻ Thủ đô trao tặng, các con học sinh và thầy cô giáo nhà trường đều rất vui.

Cô giáo trẻ Lự Thị Yến – Người con của Hà Nội lên Quản Bạ công tác cho biết: các học trò trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Thái An hầu hết có hoàn cảnh thuộc hộ nghèo. Các em đến trường tham gia sinh hoạt và học tập là được hưởng mọi chính sách hỗ trợ của nhà nước từ ăn ngủ, sách vở... đến sinh hoạt cá nhân mỗi ngày, từ chiều chủ nhật đến hết buổi sáng tuần sau đối với bậc học Tiểu học và từ chiều chủ nhật đến hết sáng thứ 7 đối với bậc học Trung học cơ sở. Mỗi năm học đều có vài đoàn từ thiện đến thăm trường và trao quà cho các con nhờ sự kết nối của các mạnh thường quân và những chia sẻ từ tấm lòng các nhà hảo tâm. Mỗi lần có đoàn đến, các con rất vui.

“Với các học trò vùng cao luôn sống trong điều kiện khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, những món quà được các nhà thiện nguyện trao gửi tận tay luôn là những chia sẻ ấm áp và ý nghĩa. Lần này cũng vậy, khi cô giáo nói có các bác, cô chú ở Báo Tuổi trẻ Thủ đô đến thăm trường, thăm trò và trao quà, cảm xúc của cô trò luôn háo hức đón chờ. Đón chờ những ấm áp sẻ chia từ những món quà mà các bác các cô các chú chuẩn bị từ nhà mang lên cho các trò ngoài ý nghĩa về mặt vật chất còn chứa đựng vô vàn những thương yêu” – Cô giáo trẻ Lự Thị Yến chia sẻ.

Tấm lòng cô, thầy vì học sinh thân yêu

Về những khó khăn của nhà trường, theo báo cáo của thầy giáo hiệu trưởng Nông Sỹ Ngọc: Cơ sở vật chất, số lượng giáo viên nhà trường chưa đáp ứng được so với nhu cầu phát triển của nhà trường, nhà trường thiếu các phòng học chức năng, phòng thí nghiệm.

“Cơ sở vật chất nhà trường xuống cấp nhiều, thiếu thốn về đồ dùng, thiết bị dạy học: tường rào bao quanh nhà trường xuống cấp; sân tập thể dục không đảm bảo về diện tích; không có nhà đa năng, phòng học diện tích nhỏ không đảm bảo với số học sinh trên lớp.

Thiết bị giảng dạy thiếu không đáp ứng được nhu cầu giảng dạy chương trình GDPT 2018. Đối với khối 6, khối 7 phòng học không đủ diện tích để giáo viên, học sinh thực hiện tốt các hoạt động dạy học, bàn kê sát bục giảng học sinh phải ngước mắt cao khi nhìn...” – Thầy Ngọc nói.

Tết Tình nguyện trên vùng cao Thái An, Hà Giang
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khoáng sản Vôi Việt tặng công trình thắp sáng cột điện năng lượng mặt trời tại Thái An.

Với cô giáo Lự Thị Yến: Nơi đây ngoài các em học sinh ngoài thuộc gia đình hộ nghèo còn có những em có hoàn cảnh đặc biệt như mồ côi cha, có em mồ côi mẹ hoặc có em mồ côi cả cha lẫn mẹ phải ở với ông bà hoặc chú bác.

Các trò đến trường như đến với ngôi nhà thứ hai. Ở đây các em được các thầy cô đồng hành, chia sẻ mọi những khó khăn trong học tập và sinh hoạt mỗi ngày. Các thầy cô có người có gia đình tại địa phương, hoặc có gia đình tại 1 số xã lân cận đến Thái An công tác, có trường hợp đặc biệt có thầy cô từ các huyện khác trong tỉnh đến dạy và cũng có thầy cô ở tỉnh khác đến dạy.

“Đối với các thầy cô từ tỉnh khác đến giảng dạy tại trường, do đường xá xa xôi nên các thầy cô phải ở lại tập thể trường để tiện công tác, đó đồng nghĩa với việc phải sống xa gia đình, xa người thân vì công tác giáo dục tại Thái An. Ai cũng biết sống xa gia đình là những vất vả và thiếu thốn như thế nào nhưng vì học sinh nơi đây, các thầy cô đã kìm nén và hy sinh để làm trọn trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Nhà xa, đường xá đi lại khó khăn nên mỗi tuần các thầy cô nhà trong tỉnh về thăm nhà 1 lần, hoặc 2 tuần 1 lần. Còn các thầy cô nhà ngoài tỉnh thì thậm trí một tháng hoặc hai tháng mới về thăm gia đình 1 lần”…Cô giáo Lự Thị Yến nói.

Theo TTTĐ