Mở đầu tọa đàm, ông Ngô Quốc Huân - Chủ tịch Hiệp hội Cửa Việt Nam chia sẻ, tại tọa đàm thanh niên khởi nghiệp hôm nay, nhìn các bạn thanh niên mặc áo Đoàn, ông nhớ lại tuổi trẻ và những năm tháng mới khởi nghiệp của mình. Thời điểm đó, bản thân ông cũng có nhiều băn khoăn về hành trình lập thân, lập nghiệp. Nhiều doanh nghiệp ngành cửa và cơ khí thành công hôm nay đều đã tự đi trên đôi chân của mình, bằng kiến thức, niềm tin để khởi nghiệp thành công, cống hiến sức mình vào sự phát triển quê hương đất nước.
“Khởi nghiệp trước hết cần kiến thức, định hướng đúng. Những chia sẻ của tôi có thể giúp các bạn trẻ nhặt được một vài ý tưởng trong hành trình khởi nghiệp”, ông Huân chia sẻ.
Tọa đàm "Thanh niên khởi nghiệp ngành cửa và cơ khí". Ảnh: Nguyễn Thắng |
Tại tọa đàm, anh Nguyễn Minh Tuấn - đoàn viên phường Song Mai (thành phố Bắc Giang) bày tỏ nguyện vọng muốn tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực cửa và cơ khí.
Giải đáp thắc mắc của anh Tuấn, ông Nguyễn Văn Dũng - Tổng thư ký Hiệp hội Cửa Việt Nam chia sẻ, lý do kéo ông đến buổi tọa đàm là tinh thần mãi mãi khởi nghiệp. Ông Dũng cho rằng, anh Tuấn có công ty mới thành lập muốn bước vào sân chơi của doanh nghiệp lớn. Đó là điều đáng mừng, bởi khi có hoài bão và mục tiêu đủ lớn mới có thể xây dựng doanh nghiệp lớn mạnh.
Tọa đàm thu hút nhiều thanh niên tham dự. Ảnh: Nguyễn Thắng |
Để đạt được mục tiêu đó, anh Tuấn phải hoàn thiện rất nhiều việc. Muốn trở thành chuỗi cung ứng doanh nghiệp lớn, anh Tuấn làm tốt quản trị thương hiệu, nhân sự, tài chính, chất lượng sản phẩm; sao kê hết năng lực xem mình đạt được gì và cần hoàn thiện thêm gì, sau đó mạnh dạn tiếp cận doanh nghiệp lớn để hoàn thiện mình.
Chị Nguyễn Hiền Lương – đoàn viên xã Vân Hà, thị xã Việt Yên cho biết, chị đang có cửa hàng bán nhôm kính. Chị băn khoăn cần trang bị những gì cho khởi nghiệp ngành cơ khí.
Đoàn viên chia sẻ nguyện vọng về khởi nghiệp tại tọa đàm: Ảnh: Nguyễn Thắng |
Trả lời câu hỏi của chị Lương, ông Tô Văn Mạnh – Chủ tịch một doanh nghiệp cửa và cơ khí chia sẻ, mỗi cá nhân, doanh nghiệp cần định vị sản phẩm của mình. Muốn định vị được sản phẩm trước hết định vị chính bản thân mình về kiến thức, văn hóa, đối nhân xử thế, rồi triển khai đến toàn bộ hệ thống, sắp xếp văn hóa doanh nghiệp. Sau đó, nghĩ đến quy trình sản xuất và sản phẩm. Sản phẩm phải phù hợp với thị trường. Các bạn trẻ khi khởi nghiệp cần chuẩn bị kiến thức xã hội rộng lớn để hiểu nhu cầu của thị trường, định vị được sản phẩm của mình thì mới định vị được thương hiệu.
Anh Nguyễn Đức Luyện - đoàn viên xã Tân Sỏi, huyện Yên Thế cho biết, anh có hai cửa hàng bán sơn và rèm cửa. Anh mong muốn tham gia ngành cửa. Anh băn khoăn về vấn đề thu hồi công nợ. Tại tọa đàm, theo chuyên gia, muốn thu hồi công nợ trong xây dựng, nên chuyên nghiệp hóa, ký hợp đồng có sự rõ ràng về điều khoản thanh toán, và biết về tình hình tài chính của đối tác, giúp giảm thiểu việc nợ đọng. Đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ, điều quan trọng phải học quản trị dòng tiền, không được phép có công nợ quá hạn. Có nhiều doanh nghiệp có nhiều tài sản nhưng không thể thanh khoản được các dòng tiền có thể dẫn đến phá sản.
Nhiều đoàn viên, thanh niên đã chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp tại tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Thắng |
Anh Nguyễn Tiến Chung - thanh niên huyện Lục Ngạn đặt câu hỏi làm thế nào để các doanh nghiệp ngành cửa và cơ khí có thể hỗ trợ công nợ để anh mở đại lý bán sản phẩm.
Ông Tô Văn Mạnh – Chủ tịch một doanh nghiệp cửa và cơ khí chia sẻ với anh Chung rằng, anh phải thể hiện năng lực, quy mô, uy tín cá nhân và có lịch sử phát triển cùng doanh nghiệp. Anh phải trung thành với doanh nghiệp mà mình muốn mở đại lý.
Đoàn viên trao đổi, chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thắng |
Chia sẻ tại tọa đàm, anh Hoàng Văn Quân – Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN tỉnh Bắc Giang cho biết, đối với thanh niên Bắc Giang luôn coi khởi nghiệp là chìa khóa để phát triển bản thân, gia đình, địa phương và đất nước. Trong thời gian qua, có thanh niên trẻ khởi nghiệp thành công với rất nhiều mô hình khác nhau, trong đó có lĩnh vực cửa, cơ khí. Tuy nhiên, bên cạnh những bạn thành công, cũng có không ít người thất bại trong khởi nghiệp, lập nghiệp ở lĩnh vực này.
Buổi tọa đàm này là cơ hội vô cùng quý giá để các bạn trẻ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được trao đổi kinh nghiệm, trình bày những khó khăn, vướng mắc trong quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp và kết nối với các chuyên gia, các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cửa và cơ khí để bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng của mình.
Đoàn viên tham dự tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Thắng |
“Tôi mong muốn các doanh nghiệp lớn tham gia tọa đàm nhận hỗ trợ, đỡ đầu trực tiếp cho 5-10 thanh niên tỉnh Bắc Giang đã có mô hình khởi nghiệp hoặc có ý tưởng khởi nghiệp về lĩnh vực cửa và cơ khí. Nội dung hỗ trợ có thể là các khóa đào tạo về chuyên môn, quản trị doanh nghiệp miễn phí; hỗ trợ máy móc, phương tiện sản xuất, nguồn vật liệu, công nghệ và cung cầu các sản phẩm”, anh Quân nhấn mạnh.
Theo TP