Quang cảnh tổ 2 thảo luận. |
Tại tổ thảo luận thứ 2, 165 đại biểu đã đưa ra ý kiến, đóng góp vào các nội dung văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024 – 2029.
Phát biểu ở đầu buổi thảo luận, chị Dương Minh Nguyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam khóa VIII, Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Trong dòng chảy lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, bản sắc văn hóa dân tộc đã trở thành sức mạnh trường tồn, tạo nên bản lĩnh kiên cường và tinh thần tự tôn của con người Việt Nam. Là lực lượng trẻ, năng động, sáng tạo và luôn tiên phong trong các lĩnh vực, thanh niên Việt Nam đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đồng thời dung hòa với những giá trị văn hóa mới trong thời đại số”.
Chị Dương Minh Nguyệt phát biểu đề dẫn tổ thảo luận số 2. |
Chị Dương Minh Nguyệt bày tỏ niềm hy vọng buổi thảo luận là dịp để mỗi đại biểu cùng trao đổi những ý tưởng, chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn và đề xuất các sáng kiến để định hướng rõ ràng hơn vai trò của thanh niên trong việc gắn kết giá trị văn hóa truyền thống với hơi thở hiện đại. “Đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là sứ mệnh lịch sử, là trách nhiệm của mỗi thanh niên Việt Nam”.
Giữu gìn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống
Tham luận với “Vai trò của thanh niên Hà Tĩnh với việc phát huy bản sắc văn hoá, truyền thống của quê hương, đất nước”, đại biểu Trần Văn Sang, Nghệ nhân dân gian tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp đó được các thế hệ người dân Hà Tĩnh trao tuyền, vun đắp, trở thành động lực tinh thần to lớn để bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển đi lên.
Tự hào dân tộc, tiếp bước cha anh, thanh niên Hà Tĩnh ngày nay luôn nhận thức sâu sắc về vai trò, sứ mệnh của mình; khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”, “Nước nhà mạnh hay yếu, thịnh hay suy, một phần lớn là do ở các thanh niên”.
Phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, thanh niên tích cực học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học, đạt nhiều thành tích cao, góp phần đưa Hà Tĩnh nhiều năm là đơn vị thuộc tốp dẫn đầu của cả nước; ngày càng có nhiều cán bộ, công chức, viên chức trẻ có đóng góp quan trọng vào việc hoạch định các chủ trương, chính sách, đề ra các giải pháp hữu, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng xây dựng hệ thống chính trị và các tổ chức đoàn thể xã hội vững mạnh, lực lượng vũ trang tinh nhuệ, hiện đại, sẵn sàng chiến đấu.
Thanh niên Hà Tĩnh ngày nay, không chỉ thông thạo nhiều ngoại ngữ, am hiểu về âm nhạc, văn học, nghệ thuật và các môn thể thao hiện đại mà còn có trách nhiệm cao trong giữ gìn, phát huy các giá trị cổ truyền. Hàng năm, tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội LHTN Việt Nam các cấp triển khai thực hiện nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, thu hút đông đảo thanh niên tham gia; tiêu biểu như: Các Diễn đàn “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, “Theo dòng lịch sử”, “Thanh niên với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”, Hành trình “Về nguồn”; thi tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của quê hương, đất nước…
Từ thực tiễn cách làm của Hà Tĩnh, đại biểu Trân Thanh Sang đề xuất cần tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị và năng lực giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cho thanh niên; thông qua các kênh thông tin đại chúng, hệ thống truyền thông của tổ chức Đoàn, Hội để tăng cường truyền bá, phổ biến, giúp thanh niên hiểu biết những cái hay, cái đẹp, những giá trị nhân văn sâu sắc, từ đó nâng lên thành niềm tự hào, ý thức trách nhiệm, quyết tâm hành động để bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, văn hóa của quê hương, đất nước.
Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa ở cơ sở như nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng, điểm vui chơi, giải trí, xây dựng tủ sách truyền thống, phòng lưu niệm,… để thanh niên có điều kiện học tập, tìm hiểu về văn hóa truyền thống dân tộc; Vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đoàn, Hội các cấp và của đoàn viên, hội viên, thanh niên trong xây dựng, phát huy truyền thống của gia đình, dòng họ, cơ quan, đơn vị, địa phương, cộng đồng, khu dân cư văn hóa.
Tích cực đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực về văn hóa; chủ động theo dõi và kịp thời nắm bắt, uốn nắn và xử lý các biểu hiện lệch lạc trong tư tưởng, nhận thức, hành vi, ứng xử, lối sống của thanh niên; khuyến khích các hoạt động giao lưu văn hóa trong thanh niên các địa phương, vùng miền trong cả nước; chú trọng tổ chức những đợt sinh hoạt truyền thống nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng của quê hương, đất nước để thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên, hội viên tham gia; giúp cho thanh niên nắm bắt, hiểu biết và tự giác, tích cực trong nhiệm vụ giữ gìn và phát huy các giá văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc…
Phát huy giá trị văn hoá trong hội nhập
Các đại biểu chia sẻ tại tổ thảo luận. |
Với tham luận “Phát huy vai trò của tổ chức Hội LHTN Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Hội trong việc xây dựng và củng cố nhận thức cho thanh niên về duy trì, bảo vệ các giá trị di sản văn hóa đô thị”, chị Lê Thị Vân Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh đoàn, Phó Bí thư phụ trách Huyện đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Đại Từ, Ủy viên Ban Thư ký Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Thái Nguyên khóa VII cho cho biết: “Bảo tồn di sản là một công việc quan trọng vì các di sản chính là biểu tượng văn hóa, góp phần quảng bá truyền thống dân tộc đến với bạn bè quốc tế. Công tác bảo tồn nếu đi đúng hướng vừa cải thiện chất lượng ngành du lịch, vừa tạo nên các đô thị hiện đại, thông minh.
Mỗi thanh niên cần phải duy trì sự cân bằng giữa việc bảo vệ giá trị lịch sử và khả năng đáp ứng các nhu cầu của thế hệ tương lai. Một đô thị di sản được UNESCO công nhận không chỉ là trách nhiệm của người dân địa phương mà còn là trách nhiệm của nhân loại trên toàn thế giới và hơn hết, đó là trách nhiệm của thanh niên, những người thụ hưởng nhiều giá trị của văn hóa, gìn giữ, tôn vinh và bảo vệ những nơi này, để chúng có thể tiếp tục kể câu chuyện về nhân loại, văn hóa và sự phát triển bền vững trong tương lai”, đại biểu Lê Thị Vân Anh chia sẻ.
Ngoài ra chị Vân Anh cũng đề xuất một số giải pháp để xây dựng và củng cố nhận thức cho thanh niên về duy trì, bảo vệ các giá trị di sản văn hóa đô thị: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về văn hóa truyền thống cho thanh niên, đặc biệt là các giá trị di sản văn hóa đô thị; lan tỏa mạnh mẽ, triển khai hiệu quả phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” với các giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình, sự phát triển của kinh tế - xã hội và nhu cầu chính đáng của thanh niên, khơi dậy mạnh mẽ tình yêu, khát vọng cống hiến cho quê hương, đất nước; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên học tập, rèn luyện; phát huy vai trò của thanh niên trong việc kiên quyết đấu tranh chống sự xâm nhập và ảnh hưởng của các hiện tượng phản văn hóa, sự chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa đặc biệt trên môi trường không gian mạng.
Nhấn mạnh, việc xây dựng đời sống văn hóa cho thanh niên không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để phát triển đất nước bền vững, anh Nguyễn Kiều Tuấn Việt, Hội viên trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc tỉnh Phú Thọ cho biết: “Thế hệ trẻ của Đất Tổ Vua Hùng, luôn tự hào khi mảnh đất nơi mình đang sinh sống được coi là cái nôi của nền văn hóa cổ truyền, với hệ thống di sản vô cùng phong phú và đa dạng.
Tuy vậy, bên cạnh những điều đã làm được, vẫn còn một số những hạn chế còn tồn tại. Vẫn còn một số sản phẩm văn hóa chưa thực sự gần gũi với thanh niên. Một số bộ phận thanh niên chưa thực sự quan tâm tới văn hóa truyền thống. Nguyên nhân dẫn tới những hạn chế này, có lẽ là do nhận thức của một phận thanh niên và có tác động của văn hóa ngoại lai khiến cho họ còn chưa thực sự để tâm đến văn hóa truyền thống”.
Anh Nguyễn Kiều Tuấn Việt cũng đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển đời sống văn hóa cho thanh niên, xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa nhằm phục vụ các nhu cầu thanh niên, cụ thể: Sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến phát triển văn hóa, đặc biệt là đối với thanh niên; xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành để cùng nhau triển khai các chương trình, dự án về phát triển văn hóa cho thanh niên; xây dựng và nâng cấp các nhà văn hóa, thư viện, câu lạc bộ... để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của thanh niên; tăng cường giáo dục văn hóa bằng việc lồng ghép giáo dục văn hóa vào các chương trình giảng dạy ở trường học.
CTG