Thầy giáo dân tộc Thái bền bỉ gieo tình yêu âm nhạc và tiếp sức học sinh đến trường suốt một thập kỷ

(CTG) Thầy giáo dân tộc Thái Lò Văn Hơn (SN 1989, trường PTDTBT TH&THCS Sam Kha) đã gần 10 năm gắn bó với nghề “trồng người” tại huyện biên giới đặc biệt khó khăn Sốp Cộp, Sơn La, chứng kiến biết bao câu chuyện, hoàn cảnh éo le của các học trò vì nghèo khó mà phải bỏ dở việc học. Nhưng bằng sự nhiệt huyết của mình, thầy vẫn cần mẫn tìm tòi, áp dụng sáng kiến để gieo tình yêu âm nhạc, tiếp sức đến trường cho những mầm non tương lai đất nước.

Thầy Lò Văn Hơn là giáo viên Tổng phụ trách Đội trường PTDTBT TH&THCS Sam Kha. Tháng 01/2012, thầy bắt đầu công tác tại ngôi trường này. Đây là ngôi trường thuộc xã đặc biệt khó khăn của huyện biên giới Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Với hơn 90% là dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo cao, khoảng cách giữa các điểm trường so với trung tâm, đường xá đi lại khó khăn. Sự nhận thức của nhiều bậc phụ huynh học sinh về vai trò dạy và học của nhà trường còn nhiều hạn chế, nên việc dành cơ hội cho con em mình tham gia học tập và bỏ học giữa chừng do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn đang diễn ra. Luôn sáng tạo trong công việc, sử dụng nhiều sáng kiến, mô hình hay vào quá trình giảng dạy, tiêu biểu như: “Sử dụng xen lẫn tiếng dân tộc Mông trong quá trình giảng dạy bộ môn âm nhạc”; Tích hợp hiệu quả hoạt động trải nghiệm và khám phá trong dạy học môn âm nhạc lớp 1”; “Vai trò của thầy giáo Tổng phụ trách Đội trong giáo dục học sinh bán trú”. Các sáng kiến được Hội đồng đánh giá sáng kiến cấp huyện công nhận có hiệu quả trong công tác giáo dục. 

 

Thầy Lò Văn Hơn cùng các em học sinh chăm sóc vườn rau xanh

Trong quá trình công tác được Bộ GD&ĐT, thầy đã được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen, được Hội đồng thi đua cấp tỉnh, huyện, xã tặng nhiều bằng khen, giấy khen; 5 năm đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”; Danh hiệu: “Đảng viên trẻ Tiêu biểu cấp tỉnh” năm 2020;  Danh hiệu: “Giáo viên tiểu học dạy giỏi cấp tỉnh” năm học 2020-2021; Giải thưởng: “Giáo viên trẻ tiêu biểu cấp tỉnh” năm 2020; “Giáo viên trẻ tiêu biểu cấp Trung ương” năm 2020, đạt giải cao trong các cuộc thi “Tìm hiểu Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cấp xã, cấp huyện. Câu chuyện về thầy cũng được đăng tải trên báo Sơn La và Phóng sự truyền hình “Gương người tốt việc tốt”. 

Đặc biệt, thầy vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2021, dự kiến tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.

Trong công tác làm Tổng phụ trách Đội, thầy đã có một câu chuyện rất ấn tượng khi vận động học sinh ra lớp. Câu chuyện có tên “Em Không muốn bỏ học” để cùng chia sẻ những khó khăn thường ngày của những thầy, cô giáo vùng đặc biệt khó khăn.  

Do các em phải sống nội trú xa gia đình, thầy Hơn đóng vai trò là cha, cắt tóc cho học sinh, dạy dỗ bảo ban tận tình

Tôi lên lớp như thường ngày, trước khi buổi sinh hoạt Đội bắt đầu việc chỉnh đốn đội ngũ và kiểm tra tác phong của Đội viên luôn được trú trọng. Tôi bỗng thấy cuối hàng thấp thỏm một đội viên mảnh khảnh, màu tóc vàng cháy nắng, chiếc áo rách, không đeo khăn quàng đỏ và đôi chân trần. Là người thầy gần 10 năm công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, tôi thấy đó cũng là chuyện bình thường khi số lượng học sinh trong trường hơn 80% là học sinh thuộc diện hộ nghèo. Thế nhưng tôi cảm nhận được đôi mắt buồn sầu, mặc cảm của em và sự để tâm của tôi dành cho cô học trò bé nhỏ đó cứ theo tâm trí tôi đến cuối buổi sinh hoạt.  

Sau tiếng còi kết thúc, tôi gọi em vào phòng làm việc của mình và hỏi?  

Tại sao hôm nay em có vẻ không được vui, em mệt à?  

Em Ly Thị Chứ nghẹn ngào lấp bắp từng câu Thưa thầy em không mệt đâu ạ, em buồn vì mẹ em không muốn cho em đi học nữa, mẹ cứ bắt em lên nương, em trốn mẹ em để đi học.  

Tôi sững lại một lúc rồi nói như một lời an ủi: Không sao đâu em à, chắc mẹ em ngày mùa bận nên mẹ nói vậy thôi, em cứ đi học, chiều tối thầy sẽ đến thăm gia đình em và động viên mẹ cho em đi học nha. Nói xong em Chứ như vui hẳn lên, bước ra khỏi phòng rồi chạy thật nhanh vui vẻ chơi cùng các bạn. Cuối buổi chiều hôm đó tôi cùng cô giáo chủ nhiệm lớp đến nhà em Chứ gặp phụ huynh xem sao.  

Chúng tôi đến cổng nhà. Mẹ em Chứ chào bằng tiếng Mông, tôi cũng hiểu vì là người đã ở vùng đặc biệt khó khăn này gần 10 năm.  

Bước vào nhà, tôi lặng đi một chút nhìn quanh ngôi nhà chắp vá, mái lợp lá cọ, những miếng tre xếp thành từng mảnh và kẹp bằng 2 thanh tre yếu ớt tưởng chừng như một cơn gió mạnh sẽ làm đổ nát, nhìn thoáng qua những lớp khói bếp hiển hiện những gùi ngô như hôm qua vừa lấy trên nương về. Chúng tôi ngồi xuống thì nghe thấy bố em chào chúng tôi với giọng của một người đang ốm lẻn qua từ giường góc nhà: Chào thầy giáo. Tôi đáp lại: Cháu chào bác ạ.

Thầy Lò Văn Hơn vinh dự được Trung ương Đoàn tuyên dương Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Trung ương 

Tôi thưa chuyện với mẹ Chứ: Chúng cháu đến là để thưa chuyện với hai bác, hôm trước em Chứ có chia sẻ với cháu là bác sẽ cho em Chứ nghỉ học ạ?  

Mẹ em Chứ nói vẻ cương quyết Đúng thế thầy giáo ạ, nhà hoàn cảnh lắm, không có ai làm nương, không có ai trông em nên bác bắt Chứ phải nghỉ học, bác còn đi làm nương, không thì chẳng biết lấy gì mà ăn. Các con còn phụ mẹ trông em, thay phiên nhau tìm rau, tìm củi về nấu cơm độn ngô ăn, còn phải gùi nước, lấy rau lợn nữa. Thầy thấy đấy cả 3 đứa phải bỏ học.  

Nghe bác nói vậy tôi thật cảm động. Tôi trấn tĩnh lại và nói: Em Chứ rất ngoan, học hành chăm chỉ, cháu biết gia đình mình rất khó khăn, bác hãy cố gắng và cho em Chứ tiếp tục đi học bác nhé!   

Mẹ Chứ vẫn im lặng tách từng hạt ngô như không muốn chúng tôi ở lại lâu.  

Sau những lời vận động, thuyết phục chúng tôi xin phép gia đình rồi về. Trên đường về tôi cứ nghĩ phải tìm phương án nào giúp gia đình cho em Chứ đi học đây.  

Sáng hôm sau đến lớp, giáo viên chủ nhiệm em Chứ báo lại em đã được chú đón về nhà từ sớm, từ đó ba ngày không thấy em Chứ đến lớp.  

Buổi chiều thứ 6, tôi đến xin ý kiến chỉ đạo của Ban giám hiệu để vận động gia đình cho em đi học. Sau sự hội ý và ra quyết định đến nhờ bác trưởng bản và Ban đại diện Cha mẹ học sinh đi vận động cùng.  

Chiều thứ 2 cả đoàn đến nhà em từ lúc một giờ, thấy cửa nhà buộc bằng sợi vải đơn sơ. Một lúc sau thấy bác nhà bên đi qua tôi liền hỏi: Bác ơi nhà phụ huynh em Chứ đi đâu ạ?  

Bác bảo: Cháu Chứ vừa lên nương trông con cùng mẹ, còn bố em thì được em trai đưa xuống bệnh viện huyện để điều trị bệnh rồi.  

Chúng tôi cùng nhau vội vàng tìm đường lên nương với sự chỉ đường của bác trưởng bản, cuối cùng sau 2 tiếng đồng hồ leo dốc cũng đến lán nương của mẹ con Chứ. 

Sau lời chào, tôi liền nói: Bác ạ, cháu biết gia đình mình hoàn cảnh, nhưng bác hãy cố gắng để em Chứ đi học, bây giờ cháu còn nhỏ nhưng khi cháu lớn lên nếu được học tập cháu sẽ có kiến thức để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như buôn bán như bác Tống cùng bản đó, bác ấy nhờ có học nên mới giàu nhất bản đó bác ạ.  

Mẹ Chứ đáp: Đúng thật thầy giáo ạ, nhưng giờ đến mùa làm rồi.  

Sau lời nói đó bác trưởng bản và anh Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh nói bằng những câu tiếng Mông vận động và tiếp đó là lời vận động của các thầy Phó hiệu trưởng và cô giáo chủ nhiệm.  

Mẹ Chứ giờ mới mở lời: Tôi muốn cho con đi học vì đời tôi không biết chữ nên mới nghèo, nhưng làm sao đây, bố Chứ thì ốm phải đi ở viện và nhờ em chồng chăm sóc, tiền thì không có, khi nào khỏi ốm tôi sẽ cho Chứ đi học.  

Cả đoàn hội ý một lúc và đưa ra phương án như đã thống nhất và tôi trình bày với bác: Bác ạ, nhà trường xin được hỗ trợ gia đình 1.000.000đ từ nguồn “Không để học sinh bỏ lại phía sau”,  Liên đội hỗ trợ gia đình thêm 1.000.000đ từ quỹ “Kế hoạch nhỏ” để bác trai sinh hoạt trong thời gian nằm viện, còn viện phí cháu nghĩ bác trai được hỗ trợ từ Bảo hiểm theo chế độ hộ nghèo bác ạ. Còn em Chứ đi học đã được Nhà nước cho hưởng chế độ bán trú, nhà trường cho cháu ăn hàng ngày, quần áo, sách vở, đồ dùng học tập chúng cháu sẽ hỗ trợ đầy đủ cho cháu vì mỗi giáo viên trường cháu nhận giúp đỡ hai em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó em Chứ nhà mình cũng được giúp đỡ đó bác ạ. Vẻ mặt mừng rỡ, nắm lấy tay mẹ, mẹ xoa đầu Chứ rồi nói: Cảm ơn thầy cô giáo, cháu muốn đi học lắm thầy cô ạ, tại gia đình hoàn cảnh quá, nếu được Đảng, Nhà nước và thầy cô giáo ủng hộ như vậy thì ngày mai tôi sẽ cho con đi học. Lúc ấy cảm giác vui mừng, hạnh phúc biết bao. Chúng tôi cùng về với mẹ con Chứ về nhà sau ánh nắng chiều lấp lửng trên núi. Sáng hôm sau cả lớp ồ lên vỗ tay như sự chào đón nồng nhiệt vì em Chứ đến lớp.  

Một tuần học qua sau buổi học thứ 6 hôm ấy tan lớp tôi gọi Chứ ở lại và hỏi.  

Bố em khỏi bệnh chưa?  

Chứ vui mừng trả lời: Bố em khỏi rồi thầy ạ! Cảm ơn thầy giáo, em chào thầy em về  

Thấy học sinh hiếu học của tôi lon ton vừa đi vừa nhảy chân sáo mà tôi không khỏi rời mắt dõi theo em chạy theo sườn núi xa xa…” 

Câu chuyện kết thúc để lại nhiều dư âm trong lòng mỗi người nghe. Đối với thầy Lò Văn Hơn thì mỗi người thầy người cô là người chèo lái con thuyền của tri thức dù đứng ở vị trí nào, trong hoàn cảnh nào, dù phải trải qua bao khó khăn đến đâu, nếu các giáo viên dùng sự nhiệt huyết, nhìn nhận và giúp đỡ học sinh bằng cái tâm của người thầy giáo sẽ đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc và thỏa mãn được sự đam mê, hiếu học của học sinh.Bên cạnh đó, thầy Hơn cũng mong tất cả các bậc phụ huynh hãy có trách nhiệm hơn nữa với con em mình, quan tâm chăm lo cho các em được đảm bảo quyền học tập.

"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm.

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn như bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh Covid-19 ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19.

Lễ tuyên dương dự kiến được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới tại Thủ đô Hà Nội tùy theo tình hình thực tế của tình hình dịch bệnh Covid -19.