Thầy giáo Khmer hết mình “tiếp sức” học sinh đến trường

(CTG) Đường đi khó thì thầy chèo xuồng tay đưa học sinh đến lớp, thiếu sách vở thì thầy mua tặng, trẻ khó khăn thì thầy nhận đỡ đầu cho đi học… Đó là những nghĩa cử quý báu mà thầy giáo Khmer Hồ Hùng Cường (SN 1978, Trường Trường tiểu học Hồ Thị Kỷ B, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) đã nỗ lực hết mình thực hiện để mở ra cánh cửa đến với tương lai tươi sáng cho các học trò.

Sinh ra và lớn lên ở xã Hồ Thị Kỷ - một vùng còn nhiều khốn khó, dân cư thưa thớt của huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, ngay từ thuở nhỏ, thầy Hồ Hùng Cường đã nuôi chí lớn học hành để sau này lao động cống hiến cho quê hương.

Ý chí mạnh mẽ là thế nhưng lúc đó thầy Cường đã phải đối mặt với không ít khó khăn trên con đường chinh phục mơ ước trở thành người giáo viên nhân dân. Bố thầy mất sớm làm gia đình mất đi một trụ cột tinh thần và kinh tế. Vùng quê nghèo sau giải phóng không điện lưới, không đường bê tông, để đến trường buộc phải chèo xuồng hoặc đi bộ 4km. Thế nhưng vì tình yêu quá đỗi lớn lao với nghề giáo, thầy như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, mọi lực cản để gắn bó với nghiệp “trồng người”.

Sau bao nhiêu nỗ lực, niềm khát vọng, mơ ước ấy cuối cùng cũng đã trở thành hiện thực khi thầy được đứng trên bục giảng dạy chữ cho các em dân tộc thiểu số tại vùng quê mình sinh sống.

Thầy được lãnh đạo phân công đứng lớp tại Trường tiểu học Hồ Thị Kỷ B thuộc xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Đây là ngôi trường vùng xã nghèo thuộc chương trình 135 của Chính phủ, nay là ấp đặc biệt khó khăn. Đa phần học sinh là đồng bào dân tộc Khmer, gia đình của các em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh rất khó khăn nên ít quan tâm đến việc học tập của con em.

Lúc ấy, thầy chủ nhiệm lớp 3, học sinh trong lớp bỏ học rất nhiều. Điều này khiến thầy giáo trẻ trăn trở và lo lắng bởi nếu các em không đến trường thì sẽ không biết chữ và lại tiếp tục cái vòng lẩn quẩn đi làm thuê, làm mướn vất vả như cha mẹ mà cái nghèo vẫn đeo đẳng. Xuất phát từ tình thương và trách nhiệm của một giáo viên, thầy Cường đã tranh thủ ngoài giờ lên lớp để đến tận nhà của các em tìm hiểu nguyên nhân vì sao bỏ học, vận động các em đến trường, đồng thời giải thích cho phụ huynh hiểu rõ tầm quan trọng của việc học. Thấy học sinh không có phương tiện đi đến trường, thầy nhiệt tình nhận lời đưa đón các em bằng xuồng chèo tay. Nhiều em khi đến lớp, quần áo đã ướt nhoẹt, đồ dùng học tập nhiều khi không có do gia cảnh khó khăn. Trước tình cảnh đó, vì đồng lương giáo viên ít ỏi chưa đến 200.000đ, thầy Cường đã tranh thủ đi làm thêm để có thêm tiền mua sách, vở, bút viết tặng cho học sinh với mong muốn động viên, khích lệ các em đến trường. Một ngày của thầy luôn là sáng lên lớp, chiều làm thêm, tối soạn giáo án để chuẩn bị cho bài giảng hôm sau trên lớp cho các học sinh.

Cứ thế đến 2013, thầy nhận nhiệm vụ làm giáo viên thư viện khi mà “kho tri thức” của trường còn vô cùng thiếu thốn đầu sách và trang thiết bị. Với ngọn lửa nhiệt huyết sẵn trong mình và tấm lòng luôn hướng về học sinh, thầy Cường tìm mọi biện pháp để “tân trang”, biến thư viện trở thành nơi thực sự đem lại kho tàng kiến thức bổ ích và hấp dẫn cho các em.

Thầy giáo Hồ Hùng Cường cùng học sinh trong buổi đọc sách tại thư viện Trường tiểu học Hồ Thị Kỷ B

Thầy xin nhà trường hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị cho thư viện, rồi nhờ bạn bè, đồng nghiệp trang trí phòng đọc thật đẹp mắt, đồng thời liên hệ với thư viện tỉnh Cà Mau để mượn thêm đầu sách hàng tuần để tạo nên không gian đọc sách thú vị, hấp dẫn cho các học trò. Thế rồi từ mô hình thư viện hiệu quả tại trường, thầy Cường được Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Thới Bình tín nhiệm điều động đi hỗ trợ công tác sắp xếp sách cho các trường trong huyện đảm bảo đạt chuẩn thư viện theo quy định. “Tôi luôn hết mình chia sẻ kinh nghiệm với tất cả các giáo viên trường bạn để sao cho mỗi thư viện là một nơi mở ra tri thức mới cho các em học sinh trong toàn huyện.” – thầy Cường khảng khái chia sẻ.

Ngoài công việc ở trường, khi trở về tổ ấm, thầy Cường là hình mẫu của người chồng chung thủy, người cha mẫu mực. Hậu phương vững chắc nơi có người vợ hiền, con thảo, chăm ngoan, học giỏi chắc chắn là động lực lớn lao để thầy có thể cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người” vì học sinh thân yêu. Thậm chí, khi vợ chồng tăng gia sản xuất giúp cuộc sống khấm khá hơn, gia đình thầy còn trực tiếp nhận giúp đỡ hai em học sinh đang sống ở chùa Rạch Giồng (chùa của người Khmer tại địa phương) để các em có điều kiện đến lớp, không phải bỏ học giữa chừng.

Với những nghĩa cử cao đẹp của mình dành cho các học trò và đóng góp cho ngành giáo dục địa phương, thầy Cường vinh dự nhận Bằng khen của UBND tỉnh Cà Mau, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Lao động tiên tiến”…

Dịp này, thầy Cường là 1 trong 63 giáo viên được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

Đây là chương trình nhằm tôn vinh và tri ân các giáo viên người dân tộc thiểu số  đã có đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm.

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh các thầy giáo, cô giáo là người dân tộc thiểu số có quy mô dân số dưới 10.000 người; giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; giáo viên có thời gian giảng dạy lâu năm; giáo viên trẻ tình nguyện lên vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn dạy học.

Chương trình sẽ được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (8 Huỳnh Thúc Kháng, Q. Đống Đa, Hà Nội) vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.