Thêm nhiều sự lựa chọn cho giới trẻ lập nghiệp

(CTG) Năm 2019, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 06 bổ sung gần 80 ngành, nghề đào tạo vào Danh mục ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp và cao đẳng (CĐ) thuộc 14 lĩnh vực như: Sư phạm, pháp luật, nghệ thuật, báo chí, kinh tế,…

 

Theo đó trình độ cao đẳng có các ngành như: Sư phạm kỹ thuật xây dựng, nghệ thuật biểu diễn dân ca, tạp kỹ, tiếng Anh thương mại, tiếng Anh du lịch, tiếng Anh lễ tân nhà hàng - khách sạn, công nghệ phát thanh - truyền hình, thư viện - thông tin, công nghệ thiết bị trường học, văn thư - lưu trữ, kinh doanh xuất nhập khẩu, bán hàng trong siêu thị, quản lý vận tải và dịch vụ logistics, quản lý vận hành cảng, pháp luật về quản lý hành chính công, dịch vụ pháp lý doanh nghiệp, điện tử máy tính, công nghệ kỹ thuật hạ tầng đô thị, công nghệ kỹ thuật hệ thống năng lượng mặt trời, công nghệ điện tử và năng lượng tòa nhà, sản xuất gạch grani, kỹ thuật xăng dầu…

Bậc trung cấp có các ngành như: Quản lý siêu thị, trợ lý tổ chức đấu giá tài sản, công nghệ gia công bao bì, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất muối và hóa chất sau muối, bào chế dược phẩm, trinh sát đặc biệt,…

Rất nhiều các kỹ thuật hiện đại đã được đưa vào giải dạy.

Đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết trong những năm gần đây, thị trường lao động rất cần nhân lực những ngành trên, nhưng lao động được đào tạo bài bản ở các trình độ cao đẳng và trung cấp lại chưa có. Vì vậy, việc bổ sung các ngành nghề này giúp trường sẽ thu hút thêm người học để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng thực tế.

Bên cạnh đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đã có có công văn gửi UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp năm 2019. Công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện một số nội dung cụ thể về đăng ký dự tuyển vào giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT), hướng dẫn quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ dự tuyển vào GDNN trực tiếp tại các trường phổ thông; quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ dự tuyển vào GDNN tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Về tuyển sinh và đào tạo liên thông trình độ cao đẳng đối với người học tốt nghiệp THCS, công văn hướng dẫn: Người tốt nghiệp THCS có nguyện vọng học liên thông lên trình độ cao đẳng có thể đăng ký dự tuyển theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình học phải hoàn thành chương trình văn hóa THPT theo quy định tại Công văn số 2619/BGDĐT-GDĐH ngày 23/6/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về phối hợp một số hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã đồng ý để người tốt nghiệp THCS vào học trung cấp theo Thông tư số 16/2010/TT-BGDĐT ngày 28/6/2010 quy định về chương trình khung trung cấp chuyên nghiệp.

Các bạn nữ hiện nay cũng rất hứng thú với các ngành công nghệ.

Theo đó, các môn văn hóa THPT tùy theo nhóm ngành nghề phải học. Việc dạy học các môn văn hóa THPT do các cơ sở GDNN đảm nhiệm khi được sự đồng ý của Sở Giáo dục và Đào tạo, hoặc do các TTGDTX thực hiện. Thời lượng dạy học các môn văn hóa THPT từ 1.020 đến 1.260 tiết. Thời điểm học văn hóa THPT do hiệu trưởng các cơ sở GDNN quy định nhưng phải bảo đảm phù hợp giữa học văn hóa với nghề nghiệp và hoàn thành trước khi vào giai đoạn học liên thông lên trình độ cao đẳng. Kết quả các môn văn hóa THPT được các cơ sở GDNN ghi trong bảng điểm tốt nghiệp trung cấp của người học để làm căn cứ xét liên thông.

Về học nghề nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng, căn cứ vào khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học cần đạt được sau khi tốt nghiệp, các cơ sở GDNN xây dựng chương trình đào tạo cho phù hợp, bảo đảm được thời gian học văn hóa THPT của người học. Việc dạy học văn hóa THPT được tiến hành trước hoặc đồng thời với việc đào tạo nghề nghiệp, nhưng thời lượng đào tạo nghề nghiệp sẽ được tăng dần và thời lượng học văn hóa THPT giảm dần theo thời gian của khóa học.

Hoàng Long