Thiết thực “phiên chợ điện tử” của thanh niên

CTG - Với mục đích đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế số, hỗ trợ các sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), sản phẩm làng nghề của địa phương, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn triển khai mô hình “phiên chợ điện tử” livestream bán sản phẩm OCOP.

Mô hình bước đầu đã đem lại kết quả thiết thực, góp phần vào việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.

thanh-nien.jpg
Đoàn viên thanh niên huyện Thanh Oai tổ chức livestream quảng bá nón làng Chuông - sản phẩm OCOP.

Người dân tin tưởng, ủng hộ

Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cho biết, mô hình “phiên chợ điện tử” livestream bán sản phẩm OCOP được triển khai với mong muốn phát huy vai trò tiên phong xung kích của thanh niên trong ứng dụng chuyển đổi số, đồng thời là hoạt động cụ thể hóa chương trình đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Đây cũng là hoạt động nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Với đặc thù có nhiều làng nghề truyền thống, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh huyện Phú Xuyên đã livestream bán 5 sản phẩm của địa phương hiệu quả. “Trong phiên livestream, chúng tôi bán những mặt hàng đặc trưng từ các làng nghề truyền thống của địa phương như: Kẹo lạc, túi da, đồ thủ công mỹ nghệ, giày dép… Chương trình đã nhận được 13.000 lượt theo dõi, hơn 2.000 lượt bình luận và bán được hàng trăm sản phẩm”, Phó Bí thư Huyện đoàn Phú Xuyên Nguyễn Thị Thanh Mai cho biết.

Là đơn vị có nhiều phiên livestream nhất hiện nay, tính đến hết tháng 3-2024, Huyện đoàn Thanh Oai có 19/21 xã tổ chức livestream quảng bá sản phẩm. Bí thư Huyện đoàn Nguyễn Thị Minh Nguyện hào hứng cho biết: “Hơn 30 sản phẩm đã được Đoàn thanh niên giới thiệu, mang về doanh thu hơn 60 triệu đồng. Những doanh nghiệp có sản phẩm được giới thiệu rất phấn khởi và nhiệt tình ủng hộ, hỗ trợ đoàn viên thanh niên. Còn người dân tin tưởng, hài lòng khi nhận hàng, vì các sản phẩm trong phiên livestream đều được niêm yết giá, kiểm định chất lượng, lại vừa được hỗ trợ giá, miễn phí chuyển hàng”.

Ghi nhận cách làm đổi mới, sáng tạo của Đoàn thanh niên huyện, nghệ nhân nón làng Chuông, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) Tạ Thu Hương cho biết, thương mại điện tử đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu, bất kỳ doanh nghiệp hay hợp tác xã nào cũng cần hướng đến.

“Tham gia cùng các bạn đoàn viên thanh niên livestream bán những sản phẩm nón của mình, tôi không chỉ trực tiếp tương tác với khách hàng, mà còn bán được một số đơn hàng, vừa học thêm về thương mại điện tử từ các bạn trẻ”, bà Hương chia sẻ.

Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Tiến, đến nay, đã có 9 huyện triển khai các phiên livestream bán sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề của địa phương, thu về hơn 350 triệu đồng. Các phiên livestream không chỉ giúp tăng doanh số bán hàng mà còn giúp người sản xuất tiếp cận, thấy được hiệu quả của kênh phân phối mới, để từ đó áp dụng vào quá trình marketing, tiêu thụ sản phẩm của mình...

Bên cạnh đó, đáp ứng nhu cầu của đoàn viên thanh niên khởi nghiệp với các sản phẩm OCOP trong thời đại công nghệ số, Thành đoàn - Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành, giúp các bạn trẻ tiếp cận nhanh hơn với xu hướng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Tiến, do đây là nội dung mới của tổ chức Đoàn - Hội, kỹ năng bán hàng của đoàn viên thanh niên còn hạn chế; hạ tầng kỹ thuật còn chưa được đầu tư, dẫn đến kết quả chưa thực sự cao trong thu hút người xem và người mua…

Về giải pháp tăng tương tác bán hàng qua các phiên livestream, Bí thư Quận đoàn Long Biên Vũ Thị Thanh cho hay, tại Hội chợ xúc tiến thương mại của quận Long Biên vào cuối tháng 4 tới đây, Quận đoàn sẽ phối hợp các đoàn viên thanh niên là tiktoker, facebooker nổi tiếng. Đây là những người có kỹ năng tương tác cao. Quận đoàn sẽ có 10 gian hàng và tổ chức 2 buổi livestream bán hàng tại hội chợ. Hiện nay, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh quận đang lên ý tưởng cho các gian hàng để khi livestream thật hấp dẫn.

"Chúng tôi cũng vận động các doanh nghiệp chung tay cùng Đoàn Thanh niên thực hiện chương trình thành công", Bí thư Quận đoàn Long Biên Vũ Thị Thanh cho biết thêm.

Theo Thành đoàn Hà Nội, từ nay đến cuối năm 2024, Thành đoàn - Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các đơn vị kết hợp với Hội Nông dân tổ chức “phiên chợ điện tử”, nhằm góp phần quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP và sản phẩm tiềm năng OCOP của nông dân và thanh niên địa phương.

Theo đó, Thành đoàn Hà Nội đặt chỉ tiêu, mỗi xã có 1 “phiên chợ điện tử”/tháng; doanh thu đạt tối thiểu 3 triệu đồng/phiên. Các đơn vị khối quận không có sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề sẽ hỗ trợ bán cho xã khác. Đồng thời, tổ chức Đoàn - Hội tiếp tục giúp đoàn viên thanh niên tập huấn, tiếp cận với xu hướng bán hàng mới; phát triển kỹ năng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, để ngày càng nhiều thanh niên làm chủ “phiên chợ điện tử” một cách hiệu quả, kịp thời phát triển kinh doanh phù hợp với thị hiếu khách hàng hiện nay.

Bí thư Quận đoàn Hà Đông Phạm Nam Hải:
Đồng hành với thanh niên lập nghiệp

ykien-pham-nam-hai.jpg

Quận đoàn Hà Đông đang gấp rút chuẩn bị các mặt hàng, thiết bị ghi hình, thu âm, chuẩn bị kịch bản, nội dung thuyết trình cho các sản phẩm livestream đầu tiên. Dự kiến, cuối tháng 4-2024, buổi livestream sẽ diễn ra, giới thiệu các mặt hàng làng nghề truyền thống như: Lụa Vạn Phúc, dao kéo Đa Sỹ, đồ mộc Thượng Mạo, các sản phẩm chế biến từ rau củ quả OCOP Đồng Mai… Chúng tôi cũng đặt ra chỉ tiêu của buổi livestream, phấn đấu đạt từ 15 triệu đồng trở lên. Sau đó, Quận đoàn sẽ cố gắng duy trì ít nhất 1 tháng 1 buổi livestream và triển khai 100% tới 4 cụm thi đua của Quận đoàn.

Cùng với hoạt động này, để đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, Quận đoàn Hà Đông luôn chú trọng hỗ trợ đoàn viên thanh niên nâng cao năng lực số trong kinh doanh khởi nghiệp; tổ chức các buổi tập huấn nâng cao kỹ năng khởi nghiệp, cập nhật kỹ năng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong khởi nghiệp cho đoàn viên thanh niên; tổ chức tham quan, học tập các mô hình thanh niên khởi nghiệp tại các đơn vị bạn…

Bí thư Quận đoàn Đống Đa Nguyễn Thị Thanh Tâm:
Tăng sự gắn kết giữa các cơ sở Đoàn

ykien-nguyen-thi-thanh-tam.jpg

Quận Đống Đa không có nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề. Vì vậy, triển khai mô hình “phiên chợ điện tử”, Đoàn thanh niên quận Đống Đa sẽ livestream quảng bá, bán các sản phẩm cho các đơn vị bạn như giò chả, miến dong của huyện Thanh Oai; chả vịt, gạo, rau củ quả của huyện Ứng Hòa vào giữa tháng 4.

Hiện nay, các cơ sở Đoàn của quận thường xuyên chia sẻ các link livestream tiêu thụ nông sản do Thành đoàn triển khai để tăng số lượng người theo dõi, tương tác, từ đó tăng lượng nông sản được tiêu thụ qua các kênh này cho doanh nghiệp, nông dân các địa phương. Cùng với đó, chúng tôi đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống của các địa phương trên các trang Zalo, fanpage của Đoàn. Chúng tôi lên phương án địa điểm, tình nguyện viên, lựa chọn đoàn viên thanh niên lên sóng trực tiếp và các điều kiện cơ sở vật chất khác để sẵn sàng tổ chức "phiên chợ điện tử" quảng bá, bán sản phẩm cho đơn vị bạn; tăng tính phối hợp, kết nghĩa, hỗ trợ giữa các cơ sở Đoàn Thủ đô.

Bí thư Đoàn thanh niên xã Kim An Nguyễn Thị Thắm:
Tự hào giới thiệu sản phẩm quê hương

ykien-nguyen-thi-tham.jpg

Đoàn thanh niên xã Kim An (huyện Thanh Oai) đã tổ chức buổi livestream đầu tiên, giới thiệu sản phẩm ổi Kim An. Lần đầu tiên lên sóng trực tiếp, chúng tôi vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng rất vui và tự hào vì buổi livestream đầu tiên đã nhận được khoảng gần 10.000 người tương tác, theo dõi. Điều này khích lệ chúng tôi rất nhiều, mọi người thêm tự tin hơn khi giới thiệu sản phẩm.

Trong khi livestream cũng như sau buổi livestream, chúng tôi nhận được nhiều tin nhắn và điện thoại của các cô chú, anh chị đặt hàng mua ổi. Bà con nhân dân xã Kim An cũng rất phấn khởi khi những sản phẩm nông sản an toàn do chính mình làm ra được mọi người tin cậy, tiêu dùng. Chúng tôi rất vui và nhận thấy mô hình này rất thiết thực, giúp được bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm và sớm đưa ổi Kim An đạt tiêu chuẩn OCOP. Sắp tới, chúng tôi sẽ livestream, quảng bá các sản phẩm có thương hiệu khác như lá dong truyền thống của đất Kim An để nhiều người biết đến.

Theo Hanoimoi