Ban đầu, anh Việt mua mấy cặp dúi rừng người dân săn bắt được để nuôi thử nghiệm. Tuy nhiên do loài này quen sống ngoài tự nhiên, chưa được thuần hóa, không thích nghi với môi trường nuôi nhốt nên được thời gian ngắn thì chết hết. Không bỏ cuộc, anh tiếp tục đầu tư vào dúi sinh sản đã thuần hóa. Từ vài chục cặp dúi sinh sản ban đầu, đến nay trang trại anh đã có hơn 350 con, trong đó hơn 100 cặp dúi bố mẹ đang trong giai đoạn sinh sản.
"Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm, cộng thêm dịch Covid-19 bùng phát nên tôi phải ở nhà, không quán xuyến được trang trại dẫn đến thất bại. Với ý nghĩ thất bại ở đâu phải đứng lên ở đó, tôi đã nghiên cứu và tìm đến các trại nuôi dúi học hỏi kinh nghiệm thực tế. Nhờ vậy, đến nay tôi đã gặt được quả ngọt ban đầu", anh Việt chia sẻ.
Dúi nuôi khoảng 10 - 12 tháng là có thể xuất bán thương phẩm, với trọng lượng từ 1,5 - 2,6 kg, giá bán 550.000 đồng/kg. Ngoài ra, anh Việt còn bán dúi giống từ 1,5 - 2,5 triệu đồng/cặp, tùy theo độ tuổi. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, anh thu về hơn 200 triệu đồng. "Hiện nay nguồn cung không đủ cầu, có nhiều thời điểm thương lái tìm đến trang trại đặt cọc trước nhưng vẫn không đủ dúi để bán. Sắp tới tôi sẽ mở rộng diện tích nuôi, đồng thời đứng ra cung ứng giống, kỹ thuật, bao tiêu đầu ra cho những ai có nhu cầu", anh Việt chia sẻ.
Anh Huỳnh Thế Toàn, Bí thư Huyện đoàn Đại Lộc, đánh giá rất cao mô hình khởi nghiệp của anh Huỳnh Lê Việt. Mô hình này bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời mở ra một hướng đi mới cho nhiều thanh niên trên địa bàn huyện.