Thuốc trừ sâu từ hạt bình bát, than từ lá cọ... giành giải Sáng tạo thanh thiếu niên toàn quốc

(CTG) “Đây thực sự là môi trường giúp các bạn thanh thiếu nhi - những chủ nhân của hiện tại và tương lai của đất nước được thể hiện khả năng sáng tạo, niềm say mê nghiên cứu khoa học, ứng dụng kiến thức các môn học vào thực tế đời sống. Qua đó, phát hiện các tài năng trẻ để đào tạo, bồi dưỡng trở thành những nhà khoa học, nhà sáng chế, nhà quản lý, khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ góp phần phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, chị Nguyễn Phạm Duy Trang nói.

Sáng 2/11, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (KH&KT) phối hợp với Trung ương Đoàn cùng các đơn vị tổ chức Lễ tổng kết 20 năm và trao giải Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 20.

Tham dự chương trình, có ông Phạm Tất Thắng - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận T.Ư, chị Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư; TS. Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Nhiều mô hình sáng tạo

Kể từ khi phát động, cuộc thi đã nhận được 908 đề tài tham dự từ 58 tỉnh, thành phố; là số lượng nhiều nhất từ trước tới nay. Theo TS. Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, năm 2024 là năm đặc biệt, đánh dấu chặng đường 20 năm với rất nhiều dấu mốc đáng nhớ trong hành trình tìm kiếm, khuyến khích và tôn vinh sự sáng tạo của các bạn trẻ trên toàn quốc.

“Qua các đề tài tham dự có nhiều ý tưởng sáng tạo bằng các sản phẩm, mô hình, được gắn với cuộc sống và góp phần bảo vệ môi trường, có khả năng vận dụng vào các môn học, vào thực tiễn cuộc sống vừa có ý nghĩa thiết thực, vừa khơi dậy và phát huy truyền thống nhân ái tốt đẹp của dân tộc ta từ hàng nghìn năm”, TS. Dũng nói.

Nhiều mô hình sáng tạo đã được trao giải tại chương trình như mô hình Gậy thông minh hỗ trợ người già, người khiếm thị; Robot thí nghiệm hóa học; Nghiên cứu sản xuất màng sinh học từ phế phẩm tơ tằm chiếu xa để bảo quản trái dâu tây; Thuốc trừ sâu từ hạt bình bát; Sản phẩm than từ lá cọ; Robot tái mô phỏng hóa hoạt động; của các em học sinh đến từ nhiều tỉnh, thành, đặc biệt có những tỉnh vùng sâu, vùng xa như Sơn La, Hà Giang, Lâm Đồng, Đồng Nai Nghệ An.

Hay đề tài “Cặp phao cứu sinh” của em Lê Trọng Hiếu (Hà Nam) xuất phát từ ý tưởng giúp các bạn học sinh vùng lũ đến trường. Hiếu đã tìm hiểu để làm ra chiếc cặp vừa đựng sách vở, vừa là phao cứu sinh khi gặp sự cố…

Thuốc trừ sâu từ hạt bình bát, than từ lá cọ... giành giải Sáng tạo thanh thiếu niên toàn quốc ảnh 1

Chị Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư và TS. Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao giải Đặc biệt cho nhóm tác giả đến từ Hà Nội. Ảnh: Châu Linh

Lan tỏa sân chơi sáng tạo trẻ

Phát biểu tại chương trình, chị Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư đánh giá, các tác phẩm đạt giải đều để lại ấn tượng sâu sắc về khả năng sáng tạo của các em thiếu niên, nhi đồng Việt Nam.

“Qua 106 tác phẩm đạt giải hôm nay trong tổng số 907 đề tài gửi về dự thi đã tiếp tục cho tất cả chúng ta những ấn tượng thật sâu sắc về khả năng sáng tạo của các em thiếu niên, nhi đồng Việt Nam. Các em đã thể hiện tài năng, biết quan sát, phát hiện vấn đề, vận dụng kiến thức được học trên ghế nhà trường và quá trình tự tìm tòi, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật để giải quyết những vấn đề hết sức thực tiễn và sáng tạo”, chị Trang nói.

Theo chị Trang, trải qua hành trình 20 năm, cuộc thi đã khẳng định được uy tín, chất lượng, sức lan toả ngày càng thu hút được đông đảo thanh thiếu niên nhi đồng tham gia. Các lĩnh vực được lựa chọn trong cuộc thi ngày càng gắn bó, đáp ứng với yêu cầu, phù hợp với chủ trương Đảng ta đã xác định tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: “Vai trò của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chính là nguồn động lực mới, to lớn để đất nước ta phát triển nhanh, bền vững hơn”.

Thuốc trừ sâu từ hạt bình bát, than từ lá cọ... giành giải Sáng tạo thanh thiếu niên toàn quốc ảnh 2
Chị Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư phát biểu tại chương trình. Ảnh: Châu Linh

“Cuộc thi vừa là sân chơi bổ ích nhưng cũng có vai trò như một trong những giải pháp hiệu quả để góp phần thực hiện mục tiêu đó. Đây thực sự là môi trường giúp các bạn thanh thiếu nhi - những chủ nhân của hiện tại và tương lai của đất nước được thể hiện khả năng sáng tạo, niềm say mê nghiên cứu khoa học, ứng dụng kiến thức các môn học vào thực tế đời sống. Qua đó, phát hiện các tài năng trẻ để đào tạo, bồi dưỡng trở thành những nhà khoa học, nhà sáng chế, nhà quản lý, khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ góp phần phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, chị Trang nói.

Thuốc trừ sâu từ hạt bình bát, than từ lá cọ... giành giải Sáng tạo thanh thiếu niên toàn quốc ảnh 3

Các nhóm tác giả giành giải Nhất của cuộc thi. Ảnh: Châu Linh

Thuốc trừ sâu từ hạt bình bát, than từ lá cọ... giành giải Sáng tạo thanh thiếu niên toàn quốc ảnh 4

Các nhóm tác giả giành giải Nhì của cuộc thi. Ảnh: Châu Linh

Thuốc trừ sâu từ hạt bình bát, than từ lá cọ... giành giải Sáng tạo thanh thiếu niên toàn quốc ảnh 5

Nhóm tác giả giành giải Ba của cuộc thi. Ảnh: Châu Linh

Thuốc trừ sâu từ hạt bình bát, than từ lá cọ... giành giải Sáng tạo thanh thiếu niên toàn quốc ảnh 6

Nhóm tác giả giành giải Khuyến khích của cuộc thi. Ảnh: Châu Linh

Tại Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi năm nay, chị Nguyễn Phạm Duy Trang cũng chính thức phát động “Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 21”, bắt đầu từ ngày 02/11/2024 đến 31/7/2025.

Để cuộc thi lần thứ 21 đạt được thành công như mong đợi, chị Trang đề nghị các cấp bộ Đoàn, Đội làm tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, thể lệ của cuộc thi ở các cấp, tạo không khí thi đua sôi nổi, thu hút đông đảo các bạn thanh thiếu niên, các em thiếu niên và nhi đồng tham gia.

Đồng thời, các cấp bộ Đoàn, Đội cần hướng dẫn các bạn thanh thiếu niên, các em thiếu nhi, học sinh lựa chọn các vấn đề mới có tính ứng dụng cao đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống, sử dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao chuyển đổi số để thực hiện các đề tài tham dự cuộc thi.

“Tôi mong muốn và tin tưởng rằng sẽ có nhiều các thầy cô giáo, các quý vị phụ huynh sẽ quan tâm cùng chúng tôi thúc đẩy tinh thần đam mê nghiên cứu, sáng tạo cho các em học sinh. Từ đó, tìm được những điều bổ ích, lý thú và động lực để nuôi dưỡng, phát triển nhiều ý tưởng sáng tạo áp dụng vào thực tế học tập và đời sống, góp phần thúc đẩy phong trào “Sáng tạo trẻ” của tuổi trẻ Việt Nam”, chị Trang nói.

Theo TP