Hơn 10 năm nghiên cứu cua Cà Mau
Hôm chúng tôi có mặt tại trại sản xuất thử nghiệm, anh Bắc đang giới thiệu cho nhiều sinh viên Trường cao đẳng Cộng đồng Cà Mau về quy trình nuôi vỗ béo cua hai da, cua lột và cua gạch trong hệ thống tuần hoàn nước bằng hình thức tập trung. Đây là mô hình được anh nghiên cứu trong nhiều năm.
!['Tiến sĩ cua' nâng giá trị đặc sản của Cà Mau và thu lợi nhuận cao- Ảnh 1. 'Tiến sĩ cua' nâng giá trị đặc sản của Cà Mau và thu lợi nhuận cao- Ảnh 1.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2025/2/12/anh-5-17393583526911600779230.jpg)
Sinh ra trong gia đình thuần nông ở H.Đầm Dơi (Cà Mau), ngay từ nhỏ, anh Bắc đã tiếp xúc và gắn bó với con tôm, con cua. Lớn lên, anh theo học và tốt nghiệp ngành nuôi trồng thủy sản Trường ĐH Cần Thơ vào năm 2010. Sau đó, anh tốt nghiệp thạc sĩ với đề tài về nuôi vỗ béo cua trong hệ thống tuần hoàn nước.
Với kiến thức có được, anh Bắc mở trại nuôi cua tại quê nhà ở xã Tân Tiến, H.Đầm Dơi. Quá trình này, anh nhận ra con cua tuy phát triển tốt nhưng lại dễ bệnh, rủi ro cao. Sau nhiều đêm trăn trở, anh quyết định học tiến sĩ để có thêm kiến thức khắc phục khó khăn.
Năm 2015, anh Bắc về làm việc tại Trường cao đẳng Cộng đồng Cà Mau. Tại đây, người thầy với biệt danh "tiến sĩ cua" miệt mài nghiên cứu nâng giá trị đặc sản của tỉnh. Trong đó, cách nuôi thâm canh các loại cua có giá trị cao như cua cốm, hai da, gạch trong hệ thống tuần hoàn nước được anh đặt nhiều tâm huyết.
Tiến sĩ Bắc hướng dẫn sinh viên tại trại thử nghiệm
ẢNH: G.B
Nhằm tăng giá trị cua biển sau thu hoạch, những năm gần đây, mô hình nuôi từng con trong hộp phát triển ở nhiều tỉnh, song việc nuôi riêng lẻ làm tốn nhiều thời gian chăm sóc, chi phí lắp đặt. Chính vì vậy, anh Bắc nghĩ ra cách nuôi cua thâm canh tuần hoàn nước bằng hình thức tập trung.
Theo anh, mục tiêu của dự án là nhân rộng cho người dân và nâng quy mô sản xuất để đáp ứng sản lượng cho những đơn hàng lớn. Một con cua nuôi trong hộp đến khi bán tốn chi phí khoảng 85.000 đồng, trong khi nuôi tập trung chỉ khoảng 25.000 đồng.
Mô hình này sử dụng công nghệ xử lý nước tiên tiến; nuôi vỗ béo cua biển với 3 giai đoạn có mật độ cao (36 - 40 con/m2); cua giống thả nuôi được lựa chọn từ những vùng có liên kết, nên chất lượng thịt và kích cỡ đầu vào khá đồng đều. Cua được nuôi trong quy trình khép kín, kiểm soát tốt các yếu tố môi trường nước, thức ăn, ánh sáng, nên quyết định được thời gian thu hoạch, chất lượng thịt, gạch.
Dự án cũng liên kết với người nông dân, học viên, sinh viên ngành nuôi trồng thủy sản xây dựng vùng nuôi khép kín, nhằm phục vụ nguồn nguyên liệu chất lượng cho dự án.
Dự án nuôi thâm canh cua cốm, cua lột, cua gạch, cua thịt và các sản phẩm giá trị gia tăng từ cua biển, kết hợp với du lịch trải nghiệm của nhóm tiến sĩ Nguyễn Việt Bắc đã giành giải nhì tại cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Cà Mau năm 2023.
Liên tục sáng tạo
Trong quá trình sản xuất, những con cua bị gãy càng thường được thương lái mua với giá thấp, nếu bán ra sẽ lỗ. Do đó, anh Bắc nghĩ ra cách làm chả, chà bông từ thịt cua, giúp tăng giá trị trên thị trường.
Sản phẩm chà bông cua của tiến sĩ Bắc giúp tăng giá trị đối với cua bị gãy càng
ẢNH: G.B
Hơn 10 năm gắn bó với cua Cà Mau, hiện tiến sĩ Bắc đã liên kết với nông dân và sinh viên hình thành 3 khu nuôi và 1 khu sản xuất sản phẩm từ cua. Hình thức nuôi cua thâm canh tập trung trong hệ thống tuần hoàn nước giúp tăng lợi nhuận gấp 2 - 3 lần so với cách nuôi truyền thống.
Ngoài khâu sản xuất, vợ chồng tiến sĩ Bắc còn đem sản phẩm quảng bá, giới thiệu tại các hội chợ, mạng xã hội. Định hướng của anh là kết hợp các khu du lịch cộng đồng, làng nghề trải nghiệm, cho du khách tự đánh bắt,
chế biến và thưởng thức cua biển. Hiện "tiến sĩ cua" đã xây dựng được 8 đại lý phân phối, kinh doanh sản phẩm tại TP.HCM và một số tỉnh, 1 đại lý ở Hàn Quốc.
Tuy mới là bước khởi đầu, song trong 6 tháng, chuỗi liên kết của anh Bắc bán ra thị trường gần 1 tấn cua biển các loại, thu lợi nhuận hơn 200 triệu đồng.
Vợ chồng tiến sĩ Bắc phát triển các sản phẩm từ thịt cua Cà Mau
ẢNH: G.B
Trong tương lai, tiến sĩ Bắc mong muốn liên kết các xã nghèo của tỉnh nhằm nâng quy mô, hướng dẫn công nghệ nuôi cho những hộ dân có nhu cầu, sau đó tiến hành bao tiêu sản phẩm và cung ứng cho thị trường.
"Xu hướng của khách hàng hiện nay là muốn sử dụng những sản phẩm cua biển tốt nhất, nhưng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả hợp lý… Mục tiêu mà tôi hướng đến là đáp ứng nhu cầu này để nâng tầm giá trị, thương hiệu cho con cua Cà Mau", tiến sĩ Bắc chia sẻ.
Theo TN