Tiếp sức cho thanh niên khởi nghiệp

(CTG) Hơn 300 thanh niên, sinh viên đến từ các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được “mở rộng tầm nhìn” sau khi tham dự Hội thảo “Khởi sự doanh nghiệp” do Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Quảng Nam phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế ( ILO) vừa tổ chức.


Phần tọa đàm diễn ra trong không khí sôi động, khi người dẫn chương trình vừa dứt lời: “Xin mời câu hỏi đầu tiên”, không ngại ngùng, e dè, nhiều cánh tay giơ lên. Sinh viên Trương Thị Hương (Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam) là người “nổ phát súng” đầu tiên. Hương đưa ra một vấn đề mà hiện nay hầu như tất cả sinh viên đều quan tâm: “Như thế nào là ý tưởng khởi nghiệp, làm thế nào để biến ý tưởng trở thành sự thật?”. Có lẽ đây là một trong những câu hỏi hay nên có đến năm doanh nhân đã trao đổi nhiều vấn đề khác nhau xung quanh câu hỏi này. 



Quang cảnh hội thảo


Có chứng kiến hình ảnh nhiều thanh niên, sinh viên ngồi đến gần 12 giờ trưa để lắng nghe sự chia sẻ kinh nghiệm của những doanh nhân đi trước mới thấy sự nghiêm túc trong nhận thức của thế hệ trẻ hôm nay về bản thân, về trách nhiệm xã hội và ý thức vươn lên. Ông Cao Xuân Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Cao Xuân Dũng tâm sự: Lập thân, lập nghiệp và làm giàu không phải chỉ có kinh doanh là con đường duy nhất. Thành công của những mô hình kinh tế trang trại của thanh niên đã khẳng định: con đường khởi nghiệp sẽ rộng mở với những thanh niên biết ước mơ, có kế hoạch và quyết tâm.

Trước hàng trăm sinh viên, doanh nhân trẻ Huỳnh Tấn Chung, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Quảng Nam, TGĐ Công ty CP Đầu tư và Sản xuất Việt Hàn đã tiết lộ thông tin về bước đường khởi nghiệp của mình: Hồi học phổ thông tôi rất thích ngành kiến trúc và đã thi đỗ vào trường này. Thế nhưng trước khi nhập học, tôi đã quyết định chuyển qua học kinh tế, với suy nghĩ và ước muốn làm giàu. “Chính sự “liều lĩnh” có tính toán đó đã giúp tôi thành công bước đầu như hôm nay”, ông Chung khẳng định. 



Các nhà doanh nghiệp trẻ thành đạt chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp với thanh niên


Nhiều vấn đề đã được đặt ra tại hội thảo như: Bạn cần gì khi khởi nghiệp; làm cách nào để có được những ý tưởng kinh doanh mang tính đột phá; cách thức nào để khởi nghiệp thành công? Và như để thỏa mãn tất cả các bạn trẻ, cũng là để chia sẻ hết như tâm tư của mình sau khi trải qua rất nhiều khó khăn khi dấn thân vào thương trường, từng doanh nhân đã rất nhiệt tình và ân cần trả lời các câu hỏi của sinh viên.

Với tấm bằng cử nhân đại học chính qui trong tay, không ít sinh viên gặp phải khó khăn trong hành trình đi tìm việc làm khi các nhà tuyển dụng về “số năm kinh nghiệm” trong công việc. Đa số nhà tuyển dụng hiện nay đòi hỏi người tham gia tuyển dụng phải có kinh nghiệm ít nhất từ một năm trở lên. Đây là một vấn đề vô cùng nan giải đối với những sinh viên mới tốt nghiệp đại học ra trường. 

“Làm thế nào để một sinh viên mới ra trường có thể có kinh nghiệm?”, sinh viên Cao Thị Phương Thảo, sinh viên Văn K10 (ĐH Quảng Nam) đặt vấn đề. Câu hỏi này chắc vẫn đang là “nỗi bức xúc” của nhiều sinh viên nên đã nhận được rất nhiều tràng pháo tay hưởng ứng. Và để “giải quyết” nỗi bức xúc đó, ông Trần Quốc Bảo, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Kinh tế Giáo dục Martin cho rằng sinh viên mới ra trường thì thiếu thực tế, nhưng lại có sự say mê, có nhiệt huyết làm việc và cống hiến để khẳng định mình. Ông Bảo nói: “Ngay từ khi còn là sinh viên, ngoài việc học tập để trau dồi kiến thức, sinh viên phải tăng cường giao lưu để có thêm kiến thức thực tế. Chương trình khởi nghiệp hôm nay chính là cơ hội tốt để các bạn mở rộng mối quan hệ, có thêm kiến thức thực tế”.  

Rất nhiều bạn trẻ đã giở sổ tay ghi chép các phần hướng dẫn của diễn giả. Đáng chú ý là sau khi phần hướng dẫn kết thúc, nhiều bạn trẻ đã lập tức vây quanh diễn giả - doanh nghiệp trẻ thành đạt và trực tiếp đặt các câu hỏi tỷ mỉ, chi tiết. Một số bạn thậm chí còn đưa ra các ý tưởng để lập dự án vốn đã ấp ủ trước khi đến tham gia chương trình hội thảo, để tranh thủ được diễn giả hướng dẫn cụ thể. Lần đầu tiên tham dự chương trình, Nguyễn Văn Sang (đoàn viên xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành) cho biết: “Tôi thấy chương trình rất bổ ích bởi nó giúp cho những người trẻ như tôi có kinh nghiệm khởi nghiệp”.

Không ít sinh viên còn tỏ ra băn khoăn không biết nên bắt đầu từ đâu cho dự án kinh doanh. “Một dự án kinh doanh, khởi nghiệp muốn thành công thì ý tưởng và tính thực tiễn là quan trọng nhất, để nhận định được điều đó bắt buộc chúng ta suy nghĩ thấu đáo hơn việc mình sẽ làm”, anh Huỳnh Tấn Chung chia sẻ. 

Anh Chung cũng khẳng định: Câu chuyện doanh nhân khởi nghiệp sẽ là hoạt động thường xuyên của Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh, nhằm tạo kênh tương tác giữa doanh nhân thành đạt với các bạn trẻ đang khao khát chuẩn bị bước đường khởi nghiệp.


Phan Tuấn - Quang Quỳnh
Tỉnh Đoàn Quảng Nam