Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu là những nhà quản lý, nhà làm phim, đạo diễn, diễn viên trong cả nước dưới sự chủ trì của ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL và ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.
Tại hội thảo, ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh VN, thẳng thắn nêu lên thực trạng vi phạm bản quyền xảy ra ngay trong giới làm phim: Một số nhà làm phim sử dụng hình ảnh của các bộ phim tài liệu đã có trên mạng đưa vào tác phẩm nhưng chỉ có một dòng ngắn ghi "phim có sử dụng tài liệu đồng nghiệp" mà không hề trực tiếp xin phép tác giả. Ông Tú bức xúc: "Đáng ra, trước khi đưa vào, các nhà làm phim phải xin phép, chú thích rõ ràng những tư liệu được lấy từ đồng nghiệp nào, phim nào. Đó mới là sự tôn trọng cần thiết với vấn đề tác quyền trong điện ảnh".
Đạo diễn, nhà sản xuất phim Lương Đình Dũng thì cho rằng nhiều bộ phim Việt bị xâm phạm bản quyền, phát tán trên môi trường mạng nhưng cũng chưa có giải pháp xử phạt nặng các cá nhân, trang mạng thực hiện hành vi này. Bản thân ông có phim 578: Phát đạn của kẻ điên cũng bị phát tán trái phép trên mạng.
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, cho biết tình trạng xâm phạm quyền tác giả tác phẩm điện ảnh hiện vẫn còn xảy ra, đặc biệt vi phạm trên môi trường internet gây thiệt hại cho nhà sản xuất. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và công chúng thụ hưởng các tác phẩm điện ảnh trong nhiều trường hợp còn chưa nghiêm túc tôn trọng và thực hiện nghĩa vụ đối với các quyền tác giả tác phẩm điện ảnh. Nhiều trường hợp cố tình né tránh không thực hiện nghĩa vụ. Chưa kể thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan thuộc nhiều hệ thống các cơ quan khác nhau, còn dàn trải, thiếu tập trung, hệ thống cơ quan tư pháp xét xử chưa có tòa án chuyên biệt về quyền tác giả, quyền liên quan.
Các giải pháp bảo vệ bản quyền điện ảnh
Bà Phạm Thị Kim Oanh cho rằng để khắc phục tình trạng trên cần có nhiều giải pháp đồng bộ như hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ tác quyền đối với tác giả, cá nhân, công chúng. "Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, thực thi quyền tác giả và xử lý các hành vi xâm phạm trên không gian mạng", bà Oanh đề nghị
Còn bà Sylvie Forbin, Phó tổng giám đốc Lĩnh vực bản quyền và sáng tạo, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO, Thụy Sĩ), cho biết để lĩnh vực nghe nhìn (audiovisual) trở thành công nghiệp cần có những nỗ lực nghiêm túc. Để điện ảnh trở thành một ngành công nghiệp thực sự, việc có khung pháp lý thuận lợi là điều tối quan trọng. Để làm được điều đó, cần xác định chuỗi giá trị và quyền giữa tất cả các bên liên quan đến quá trình sản xuất phim. VN đang tham gia tích cực vào các điều ước đa phương về quyền tác giả và quyền liên quan do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới quản lý.
"Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các bạn thực thi các điều ước này để nó mang lại lợi ích thực sự cho đất nước. Theo hướng này, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng và tính hữu ích của Hiệp ước WIPO Bắc Kinh về biểu diễn nghe nhìn. Chúng tôi mong muốn VN sớm gia nhập hiệp ước để tác giả, người biểu diễn và các bên liên quan khác trong ngành điện ảnh VN có thể được bảo vệ không chỉ trong nước mà còn trên thị trường toàn cầu", bà Forbin khẳng định.
Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, môi trường số đã và đang đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan. Hội thảo lần này nhằm xác định khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp trong quá trình triển khai thực hiện việc bảo hộ bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh. Qua đó từng bước ngày càng hoàn thiện hành lang pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan.
Trong khuôn khổ Liên hoan phim VN lần thứ 23, chiều 22.11 tại Trường ĐH Đà Lạt diễn ra buổi giao lưu giữa đạo diễn, diễn viên, nghệ sĩ thực hiện bộ phim Em và Trịnh với 500 sinh viên, giáo viên Trường ĐH Đà Lạt. NSND Trần Lực (vai Trịnh Công Sơn) , diễn viên Hoàng Hà (Dao Ánh), Lan Thy (Bích Diễm), đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ về quá trình thực hiện bộ phim cùng những kỷ niệm không thể nào quên trong quá trình đóng phim ở phố núi. NSND Trần Lực ngẫu hứng ôm đàn hát tặng các bạn sinh viên ca khúc Xin trả nợ người của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (ảnh).
Doanh thu điện ảnh đang phục hồi sau đại dịch covid-19
Theo thống kê của Bộ VH-TT-DL, ngành công nghiệp điện ảnh VN trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022 đã có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ. Trong giai đoạn này giá trị sản xuất bình quân tăng 8,03%/năm, giá trị gia tăng đóng góp vào nền kinh tế bình quân tăng 7,94%/năm, cùng với đó nguồn lực lao động tăng 8,05% và số lượng cơ sở kinh tế hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh tăng 8,39%. Doanh thu điện ảnh chiếu rạp trong năm 2018 đạt khoảng 3.400 tỉ đồng (khoảng 145 triệu USD) và đạt trên 4.100 tỉ đồng (khoảng 178 triệu USD) vào năm 2019. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19, năm 2020 doanh thu toàn ngành điện ảnh chỉ đạt 750 tỉ đồng và năm 2021 đạt hơn 1.156 tỉ đồng. Đến năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành điện ảnh đã phục hồi đáng kể, đạt khoảng 70% so với năm 2019.
Theo TN