Ngày 7/12, Thành Đoàn Hà Nội tổ chức Chung kết Cuộc thi Thử thách khởi nghiệp Việt toàn cầu lần thứ 7, năm 2024, với sự tham gia tranh tài của 10 đội thi xuất sắc.
Được phát động vào ngày 30/8, sau gần 3 tháng, Ban Tổ chức đã nhận được gần 2.000 hồ sơ đăng ký dự thi với nhiều dự án độc đáo ở các lĩnh vực như: trí tuệ nhân tạo - AI, dữ liệu lớn - bigdata, năng lượng xanh, công nghệ tài chính, công nghệ bảo hiểm, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, công nghệ chuỗi khối – blockchain và các mô hình kinh doanh ứng dụng chuyển đổi số hoặc sản phẩm công nghệ khác.
Hội đồng Ban giám khảo và Ban Tổ chức đã họp xét kỹ lưỡng, chọn ra 10 đội thi có dự án triển vọng, tiềm năng nhất đến từ Hà Nội, TPHCM, Pháp và Úc để bước tiếp vào vòng chung kết.
|
Ban giám khảo và Ban tổ chức tham quan, tìm hiểu các dự án tranh tài tại vòng chung kết. |
10 đội thi tranh tài tại vòng chung kết với 10 dự án, gồm: Hublock, EnerTrade, Drippy, BA3, 1ManBiz, Website AI, Pictor Network, UCTalent - Unchain Talent by blockchain, GlobeID và Nature Voice.
Trong đó, dự án Hublock là giải pháp tủ khóa thông minh, hỗ trợ việc giao nhận hàng hóa một cách tiện lợi, an toàn tại các địa điểm công cộng, văn phòng, chung cư và khu dân cư.
Với công nghệ sinh trắc học quét lòng bàn tay liên kết với số điện thoại, Hublock cho phép người dùng dễ dàng mở tủ mà không cần khóa vật lý hay mã PIN, mang lại tính bảo mật và tiện lợi tối đa. Giải pháp này giúp các công ty logistics tối ưu hóa quy trình giao hàng chặng cuối, giảm số lượng chuyến đi, tiết kiệm nguồn lực và nâng cao tỷ lệ giao hàng thành công.
Các đội thi thuyết trình dự án tại vòng chung kết Cuộc thi Thử thách khởi nghiệp Việt toàn cầu lần thứ 7, năm 2024. |
Dự án EnerTrade được hình thành nhằm thu thập pin đã qua sử dụng bằng thiết bị tích hợp công nghệ AI, qua đó, giáo dục người dùng tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Dự án góp phần tái chế các hợp chất hoá học và tạo ra nguồn cung cấp ổn định cho các doanh nghiệp điện tử trong dây chuyền sản xuất nhằm cắt giảm những hoạt động đào mỏ truyền thống gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường.
Dự án Drippy là một nền tảng thời trang từ thiết kế đến sản xuất 3D được hỗ trợ bởi AI, cho phép các nhà thiết kế, doanh nhân sáng tạo, cộng tác và sản xuất hàng may mặc một cách liền mạch. Dự án cung cấp mô phỏng quần áo 3D theo thời gian thực, tạo mẫu và giao diện thân thiện với người dùng, giúp thiết kế thời trang hiệu quả cho mọi cấp độ kỹ năng.
Dự án Drippy xuất sắc giành giải Nhất của cuộc thi. |
Dự án Ba3 cung cấp các giải pháp quản lý kệ hàng số (Digital Shelf Management) cho các thương hiệu trên nền tảng thương mại điện tử như TikTok shop, Shopee và Lazada. Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Ba3 giúp các thương hiệu biến dữ liệu thành những thông tin chi tiết có thể hành động, tối ưu hóa hoạt động thương mại số thông qua phân tích hành vi khách hàng theo thời gian thực, phân tích đánh giá, và điều chỉnh giá động.
Dự án 1ManBiz cung cấp giải pháp AI hàng đầu, hỗ trợ hơn 5 triệu start-up, người kinh doanh online, cùng các công ty nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam tiết kiệm thời gian, tối ưu hóa nguồn lực, và phát triển bền vững thông qua các công cụ marketing, chăm sóc khách hàng thông minh.
Dự án Web AI là giải pháp giúp xây dựng website chỉ trong 1 ngày và giúp người quản trị nâng cao 10 lần năng suất làm việc. Với website AI, người dùng chỉ cần mô tả cơ bản về doanh nghiệp và AI sẽ giúp họ hoàn thiện một website chỉ trong vòng 20 phút. Website AI có trợ lý SEO và quảng cáo, có khả năng tạo lệnh, từ đó, đơn giản hóa các thao tác, nâng cao hiệu suất.
Dự án Pictor Network nhằm phát triển mạng lưới render GPU phi tập trung trên nền tảng Web3. Dự án kết nối và tận dụng hàng triệu GPU nhàn rỗi trên toàn cầu để tạo ra một mạng lưới GPU mạnh mẽ, giúp người dùng tăng tốc quá trình kết xuất (render) đồ họa 3D. Giải pháp này đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong các lĩnh vực sáng tạo như phim ảnh, Metaverse, thiết kế 3D, trò chơi, và nhiều lĩnh vực sáng tạo khác.
Các giải thưởng được trao tại vòng chung kết cuộc thi Thử thách khởi nghiệp Việt toàn cầu lần thứ 7, năm 2024. |
Dự án UCTalent là nền tảng SocialFi chuyên nghiệp về quyền riêng tư, được hỗ trợ bởi AI và blockchain. Nền tảng UCTalent giải quyết các thách thức của các phương pháp tuyển dụng truyền thống tốn kém bằng cách kết nối nhân tài các công ty tuyển dụng thông qua cơ chế giới thiệu nhân tài đổi mới với các phần thưởng trực tuyến được hỗ trợ bởi các hợp đồng thông minh.
Bằng cách tận dụng sức mạnh của AI, công nghệ chuỗi khối, UCTalent cung cấp các tính năng đổi mới như huấn luyện và cố vấn về quyền riêng tư, đánh giá nghề nghiệp AI và hồ sơ xác thực trên chuỗi để chuyển đổi bối cảnh tài năng công nghệ, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực chuỗi khối và web3.
Dự án GlobeID là một ứng dụng trên nền tảng blockchain, đi sâu vào việc xác định tính duy nhất của 1 người trên nền tảng số. Việc này sẽ giúp các tổ chức Web3 tối ưu chi phí đáng kể do có các tài khoản clone sử dụng để tham gia các chiến dịch airdrop của dự án.
Dự án Nature Voice là ứng dụng thông minh kết hợp AI và IoT, cho phép cây cảnh có thể tương tác tự nhiên với người dùng. Thông qua các thiết bị cảm biến theo dõi điều kiện môi trường (như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng) và công nghệ AI, cây sẽ trò chuyện" với người dùng.
Tại vòng chung kết, 10 đội thi đã thuyết trình dự án và trả lời các câu hỏi của Hội đồng giám khảo.
Kết quả chung cuộc, dự án Drippy đã xuất sắc giành giải Nhất của cuộc thi; giải Nhì thuộc về đội thi Hublock; 2 giải Ba thuộc về đội thi Web AI và UCTalent; 3 đội giành giải Khuyến khích, gồm: Ba3, Pictor Network và EnerTrade
Theo TP