Có đúng là văn hóa doanh nghiệp sẽ tạo ra thêm tinh thần doanh nghiệp không?
Hay phải có tinh thần doanh nghiệp rồi mới kiến tạo được văn hóa doanh nghiệp?
Để khởi nghiệp một doanh nghiệp, bên cạnh các yếu tố thuận lợi có sẵn ban đầu, chúng ta phải có tinh thần doanh nghiệp, nhưng để phát triển bền vững chúng ta phải xây dựng được văn hóa doanh nghiệp.
Sau đó, văn hóa doanh nghiệp có nền tảng vững mạnh này sẽ tiếp tục cổ vũ cho tinh thần doanh nghiệp phát triển ở một qui mô và đẳng cấp cao hơn nữa.
Các công ty đa quốc và các doanh nghiệp có quá trình phát triển lâu năm, trải qua nhiều giai đoạn, thời kỳ, đều thấm thía các cột mốc phát triển của doanh nghiệp mình.
Từ lúc ban đầu, sơ khai, với sản phẩm và dịch vụ ít ỏi, thiếu sức cạnh tranh, thiếu vốn, thiếu mối quan hệ khách hàng, bạn hàng, năng lực và nguồn lực hạn chế nên chưa thể nghĩ xa, nghĩ nhiều. đầu tư nhiều để xây dựng văn hóa cho doanh nghiệp.
Thời kỳ khó khăn vất vả ban đầu, ăn chưa no, lo chưa tới lấy đâu có nhiều tinh thần để xây dựng nền tảng văn hóa cho doanh nghiệp. Lợi nhuận và doanh số hay thị phần luôn ám ảnh doanh nghiệp thời kỳ này. Trách nhiệm xã hội, trách nhiệm đối với người lao động cũng là thứ xa xỉ khi mà doanh nghiệp còn phài chèo chống, chạy gạo nuôi quân, "giật gấu vá vai", không biết sống chết thế nào vì số liệu thống kê cho thấy thông thường có hơn 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ ra đời và chết đi trong vòng 3 năm đầu, số còn lại vẫn có thể chết tiếp trong vòng 5 năm!
Đòi hỏi doanh nghiệp vừa và nhỏ phải có trách nhiệm xã hội đối với quốc gia hay làm công tác từ thiện giúp đỡ, chăm sóc người lao động, người nghèo khổ trong thời kỳ đầu này quả là gian nan cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp nhỏ mới ra đời cũng như đứa trẻ sơ sinh vừa chào đời, rất cần được bố mẹ, anh chị, ông bà cùng nhau chăm sóc giúp đỡ. Nhà nước và các chính sách cùng với các bộ luật doanh nghiệp cũng như bố mẹ nuôi nấng đỡ đần cho doanh nghiệp thời kỳ đầu, cần phải có các chính sách hỗ trợ, tài trợ, chăm sóc đặc biệt cho thời kỳ này.
Chỉ có như vậy, cùng với tài năng cá nhân của các chủ doanh nghiệp, các công ty nhỏ này mới từng bước tiến lên. Có được sự hỗ trợ tốt của một nền kinh tế vĩ mô tốt thì sự phát triển "vi mô" tại các doanh nghiệp mới có cơ hội phát triển. Khi đó, tinh thần doanh nghiệp hay ước muốn làm doanh nghiệp, khát vọng làm chủ doanh nghiệp mới có thời cơ và đất dụng võ được.
Các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ, Nhật, Hàn, châu Âu ..v..v. đều thường có xuất phát nhỏ từ các ông/bà chủ táo bạo, tài năng, dám nghĩ dám làm, với tinh thần doanh nghiệp, trải qua hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm kế thừa, mới xây dựng được một thương hiệu nhiều người biết đến, có doanh số hàng trăm triệu USD, vươn tầm ra khắp thế giới.
Ở Việt Nam, các khái niệm về Luật Doanh nghiệp, tinh thần doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp cũng chỉ mới được biết và thực sự được chú ý chỉ từ sau những năm 2000! Trước khi cải cách và mở cửa, Việt Nam chỉ có nền kinh tế chỉ huy, tập trung, thiếu hẳn sự cổ vũ cho tinh thần doanh nghiệp hay văn hóa doanh nghiệp trong các công ty nhà nước mà chỉ có các bảng khen thưởng, thi đua làm theo phong trào.
|
Vậy nền tảng của tinh thần doanh nghiệp bắt đầu từ đâu? Phỏng vấn nhiều chủ doanh nghiệp, họ có nhận xét là phải xuất phát từ lãnh đạo, từ người chủ doanh nghiệp. Sâu xa hơn hơn là một nền tảng văn hóa, giáo dục của người lãnh đạo, từ gia đình bước ra xã hội, đối với đòi hỏi và thách thức cạnh tranh mới trên thương trường và sự trưởng thành không ngừng của đội ngũ nhân viên trong doanh nghiệp.
Nhu cầu kiến tạo văn hóa cho doanh nghiệp cũng luôn là đòi hỏi cấp bách. Có doanh nghiệp còn chủ động xây dựng cho mình các nên tảng lý luận về triết lý kinh doanh và tầm nhìn doanh nghiệp ngay từ đầu, trước khi có các kế hoạch kinh doanh cụ thể.
Có văn hóa doanh nghiệp tức doanh nghiệp đã tạo dựng được nét đặc trưng riêng của doanh nghiệp mình, từ cá nhân mỗi con người đến hệ thống quản lý và các mối quan hệ tương tác con người - con người và con người - hệ thống, cho đến các sản phẩm dịch vụ được làm ra với sự chăm chút nhẫn nại nhất, nhằm phục vụ tốt nhất cho khách hàng, đều toát lên một bản lĩnh văn hóa tri thức tốt đẹp. Văn hóa doanh nghiệp được thể hiện kể cà lúc khó khăn hay thuận lợi nhất.
Tinh thần doanh nghiệp hay văn hóa doanh nghiệp được tôn tạo chung quy cũng nhằm mục đích xây dựng một triết lý kinh doanh "đẹp" cho doanh nghiệp.
Nếu như doanh số bán hàng, lợi nhuận kinh doanh và thị phần trên thương trường là các mục tiêu kinh doanh cụ thể nhằm giúp doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển thì sự duy trì và tôn tạo cho tinh thần doanh nghiệp và văn hóa doanh nghiệp sẽ giúp cho doanh nghiệp có môi trường sống tốt đẹp hơn, môi trường làm việc thuận lợi hơn cho nhân viên, phát triển bền vững, cũng như khả năng đáp ứng các đòi hỏi mới của đất nước về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp sẽ trọn vẹn hơn.
Điều này cũng góp phần làm giảm đi các xung đột lợi ích hay mâu thuẫn quyền lợi giữa doanh nghiệp và người lao động cũng như các nghĩa vụ đối với lợi ích quốc gia.
Theo VEF