Toả sáng nghị lực Việt 2024: mắt mù nhưng tâm sáng

(CTG) Mất đi thị lực khi chỉ mới 10 tuổi, không vì thế mà ngăn cản ước mơ học tập và hòa nhập cộng đồng. Thành lập cơ sở Tẩm quất massage khiếm thị Linh Đan giúp đỡ những người bị khuyết tật khác.

Tuổi thơ thử thách

Anh Phùng Văn Minh (1994) sinh ra trong một gia đình khó khăn tại huyện Ba Vì, Hà Nội. Ngay từ khi sinh ra, anh Minh không được may mắn như bạn bè đồng trang lứa khi chỉ nhìn được một bên mắt. Biết được khiếm khuyết của mình anh vẫn luôn nỗ lực để có thể vươn lên thay đổi đạt được thành tích học tập xuất sắc. Thật không may vào năm 10 tuổi anh đã hoàn toàn mất đi thị lực.

Mưu sinh với nghề thợ xây, phụ hồ, bố mẹ Minh thường đi làm xa nhà, nửa năm mới về nhà một lần. Từ nhỏ em đã phải sống thiếu vòng tay cha mẹ, nương tựa vào sự chăm sóc của bà nội.

Như bao đứa trẻ khác, 6 tuổi, cậu bé Minh cũng vui vẻ cắp sách tới trường. Nhưng niềm vui ấy chỉ ngắn ngủi đến lớp 3, khi con mắt còn lại của em bắt đầu mờ dần, mờ dần. Hết học kỳ một, em không thể nhìn thấy những gì cô ghi trên bảng, chữ viết trong vở em phải viết to gấp ba bình thường, lên tới 10 ly, Minh mới đọc được.

Nhưng những nỗ lực của Minh không thể giúp em cứu vãn nổi giấc mơ đến trường. Cuối năm lớp ba, Minh thậm chí không thể đọc ngay những chữ em vừa nắn nót viết thật to trên cuốn vở. Minh buộc phải nghỉ học. Bầu trời như sụp đổ. Có những ngày đứng trong bờ rào, nghe tiếng các bạn gọi nhau í ới tới trường, cậu bé thấy lòng buồn vô hạn.

Cũng nơi bờ rào ấy, Minh đã bao lần đứng ngóng mẹ về, khát khao một vòng tay ôm ấp, động viên, vỗ về. Em phải thôi học từ khoảng tháng Ba. Mẹ em đi làm từ sau Tết nên lúc đó cũng chưa về. “Em cứ nghĩ mẹ đi khoảng 5, 6 tháng như mọi lần. Nhưng rồi em chờ mãi, chờ mãi… Mẹ em đi biệt tích không về nữa…,” Minh ngậm ngùi kể.

Nỗi đau tiếp tục ập tới khi một ngày, năm Minh 13 tuổi, bố em bị tai nạn lao động và qua đời.

Chẳng còn bố, không còn mẹ, anh em Minh phải chia rẽ, sống nhờ vào sự cưu mang của họ hàng. Em trai ở với bác, còn Minh ở với cô và bà.

Minh bảo, sau những biến cố, những đớn đau, em càng hiểu ra những giá trị thực sự của cuộc sống, biết trân trọng hơn cuộc đời và cố gắng mạnh mẽ hơn mỗi ngày.

Minh thi đấu cờ vua với đối thủ 

“Em cố gắng rèn cho mình luôn chấp nhận những gì mà mình đang có và suy nghĩ một cách tích cực nhất có thể. Người ta nói, nghịch cảnh không phải là tảng đá cản bước chân ta mà là động lực để ta tiến lên phía trước. Đó cũng là những động lực để em vươn lên, để khẳng định bản thân, để được như ngày hôm nay,” Minh chia sẻ.

May thay anh được Hội người mù huyện Ba Vì tạo điều kiện cho theo học tại trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Tại đây, anh được học chữ nổi, văn hóa, công nghệ thông tin, âm nhạc và nhiều kỹ năng sống khác. “Bản thân luôn thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng để chứng minh rằng khi có ý chí và lòng kiên trì, không gì là không thể”, anh Minh chia sẻ.

Hành trình theo đuổi ước mơ

Minh chia sẻ câu chuyện của mình với mọi người 

Song song với công việc học tập anh còn đi làm để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Nhờ nỗ lực học tập và rèn luyện anh xuất sắc là thủ khoa đầu vào của Học viện Thanh thiếu Niên Việt Nam với phương thức xét điểm học bạ với số điểm ấn tượng 26,5 điểm. Trong quá trình học tập anh còn vinh dự được nhận học bổng thanh niên vượt khó của trường.

Với mong muốn có thể giúp đỡ được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn anh đã ấp ủ ước mơ và thành lập Cơ sở Tẩm quất massage khiếm thị Linh Đan. Tuy nhiên do đại dịch covid-19 ập đến khiến anh phải tạm ngưng hoạt động. Không vì thế mà bỏ cuộc hè năm 2022 anh đã khởi động lại cơ sở Linh Đan. Bên cạnh đó anh còn là nhà phân phối đọc lập các thiết bị điện giải tạo ion kiềm, nghệ Ucon cho công ty Kangen Water 102 và công ty Bellhome Việt Nam.

Ngoài công việc, Minh còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, chia sẻ kinh nghiệm và truyền cảm hứng cho nhiều người khác. Anh đã tham gia nhiều buổi hội thảo, tọa đàm về quyền lợi và cơ hội cho người khuyết tật, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về sự cần thiết của việc hỗ trợ và hòa nhập cho người khuyết tật.

Tôi luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, hỗ trợ người khiếm thị và người yếu thế. Mong muốn lớn nhất của tôi là tất cả mọi người đều có cơ hội được học tập, làm việc và phát triển bản thân, góp phần xây dựng cộng đồng” anh Minh tâm sự

Với những nỗ lực đó anh Minh đã xuất sắc được nhận giấy khen của Hội Người mù thanh phố Hà Nội trong học tập và hoạt động xã hội. Đặc biệt trong dịp này, Phùng Văn Minh còn là 1 trong 38 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2024 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCP Việt Nam tổ chức.

Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2024 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Công ty TNHH TCP Việt Nam tổ chức, nhằm tìm kiếm và tôn vinh các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh và tích cực đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng.

Đồng thời mong muốn tạo sự lan toả và quan tâm, kêu gọi cộng đồng xã hội tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên khuyết tật Việt Nam; tìm ra các mô hình phù hợp, bền vững để hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng bình đẳng, tự tin và hiệu quả. Chương trình sẽ tuyên dương 38 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu có thành tích xuất sắc. 

 CTG