Trần Đại Nghĩa – Gương mặt trẻ tiêu biểu “Quả Cầu Vàng” năm 2013

(CTG) Sinh ra, lớn lên và làm việc trên quê hương Lâm Thao - Phú Thọ, thạc sỹ Trần Đại Nghĩa, Trưởng phòng Kỹ thuật - An toàn và Môi trường, Công ty Cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao, một trong 10 cá nhân tiêu biểu xuất sắc được vinh dự nhận giải thưởng “Quả cầu vàng năm 2013” cũng đã trải qua nhiều khó khăn vất vả, nhưng với đam mê nghiên cứu khoa học anh đã nhanh chóng tự khẳng định được mình.




Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân và anh Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn trao Giải thưởng “Quả cầu vàng năm 2013” cho Ths. Trần Đại Nghĩa.


Thạc sỹ Trần Đại Nghĩa sinh năm 1978, trong một gia đình có bố là Kỹ sư nông nghiệp, mẹ làm y tá, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, nên ngay từ khi còn là học sinh, Ths.Trần Đại Nghĩa đã có nhiều cố gắng trong học tập, năm nào anh cũng đạt học sinh khá, giỏi của trường. Với đam mê nghiên cứu khoa học đặc biệt là yêu thích nghành hóa học. Sau khi tốt nghiệp anh đã đăng ký và thi đỗ vào Khoa Công nghệ hóa học, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Cùng lúc đó, Công ty Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao có chính sách thu hút sinh viên khá, giỏi thuộc các trường Đại học có uy tín trong cả nước sau khi tốt nghiệp về công tác tại Công ty. Như bao điều mong ước của các sinh viên là được tham gia làm những công việc đúng với chuyên môn mà mình đã học và được cống hiến sức trẻ cho quê hương mình, anh đã không ngần ngại đăng ký theo chương trình hợp tác với Công ty.

Năm 2001, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa ra trường, với tấm bằng khá trong tay, Kỹ sư trẻ Trần Đại Nghĩa được lãnh đạo Công ty tiếp nhận về làm việc tại Công ty và được phân Công trực tiếp về đơn vị sản xuất. Với những kiến thức đã học được trong trường anh đã nhanh chóng nắm bắt được công nghệ, đưa ra những sáng kiến cải tiến, kỹ thuật giúp cho lãnh đạo đơn vị chủ động trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh.

Với phương châm, một người phải biết nhiều, làm được nhiều công việc và tính ham học hỏi, cầu tiến bộ, tháng 4/2002 anh được phân công về phòng Kỹ thuật công nghệ, trực tiếp theo dõi sản xuất kết hợp với các đơn vị tổ chức điều chỉnh chế độ kỹ thuật và triển khai các giải pháp cải tiến máy, thiết bị tại xí nghiệp Supe và xí nghiệp Axít. Trong thời gian này, anh đã thi đỗ và được Công ty cử đi học cao học ngành công nghệ hóa học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sau khi tốt nghiệp anh được bổ nhiệm làm kỹ thuật xí nghiệp A xít, phó trưởng phòng Kỹ thuật - An toàn và Môi trường và đầu tháng 12/2013 anh được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng phòng Kỹ thuật - An toàn và Môi trường, theo dõi, chỉ đạo toàn bộ dây chuyền sản xuất trong Công ty và công tác an toàn, môi trường của Công ty.

Trong suốt quá trình làm việc tại Công ty từ 2001 đến nay, mỗi năm đồng chí đều có từ 3 - 4 đề tài sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh, các đề tài sáng kiến đã được áp dụng thực tế tại các dây chuyền sản xuất trong toàn Công ty góp phần giảm chi phí, tăng năng suất lao động, nhiều sáng kiến vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa giúp cải thiện môi trường làm việc, môi trường khí thải, nước thải…của Công ty đạt dưới mức cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam. Một số đề tài sáng kiến tiêu biểu như: sáng kiến cải tạo 02 dây chuyền sản xuất axít H2SO4 từ công nghệ tiếp xúc đơn sang công nghệ tiếp xúc kép hấp thụ 2 lần để giải quyết được vi phạm hàm lượng khí thải SO2, SO3 ra môi trường từ 5.000 mg SO2/m3 khí thải xuống  1.500 mg SO2/m3 khí thải; 100 mg SO3/m3 khí thải xuống  50 mg SO3/m3 khí thải,  tăng được năng suất dây chuyền từ 260.000 tấn axít H2SO4/năm lên 280.000 tấn axít H2SO4/năm. Sáng kiến tách thùng chứa hấp thụ 407 của dây chuyền axít số 3 thành 2 thùng chứa axít tuần hoàn 407A, 407B đạt hiệu quả giảm hàm lượng khí thải SO2 ra môi trường từ 2.500 mgSO2 /m3 khí thải xuống <1.500 mg SO2 /m3 khí thải. Với nhiều giải pháp sáng kiến trên đồng chí đã vinh dự được nhận Bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đạt giải nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Thọ năm 2009, Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Công thương và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Với quan điểm và triết lý sống “Dù bạn không giỏi nhất, nhưng hãy cố gắng cao nhất”. Trong năm qua đồng chí tiếp tục nghiên cứu và đưa ra nhiều giải pháp sáng kiến cải tiến kỹ thuật khác, với các đề tài: Đề tài “Nghiên cứu giải pháp công nghệ để tận thu axít H2SO4 loãng từ quá trình tái sinh các máy cation tại Bộ phận lọc nước hóa học của Xí nghiệp axít đưa quay trở lại sản xuất nhằm tiết kiệm, giảm chi phí và cải thiện môi trường làm việc và đạt mục tiêu chung sản xuất không có nước thải ra môi trường”, đã cải tạo môi trường làm việc của người lao động, đạt mục tiêu chung của Công ty sản xuất không nước thải, giá trị làm lợi 2,2 tỷ đồng/năm. Đề tài “Nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu suất chuyển hóa SO2 thành SO3 của  máy tiếp xúc, tăng năng suất dây chuyền, giảm hàm lượng SO2  trong khí thải tại Dây chuyền axít số 2”, đã làm giảm lượng khí thải ra môi trường, giá trị kinh tế làm lợi đạt được 900 triệu đồng/năm. Với các giải pháp vừa có giá trị về kinh tế và môi trường đồng chí đã vinh dự được Tỉnh Đoàn Phú Thọ đề xuất và được Trung ương đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh lựa chọn là một trong mười gương mặt trẻ tiêu biểu nhất năm 2013 để trao giải thưởng “Quả Cầu Vàng”.

Ban Tuyên giáo

Tỉnh Đoàn Phú Thọ