Đây là một trong những cách mà giới trẻ thể hiện và lan tỏa tinh thần yêu nước nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất. Đoạn clip quay lại cảnh Đặng Nhật Thiện (28 tuổi, ngụ tại TP.HCM) múa cùng 2 người bạn trên nền nhạc của bài hát Máu đỏ da vàng đang thu hút hơn 7 triệu lượt xem và hơn 400.000 lượt yêu thích trên TikTok.

Trào lưu ý nghĩa này đang được rất nhiều bạn trẻ hưởng ứng. ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Chàng trai cho biết ban đầu không nghĩ sẽ được mọi người đón nhận và cùng hưởng ứng nhiều đến như vậy. “Tụi mình cảm thấy rất vui và tự hào về điều đó. Những động tác múa khá dễ để thực hiện, lời bài thì lại vô cùng ý nghĩa, rất phù hợp để mọi người cùng hưởng ứng cho ngày kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất sắp tới”, Nhật Thiện chia sẻ.
Nhật Thiện cho biết để quay được một clip chỉn chu và cả nhóm đồng đều về động tác cũng như biểu cảm thì phải quay đi quay lại khoảng 4 - 5 lần. “Có rất nhiều cách thể hiện lòng yêu nước và chúng mình đã chọn lan tỏa điều ấy thông qua những “trend” ý nghĩa trên mạng xã hội. Mình nghĩ những điều đơn giản ấy sẽ dễ dàng tiếp cận với nhiều người xem và phần nào giúp nâng cao được tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ”, chàng trai 9X bày tỏ.
Nhân dịp cả nước đang hướng đến chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất, Nhật Thiện xúc động chia sẻ: “Mình hy vọng qua những sự kiện lịch sử của dân tộc thì mỗi người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ sẽ thêm trân trọng giá trị của độc lập, tự do và thống nhất mà chúng ta đang được hưởng. Đồng thời, thông qua sự lan tỏa mạnh mẽ của mạng xã hội, mình cũng hy vọng “trend” này không chỉ là một trào lưu nhất thời mà còn là một lời nhắc nhở thường trực về tinh thần yêu nước luôn khắc sâu trong lòng mỗi người và đặc biệt là giá trị của hoà bình”.

Đoạn clip mà Nhật Thiện đăng tải đang thu hút rất nhiều lượt tương tác. ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Cũng hưởng ứng trào lưu này nhân dịp hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất, Nguyễn Thị Thanh Mai, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội còn đầu tư trang phục và bối cảnh quay rất chỉn chu. Trong clip, Thanh Mai mặc đồ bộ đội kết hợp với nón tai bèo và cổ quàng khăn rằn tại bối cảnh là Quảng trường Ba Đình (Hà Nội).
“Lý do mình quyết định hưởng ứng “trend” này là vì muốn thể hiện lòng yêu nước. Với giai điệu sôi động, trẻ trung, lời bài hát ý nghĩa về đất nước Việt Nam, đây là một cơ hội tốt để những người trẻ như mình có thể thể hiện niềm tự hào dân tộc”, Thanh Mai chia sẻ.
Cô nàng cho biết bản thân được tập luyện nhảy múa khá nhiều nên việc học động tác để hưởng ứng “trend” không quá khó khăn. Nữ sinh cho biết: “Mình mất 15 phút để học và chỉnh động tác. Thời gian quay và chọn video thì lâu hơn. Cụ thể, mình đã quay 18 video trên nền nhạc này để chọn ra một clip chỉn chu, đẹp nhất để truyền tải đến người xem”.
Với Thanh Mai, trào lưu này rất ý nghĩa và đáng được hưởng ứng. “Mình hy vọng có thể góp phần lan tỏa tinh thần yêu nước, niềm tự hào về văn hoá và lịch sử Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất, mình muốn thể hiện sự biết ơn, trân trọng đối với những hy sinh, đóng góp của các thế hệ đi trước. Là một thế hệ trẻ mình luôn coi đó là động lực để học tập và phát triển”, Thanh Mai bày tỏ.
Còn Phạm Công Ty (22 tuổi), ngụ tại TP.HCM, thì mình hưởng ứng trào lưu múa trên nền nhạc của bài hát Viết tiếp câu chuyện hòa bình. Ty cho biết đây không chỉ là hưởng ứng “trend” mà còn là cách để thể hiện tinh thần yêu nước. “Mình chọn mặc áo Đoàn khi quay “trend” này là vì nó vừa đúng tinh thần của tuổi trẻ lại khá phù hợp với thời điểm. Qua trào lưu này, điều mà mình thấy rằng dù ở độ tuổi nào, là nam hay nữ thì tinh thần yêu nước trong mỗi người đều rất mãnh liệt”, Ty chia sẻ.
Không chỉ bạn trẻ trong nước mà cả những người trẻ ở nước ngoài cũng bày tỏ tình yêu nước của mình thông qua việc hưởng ứng trào lưu này. Đang sống và làm việc ở Nhật Bản nhưng Nguyễn Thị Hoài Nhớ (26 tuổi, quê ở tỉnh Phú Yên) và những người bạn chung câu lạc bộ nghệ thuật của cô nàng lúc nào cũng hướng về quê hương.
Hoài Nhớ chia sẻ: “Từ trước đến nay mình vẫn mang trong mình niềm tự hào sâu sắc về nơi bản thân sinh ra. May mắn là từ thời đi học hay cả khi sang Nhật Bản mình đều có cơ hội tham gia các câu lạc bộ văn nghệ và có cơ hội đem các ca khúc Việt Nam trình diễn cho bạn bè quốc tế xem. Dù ở xa nhưng chúng mình luôn hướng về quê hương đất nước. Tụi mình đã chọn trang phục áo dài trắng vì không chỉ để tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ mà khi kết hợp với khăn rằn càng làm rõ ý chí kiên cường, bất khuất của người Việt Nam”.
Theo TN