Tham dự chương trình có anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thường trực BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam; cùng đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị Trung ương Đoàn; Công ty TNHH Nước Giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam.
Anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thường trực BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam và đại diện Công ty TNHH Nước Giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam ký kết chương trình phối hợp trồng cây xanh trong giai đoạn 2021-2025 theo hình thức trực tuyến. |
Phát biểu tại chương trình, anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thường trực BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam cho biết: Hưởng ứng Đề án trồng một tỷ cây xanh của Chính phủ, thực hiện chỉ tiêu trồng mới 30 triệu cây xanh của Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI. “Ban Bí thư Trung ương Đoàn mong muốn chương trình ý nghĩa này không chỉ góp sức của tuổi trẻ Việt Nam vào công cuộc phục hồi rừng đầu nguồn, phát triển cây xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu mà thông qua đó sẽ tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên về vai trò, tầm quan trọng của cây xanh, của rừng cùng tính cấp thiết của việc trồng, bảo vệ rừng, bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên như đất, nước, không khí…”, anh Huy nói.
Anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thường trực BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam phát biểu tại chương trình. |
Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn đề nghị các cấp bộ Đoàn tích cực tuyên truyền về ý nghĩa, thông điệp của Chương trình, tập trung vào các nội dung về vai trò, tầm quan trọng của cây xanh, của rừng đối với môi trường sống, những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cùng tính cấp thiết phải trồng, chăm sóc, bảo vệ lá phổi xanh của trái đất. Tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên tham gia đăng ký tham gia “Cam kết xanh” và thực hiện các “Hành động xanh”; tham gia và lan tỏa cuộc thi ảnh “Triệu cây xanh” và tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác trồng và chăm sóc cây xanh tại chính địa phương mình.
Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, chương trình xác định mục tiêu tổ chức trồng và chăm sóc 1 triệu cây xanh rừng đầu nguồn tại các khu vực thường chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt, sạt lở,... Đồng thời, tổ chức các hoạt động nhằm tuyên truyền rộng rãi góp phần nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh thiếu niên về vai trò, tầm quan trọng của rừng đầu nguồn và (chiến dịch truyền thông, cuộc thi ảnh, giải chạy trực tuyến,...).
Trong năm 2021, chương trình dự kiến trồng 20.000 cây trồng mới rừng đầu nguồn (khoàng 20 hecta) tại Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Quang cảnh chương trình. |
Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn sẽ triển khai nhiều giải pháp sáng tạo như: Triển khai Cuộc vận động “Cam kết xanh”, phát động Cuộc thi ảnh “Triệu cây xanh” và Giải chạy “Triệu cây xanh – Vì một Việt Nam xanh”, tổ chức các chuyến tham quan rừng đầu nguồn.
Nhằm nâng cao hiệu quả chương trình, Ban Tổ chức đã triển khai Cuộc vận động “Cam kết xanh”, đoàn viên, thanh niên và người dân tham gia Cuộc vận động bằng cách truy cập địa chỉ Website: trieucayxanh.doanthanhnien.vn để đăng ký, cam kết thực hiện các “hành động xanh” cụ thể. Mỗi “hành động xanh” sẽ được “quy đổi” thành một cây xanh, đóng góp vào chương trình “Triệu cây xanh – Vì một Việt Nam xanh”.
Các đại biểu cam kết thực hiện cuộc vận động "Cam kết xanh". |
Dịp này, Ban Tổ chức đã phát động Cuộc thi ảnh “Triệu cây xanh” tại chuyên mục Cuộc thi của website: trieucayxanh.doanthanhnien.vn. . Đối tượng dự thi không giới hạn. Các thí sinh/nhóm thí sinh dự thi bằng cách gửi hai ảnh có nội dung miêu tả thực trạng trước và sau khi cải tạo cảnh quan, hoạt động trồng cây hoặc kêu gọi cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường.
Đồng thời, Trung ương Đoàn phát động Giải chạy “Triệu cây xanh – Vì một Việt Nam xanh” với hình thức marathon nhằm thúc đẩy, lan tỏa ý nghĩa của Chương trình và vận động toàn cộng đồng hiểu rõ hơn, trực tiếp tham gia Chương trình.
Đáng chú ý, khi Chương trình khép lại, Ban Tổ chức sẽ tiến hành một số hoạt động tham quan, tìm hiểu hệ sinh thái rừng đầu nguồn, các loại động, thực vật ở khu bảo tồn thiên nhiên; trải nghiệm thực tế việc sử dụng “bẫy ảnh” để ghi chép, theo dõi một số loại động, thực vật đặc hữu...
Minh Kiệt