Mô hình "Tủ bánh mì 0 đồng" của thầy Tùng đã hỗ trợ bữa ăn sáng cho hơn 200 học sinh đồng bào dân tộc thiểu số tại các điểm trường và người dân nghèo nơi đây. Thầy Tùng cũng là người xây dựng mô hình "Trao sinh kế cho học sinh nghèo" bằng việc hỗ trợ nuôi đàn bò để các em có tiền đi học. Ngoài ra, anh còn vận động mạnh thường quân, tổ chức, cá nhân hảo tâm quyên góp những phần quà có giá trị để học sinh và gia đình các em duy trì cuộc sống như hỗ trợ bò, dê sinh sản, gạo cứu đói mùa giáp hạt…
Thầy Tùng sinh ra và lớn lên ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Lịch sử tại trường Đại học Đà Lạt anh đã về công tác tại trường vùng 3 ở huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Đến nay, anh đã gắn bó với ngôi trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) đến nay đã hơn 8 năm.
Thầy giáo Vũ Văn Tùng được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương |
Trường thầy Tùng công tác đóng ở 2 xã khó khăn xa xôi, heo hút, có hơn 90% dân số là dân tộc Ba Na. 8 năm dạy học ở đây, anh thấy cứ nửa buổi học là học sinh lại trốn về. Anh đến tận nhà tìm hiểu thì mới biết do các em đói bụng, về nhà kiếm cái ăn. Điều này khiến thầy Tùng và đòng nghiệp suy nghĩ và quyết định phải làm gì đó để níu giữ các em đến trường nên đã thành lập “Tủ bánh mì 0 đồng” cho đến nay.
Để học trò không bỏ học giữa chừng, thầy Tùng cũng chẳng ngần ngại mang bao đi xin từng lon gạo. "Có lần tôi vào đúng nhà đồng nghiệp. Tôi mở thùng gạo ra chỉ còn một ít thôi nhưng thầy giáo bảo tôi cứ đổ tất vào bao mang về cho các em", thầy Tùng xúc động chia sẻ.
Thầy Tùng cho biết thêm, có lẽ nhiều người không tin nhưng vẫn còn nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số đang tuổi ăn tuổi lớn mà phải sống trong sự lo lắng cơm không đủ no, quần áo không đủ ấm. Ngày mùa, chúng vắng lớp liên tục vì phải theo cha mẹ lên nương rẫy hoặc nghỉ học giữa chừng bởi quan niệm cổ hủ, lạc hậu đã ăn sâu vào tập quán. Tận mắt chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của học trò càng thôi thúc anh phải làm điều gì đó thiết thực cho các em.
Thầy giáo Vũ Văn Tùng (giữa) trong một chương trình giao lưu |
Nghĩ là làm, bên cạnh làm thật tốt công việc chuyên môn truyền dạy kiến thức, thầy Tùng có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống cho học sinh. Anh đi gần trăm cây số mỗi ngày, đến tận nhà chở học sinh đến lớp hay ra tận chòi rẫy xa, ở lại đêm để vận động học sinh đi học. Vì vậy, những lớp do thầy Tùng làm chủ nhiệm không có trường hợp học sinh bỏ học giữa chừng.
Sự tận tụy của thầy Tùng giúp nhiều thế hệ học trò xã Pờ Tó, huyện Ia Pa trưởng thành, có cuộc sống khá hơn. Mỗi khi nhắc đến thầy Tùng dân làng BaNa thường gọi anh bằng cái tên trìu mến như người con của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Còn với những học trò, anh vừa là thầy vừa là người cha, người mẹ.
Giờ đã là sinh viên năm thứ 4 trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) nhưng Thúy Vân chưa từng quên tấm lòng, sự tận tụy của thầy Tùng cũng là giáo viên chủ nhiệm những năm còn học THCS của cô gái trẻ.
“Đối với tất cả học sinh, thầy Tùng dạy dỗ, chỉ bảo tận tâm với từng bài giảng. Thầy như một người mẹ, người cha, lo từng bữa ăn sáng, từng cái bút, cuốn sách, cuốn vở cho học sinh. Thầy còn nghĩ xa hơn là lo cả kinh tế gia đình cho học sinh, tặng con bò nuôi để chúng em có tiền đi học. Thật không nói hết sự kính trọng, biết ơn người thầy như người mẹ của em", bạn Thúy Vân xúc động chia sẻ.
Theo Tuổi Trẻ |