Tự làm chủ thời công nghệ, tại sao không?: Bí quyết để thành công

(CTG) Trong quá trình tự làm chủ, làm thế nào để tăng khả năng thành công; đồng thời tránh tình cảnh "sớm nở tối tàn", thất bại liên miên dẫn đến nợ nần là vấn đề nhiều người quan tâm.

Cơ hội và thách thức

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, nguyên Giám đốc R&D Viện Nghiên cứu khoa học lãnh đạo và quản trị doanh nghiệp TP.HCM, nguyên Phó trưởng khoa Tài chính - Kế toán - Ngân hàng Trường ĐH Công thương TP.HCM, khởi nghiệp, tự làm chủ đang trở thành "cơn sốt" nhưng không phải ai cũng hiểu rõ bản chất và những thách thức của con đường này.

Tự làm chủ thời công nghệ, tại sao không ?: Bí quyết để thành công- Ảnh 1.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, việc tự làm chủ đang mang đến rất nhiều cơ hội cho người trẻ. ẢNH: CHUYÊN GIA CUNG CẤP

"Tôi không phủ nhận việc tự làm chủ đang mang đến rất nhiều cơ hội cho người trẻ. Sự phát triển của công nghệ, hỗ trợ của nhà nước, xã hội... tất cả tạo nên môi trường thuận lợi hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể nắm bắt được những cơ hội này", ông Dũng cho hay.

Vị chuyên gia nhấn mạnh nhiều bạn trẻ đang có cái nhìn quá màu hồng về khởi nghiệp. "Họ nghĩ rằng chỉ cần có một ý tưởng hay, chút vốn liếng và vài người bạn đồng hành là có thể thành công. Tuy nhiên, thị trường ngày càng trở nên cạnh tranh hơn, đòi hỏi bạn phải có sản phẩm, dịch vụ thực sự khác biệt, chiến lược kinh doanh hiệu quả và đội ngũ thực sự mạnh. Nếu không có những yếu tố này, bạn sẽ rất dễ bị đánh bật khỏi thị trường", ông Dũng cảnh báo.

Ông Dũng cho biết thêm thời buổi hiện nay có rất nhiều lĩnh vực, sản phẩm tiềm năng để khởi nghiệp. Tuy nhiên, không nên chạy theo trào lưu, mà hãy chọn cái mình thực sự giỏi và đam mê. Ông cũng nhấn mạnh không có lĩnh vực nào là "dễ ăn". Dù chọn lĩnh vực nào cũng phải đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt và thách thức không ngừng.

Tự làm chủ thời công nghệ, tại sao không ?: Bí quyết để thành công- Ảnh 2.

Theo các chuyên gia, việc người trẻ tự làm chủ là cơ hội lẫn thách thức. ẢNH: P.A.V

"Thành công chỉ đến với những người thực sự giỏi, đam mê và nỗ lực. Nếu bạn không có những yếu tố này thì dù chọn lĩnh vực, sản phẩm, ngành nghề nào, bạn cũng sẽ thất bại", ông Dũng khẳng định.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thị Mỹ Nương, Tổng giám đốc Công ty TNHH đào tạo lãnh đạo và dịch vụ phát triển bền vững, cũng cho rằng trong thời buổi kinh tế hiện nay, việc người trẻ tự làm chủ vừa là cơ hội lẫn thách thức.

Tự làm chủ thời công nghệ, tại sao không ?: Bí quyết để thành công- Ảnh 3.

Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Thị Mỹ Nương, để thành công trên con đường tự làm chủ, trước tiên người trẻ cần xác định rõ mục tiêu và đam mê. ẢNH: CHUYÊN GIA CUNG CẤP

Về cơ hội, bà Nương phân tích: "Sự linh hoạt, thích ứng nhanh, tinh thần dám nghĩ dám làm là thế mạnh của các bạn trẻ. Cộng thêm sự phát triển của công nghệ, hỗ trợ của nhà nước và xã hội, nhu cầu, xu hướng thị trường đa dạng, không ngừng đổi mới… Tất cả tạo nên môi trường thuận lợi cho người trẻ tự làm chủ".

Cách để tự làm chủ thành công và bền vững

Theo ông Trần Bằng Việt, chuyên gia tư vấn cấp cao Đông A Solutions - Chủ tịch Neo Academy, trước khi tự làm chủ, người trẻ cần chuẩn bị kỹ lưỡng cả về tư duy lẫn thực tiễn.

"Hãy trang bị hiểu biết về lĩnh vực bạn muốn tham gia, từ cách vận hành doanh nghiệp, quản lý tài chính đến kỹ năng bán hàng và tiếp thị. Cần có tâm thế sẵn sàng vì khi tự làm chủ không phải là công việc 8 tiếng/ngày. Bạn cần chuẩn bị tinh thần cho áp lực, sự không chắc chắn và cả những thất bại. Đồng thời, chuẩn bị nguồn lực tài chính đủ để duy trì hoạt động trong ít nhất 6 - 12 tháng đầu, khi doanh nghiệp chưa có lãi", ông Việt phân tích và khuyến nghị: "Cần xây dựng mạng lưới quan hệ, kết nối với những người đi trước, đồng nghiệp hoặc cố vấn sẽ giúp bạn tránh được nhiều sai lầm không đáng có. Trước khi đầu tư lớn, hãy thử nghiệm ý tưởng của mình ở quy mô nhỏ để kiểm tra tính khả thi và phản hồi từ thị trường".

Tự làm chủ thời công nghệ, tại sao không ?: Bí quyết để thành công- Ảnh 4.

Theo chuyên gia Trần Bằng Việt, trước khi tự làm chủ, người trẻ cần chuẩn bị kỹ lưỡng cả về tư duy lẫn thực tiễn. ẢNH: CHUYÊN GIA CUNG CẤP

Dựa trên hành trình của bản thân và những gì đã chứng kiến khi hỗ trợ các doanh nhân trẻ, với ông Việt, để tự làm chủ thành công và bền vững cần kết hợp giữa tư duy chiến lược, sự kiên trì và khả năng thích nghi. Sự phát triển bền vững không chỉ là sống sót qua những năm đầu mà còn là khả năng phát triển mạnh mẽ trong dài hạn. Điều này đòi hỏi cân bằng giữa lợi ích kinh tế, trách nhiệm xã hội và đam mê cá nhân.

Ông Việt lưu ý: "Cần xác định rõ giá trị cốt lõi và mục tiêu dài hạn vì đó là nền tảng để xây dựng một mô hình kinh doanh bền vững. Đồng thời, cần lập kế hoạch thực tế về tài chính, vận hành và tiếp thị, nhưng phải linh hoạt, sẵn sàng điều chỉnh khi thị trường thay đổi. Bên cạnh đó, nên tìm những cộng sự có chung tầm nhìn để bổ trợ, chia sẻ và đừng quên tập trung vào việc lắng nghe, thấu hiểu, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Khởi nghiệp là một hành trình dài, đầy thử thách, hãy chuẩn bị tinh thần vượt qua thất bại và có kế hoạch dự phòng để giảm thiểu rủi ro".

Về yếu tố quan trọng nhất trong quá trình tự làm chủ, theo ông Việt đó là sự kiên trì. "Tài năng, ý tưởng hay vốn đều quan trọng, nhưng nếu bỏ cuộc khi gặp khó khăn, mọi thứ sẽ dừng lại. Kiên trì giúp bạn học hỏi được từ sai lầm, điều chỉnh chiến lược và đi đến đích cuối cùng. Tôi đã thấy nhiều người trẻ có tiềm năng lớn nhưng thất bại chỉ vì thiếu sự bền bỉ", ông chia sẻ.

Còn theo bà Nương, để thành công trên con đường tự làm chủ, trước tiên người trẻ cần xác định rõ mục tiêu và đam mê. "Hãy tự hỏi tại sao mình muốn khởi nghiệp và có thật sự đam mê với lĩnh vực đó không. Vì nếu không có mục tiêu rõ ràng và đam mê thì rất dễ từ bỏ khi gặp khó khăn. Hãy định vị bản thân, phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức để có góc nhìn tổng hợp và quyết định phù hợp nhất", bà nói.

Bên cạnh đó, bà Nương khuyến nghị cần nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng trước khi khởi nghiệp. Bằng cách tìm hiểu về đối tượng khách hàng mục tiêu, đối thủ cạnh tranh, xu hướng thị trường. Vì nếu không sẽ rất dễ đưa ra những quyết định sai lầm. Hơn nữa, cần xây dựng kế hoạch kinh doanh chi tiết vì đây là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của doanh nghiệp.

"Một kế hoạch kinh doanh chi tiết, bao gồm các nội dung như mô tả sản phẩm, dịch vụ, phân tích thị trường, chiến lược marketing, kế hoạch tài chính… Nếu không có kế hoạch rõ ràng, rất dễ bị lạc lối. Đồng thời, phải quản lý tài chính chặt chẽ vì đây là yếu tố sống còn của mọi doanh nghiệp. Hãy học cách quản lý dòng tiền, kiểm soát chi phí, lập báo cáo tài chính… Nếu không sẽ dễ rơi vào tình trạng doanh thu nhiều mà lợi nhuận ít hoặc nợ nần, phá sản", bà Nương cho biết.

Theo TN