Làm công tác xã hội, tôi luôn nhớ điều mẹ nói và rất nhiều lần lập lại như dặn dò: "Con à việc chia sẻ, giúp đỡ đến với người khác khi họ gặp khó khăn, hoạn nạn là rất cần thiết, hãy mở rộng lòng trong khả năng... Cho đi là luôn còn lại".
Khi bước vào tuổi thanh niên sau này, thông qua sinh hoạt, phong trào, các đợt vận động của các tổ chức đoàn thể tại các nơi đã làm việc, công tác với tư cách là hội viên, đoàn viên tích cực, tôi luôn tự nguyện tham gia, đi đầu trong các hoạt động và công tác xã hội, cũng từ đây được hiểu biết nhiều hơn và yêu thích công tác xã hội...
Với riêng tôi làm công tác xã hội là việc giúp đỡ những người, gia đình hay cộng đồng được xem là yếu thế, thiệt thòi, đang gặp khó khăn, hoạn nạn, thử thách để họ vượt qua, vươn lên, hoà nhập, góp phần ổn định cuộc sống, qua đó càng giành thêm nhiều tình cảm cả việc làm tự nguyện. Theo dòng thời gian, tôi nhận thấy rằng qua công tác xã hội mình được trải nghiệm, gần gũi, chia sẻ, thân mến hơn mọi người và cuộc sống, được các đoàn thể, cơ quan, tổ chức ghi nhận.
Tôi có gần 60 lần trực tiếp tham gia và vận dộng nhiều người hiến máu nhân đạo được nhận Kỷ niệm chương của T.Ư Hội chữ thập đỏ Việt Nam và các giấy khen của thành phố, tỉnh. Trong khả năng dù ít, nhưng tôi luôn mở lòng đóng góp khi có vận động, kêu gọi từ các tổ chức, cơ quan như chăm lo các đối tượng chính sách, người nghèo, người khuyết tật đang gặp khó khăn hoạn nạn… Tôi còn lưu lại rất nhiều biên nhận, thư cảm ơn, có lẽ cũng qua đây góp phần cho những giấy khen, huy hiệu, huy chương cao quý được tặng từ T.Ư Đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam… Đây chính là một niềm vui nhỏ, luôn động viên khi tuổi đã lớn và không khác lắm với niềm vui tuổi niên thiếu ngày xưa mỗi khi hoài niệm… thì ra điều mà mẹ dặn vẫn nguyên giá trị, hiện hữu.
Dù đã nghĩ hưu, tôi không còn điều kiện so với trước nhưng vẫn quan tâm theo dõi, vẫn dành tình cảm, thời gian có thể tham gia công tác xã hội qua những việc cụ thể, tuy nhỏ bé. Nhớ lại trước và ngay sau đại dịch Covid-19, tôi đã chung tay ủng hộ với các quỹ; các chương trình qua Báo Thanh Niên (như: Cùng con đi tiếp cuộc đời; Hỗ trợ nạn nhân vụ cháy chung cư ở Hà Nội, đóng góp chuyên mục: Lá lành đùm lá rách, Nghị lực mùa thi…)
Trong khả năng của mình, tôi luôn chung tay với các công việc tại địa phương, cũng có người thấy và nói sao hay "ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng" hoặc làm việc "bao đồng" có thể hiểu là làm những việc không công, không có lợi cho cá nhân. Tôi nghe, nở nụ cười và nói: "Mình thích làm vậy".
Cũng như rất nhiều người yêu mến và đến với công tác xã hội, tôi không vụ lợi với mong muốn được sẻ chia, hỗ trợ, giúp đỡ những gì có thể với người khác, với cộng đồng mà đang cần góp sức để vượt qua khó khăn thử thách, nghịch cảnh trước mắt hay cần thời gian nhất định. Nếu được thêm mong muốn khác, từ những suy nghĩ, tình cảm chân thành nêu trên, tôi chỉ mong được xem đây là những trao đổi, chia sẻ đến với nhiều bạn trẻ hiện đang đến với công tác xã hội bằng tình thương mến thương, cho đi luôn là còn lại.
Mời tham gia cuộc thi viết và ảnh 'Công tác xã hội trong trái tim tôi'
Báo Thanh Niên và Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên Việt Nam phát động cuộc thi viết và thi ảnh "Công tác xã hội trong trái tim tôi".
Nội dung bài dự thi: Bài viết, hình ảnh mang tính biểu dương, tuyên truyền về ngành công tác xã hội tại Việt Nam nói chung; những tấm gương đang công tác tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm công tác xã hội và các nhân viên công tác xã hội tại cộng đồng có hoạt động, việc làm thiết thực, mô hình hiệu quả trong trợ giúp, cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng yếu thế trên cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài (nếu có). Các bài viết, hình ảnh thể hiện góc nhìn đa chiều của tác giả về ngành công tác xã hội hoặc các khoảnh khắc đẹp liên quan đến quá trình làm công tác xã hội.
Đối với tác phẩm thi viết: Tác phẩm dự thi được viết bằng tiếng Việt không quá 1.000 chữ, khuyến khích đính kèm ảnh minh họa của chính tác giả hoặc ảnh có bản quyền do tác giả cung cấp.
Tác phẩm dự thi phải là sáng tác mới của chính tác giả, không được sao chép trên mạng hay sao chép từ người khác.
Tấm gương được nêu trong bài dự thi phải là người thật, việc thật, có địa chỉ rõ ràng, có sức lan tỏa, có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng, xã hội được cơ quan, đơn vị, chính quyền ghi nhận.
Mỗi tác giả, nhóm tác giả được gửi nhiều tác phẩm tham dự cuộc thi phù hợp với yêu cầu và điều kiện đã nêu.
Đối với thi ảnh: Tác phẩm dự thi thể hiện góc nhìn đa chiều của tác giả về ngành công tác xã hội hoặc các khoảnh khắc đẹp liên quan đến quá trình làm công tác xã hội.
Ảnh dự thi là ảnh màu hoặc trắng đen, được chụp bằng máy ảnh, điện thoại di động hoặc các thiết bị kỹ thuật số khác. Ảnh được quyền chỉnh sửa cơ bản về ánh sáng và màu sắc nhưng không được cắt, ghép làm sai sự thật (trường hợp cần thiết, Ban tổ chức sẽ yêu cầu tác giả nộp file gốc để kiểm chứng thông tin).
Ảnh được chụp trong khoảng thời gian từ ngày 1.1 - 31.7.2024 (thời hạn cuối nhận tác phẩm dự thi) và phải ghi rõ bối cảnh, thời gian, tiêu đề.
Mỗi bức ảnh gửi dự thi phải kèm theo một tiêu đề giới thiệu cho nội dung bức ảnh.
Tác phẩm dự thi phải là ảnh mới của chính tác giả, không được sao chép trên mạng hay sao chép từ người khác.
Thời hạn gửi bài dự thi: Từ ngày 12.4 - 31.7.2024.
Cách thức gửi bài dự thi: Gửi qua email của chương trình: congtacxahoi@thanhnien.vn
Giải thưởng
Cuộc thi viết: 1 giải nhất (15 triệu đồng); 2 giải nhì (8 triệu đồng/giải); 3 giải ba (6 triệu đồng/giải); 5 giải khuyến khích (3 triệu đồng/giải); 1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (gồm lượt xem và lượt thích trên nền tảng thanhnien.vn): 5 triệu đồng.
Cuộc thi ảnh: 1 giải nhất (15 triệu đồng); 1 giải nhì (8 triệu đồng); 1 giải ba (6 triệu đồng); 3 giải khuyến khích (3 triệu đồng/giải); 1 giải ảnh dự thi được bạn đọc yêu thích (gồm lượt xem và lượt thích trên nền tảng thanhnien.vn): 5 triệu đồng.
Theo TN