Từ Quảng Bình đến Dubai: Hành trình công nghệ "ngoạn mục" của chàng trai 9x

(CTG) Hoàng Khắc Hiếu chạm tay lần đầu vào máy tính năm 4 tuổi, anh mày mò với Paint, Word... rồi dần đắm chìm trong lập trình. Hơn 20 năm sau, chàng kỹ sư trẻ góp phần đưa công nghệ Việt vươn ra toàn cầu.

Nửa thế kỷ trước, đất nước Việt Nam bước ra từ khói lửa chiến tranh với vô vàn "vết thương" và một nền kinh tế lạc hậu.

Trong bản đồ công nghệ thế giới khi ấy, cái tên Việt Nam gần như không hiện diện.

Thế nhưng 50 năm sau ngày thống nhất đất nước, những điều tưởng chừng không thể lại dần thành hiện thực. Những sản phẩm công nghệ "Make in Vietnam" - do chính người Việt thiết kế, phát triển và làm chủ - đã cạnh tranh sòng phẳng với các ông lớn công nghệ, để xuất hiện ở những cường quốc công nghiệp.

Những công nghệ ấy không xuất hiện như một phép màu. Chúng được tạo nên bởi những người trẻ sinh ra sau chiến tranh, lớn lên trong hòa bình - những con người chọn thay đổi hình ảnh Việt Nam bằng chính tư duy công nghệ và khát vọng đổi mới.

Một trong số họ là Hoàng Khắc Hiếu - kỹ sư sinh năm 1996, người đang đứng sau loạt giải pháp công nghệ được xuất khẩu sang nhiều quốc gia phát triển.

Từ vùng đất nắng gió Quảng Bình đến bàn thuyết trình tại Tòa thị chính Dubai, hành trình của Hiếu là một lát cắt tiêu biểu cho thế hệ mới của Việt Nam: tự tin, bản lĩnh, và đủ tầm để viết nên câu chuyện toàn cầu bằng chính trí tuệ Việt.

Có người tìm thấy đam mê từ một bài giảng. Có người bắt đầu từ một thần tượng. Còn với anh, khoảnh khắc nào đã kéo anh vào thế giới công nghệ?

- Một điều may mắn khi tôi được tiếp xúc với máy tính từ năm 4 tuổi, cảm giác được khám phá điều mới lạ khiến tôi cứ mày mò bất kể ngày đêm.

Sinh ra tại Đồng Hới, Quảng Bình tôi dường như là một trong những người được tìm hiểu thế giới công nghệ sớm nhất so với bạn bè đồng trang lứa.

Thời điểm đó, cậu của tôi công tác trong ngành giáo dục mảng đào tạo về công nghệ thông tin (CNTT) tại ngôi trường địa phương. Dàn máy tính mang hệ điều hành Windows 95 dù chỉ có vài ứng dụng cơ bản vẫn đủ sức mê hoặc trí tò mò trong tôi.

Trong mắt tôi lúc ấy, nó giống như một cánh cổng dẫn đến một thế giới kỳ lạ. Tôi ngồi trước màn hình, say sưa khám phá từng biểu tượng nhỏ xíu trên màn hình desktop.

Mải mê với từng tính năng của Paint, Word, Excel rồi cả những trò chơi có sẵn, tôi thầm nghĩ sau này mình sẽ làm công việc gắn bó với chiếc máy tính.

Lên cấp hai, tôi bước vào thế giới lập trình với ngôn ngữ Pascal, trở thành thành viên đội tuyển chuyên Tin của Trường THPT chuyên Quảng Bình.

Từ những dòng code đầu tiên, tôi cảm nhận rõ ràng: đây là nơi mình thuộc về.

Tôi đã có những trái ngọt đầu tiên khi giành được giải Nhất cấp tỉnh suốt những năm cấp 2, cấp 3.

Đã có lúc nào anh nghĩ mình sẽ rẽ hướng sang ngành khác?

- Có chứ. Đứng trước ngưỡng cửa đại học, cảm thấy mình đã khám phá đủ sau gần 8 năm gắn bó với những dòng code, tôi có chút phân vân về ngành tự động hóa.

Dưới sự tư vấn của gia đình, tôi ngẫm lại, định hướng từ nhỏ đã dẫn tôi đến đam mê này, nắm được thế mạnh của mình ở đâu, tôi theo học ngành CNTT (Đại Học Bách Khoa Hà Nội).

Tiếp xúc với công nghệ thông tin từ rất sớm chắc hẳn anh có "xuất phát điểm" khá thuận lợi khi học tại Đại Học Bách Khoa Hà Nội?

- Những bước đầu chệnh choạng với môn đại cương khiến tôi gặp chút khó khăn nhưng khi bước vào chuyên ngành tôi tự tin với những gì mình đã tích lũy được.

Có thời gian lập trình khá dài, tôi xây dựng được hệ tư duy về chuyên ngành. Được quay lại với "sân chơi" của mình tôi hiểu rõ bản chất của vấn đề và tiếp thu kiến thức một cách nhanh chóng.

Ngoài những giờ học trên lớp, tôi còn thực hiện một vài dự án cá nhân mang tính thử nghiệm cao cùng bạn bè để nâng cao kỹ năng một cách chủ động.

"Đứa con tinh thần" đầu tay là một ứng dụng đặt xe tải nhỏ, xe ba gác chở hàng, tương tự như mô hình của Grab hay Uber thời điểm bấy giờ đang rất thịnh hành.

Mục đích chính là để tự mình trải nghiệm, hiểu rõ hơn về quy trình xây dựng một ứng dụng hoàn chỉnh và khám phá những kiến thức, công nghệ cần thiết để hiện thực hóa những ý tưởng đó.

Song song đó, tôi cũng tham gia công tác Đoàn trường. Không phải để "làm đẹp hồ sơ", mà để trải nghiệm nhiều vai trò khác nhau. Tôi tin rằng: để giải quyết một vấn đề tốt, trước hết phải hiểu được nó từ nhiều góc nhìn.

Triết lý ấy đến giờ vẫn theo tôi trong công việc luôn nhìn một giải pháp không chỉ từ phía kỹ thuật, mà còn từ cảm xúc, từ nhu cầu thực sự của người dùng.

Con đường đến với Viettel Solutions của cậu sinh viên Bách Khoa đã diễn ra như thế nào?

- Có lẽ là khát khao được thử lửa. Ngay từ năm ba đại học, tôi đã chủ động tìm kiếm môi trường có thể "dội gáo nước lạnh" vào mình. Không phải để dập tắt đam mê, mà để tôi biết mình còn thiếu gì để lớn.

Viettel khi ấy là cái tên tôi nghĩ đến đầu tiên.

May mắn mỉm cười khi tôi nắm bắt được cơ hội thực tập tại đây (Viettel Smart) với vai trò tham gia vào công tác phát triển hệ điều hành điện thoại dành cho thiết bị điện thoại bảo mật.

Khi chứng minh được chuyên môn và năng lực phối hợp đội nhóm, tôi được nhận chính thức sau 2 năm thực tập.

Tuy nhiên định hướng của tôi lại về phát triển phần mềm, năm 2019 tôi gia nhập Viettel Solutions.

Ở đây, tôi có cơ hội lớn hơn để sáng tạo. Mọi ý tưởng đều có đất để thử nghiệm, mọi giải pháp đều được đánh giá bằng hiệu quả thực tế.

Từ một thực tập sinh, rồi nhân viên chính thức, tôi từng bước chứng minh được rằng: tuổi tác không phải rào cản, nếu bạn có tư duy đủ sâu và tinh thần học hỏi đủ lớn.

Anh đã chủ trì triển khai hệ thống "Luồng Xanh" trong giai đoạn dịch Covid-19. Một dự án cấp bách và đặc biệt quan trọng. Thời điểm đó, ý tưởng cho hệ thống này đến với anh như thế nào?

- Đây là dự án đặc biệt để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. Trong bối cảnh cả nước đang gồng mình chống dịch bệnh Covid-19, hầu hết mọi người đều cách ly tại nhà và làm việc theo hình thức trực tuyến.

Các phương tiện giao thông vận tải hàng hóa, nhất là nhu yếu phẩm được xem là huyết mạch để duy trì sự vận hành của xã hội lại gặp vô vàn trở ngại.

Sự khác biệt trong quy định giữa các tỉnh, nơi "mở", nơi "đóng" đã tạo ra những nút thắt, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, đặt ra yêu cầu cấp bách về một hệ thống, một cơ chế thông suốt trên phạm vi cả nước.

Hệ thống đã được phát triển, xây dựng từ trước nhưng gặp vấn đề liên quan đến hiệu năng vì quy mô người dùng quá lớn.

Giữa lúc đấy Viettel nhận được yêu cầu hỗ trợ, ban giám đốc công ty tổ chức nhóm "taskforce" để xử lý vấn đề.

Bài toán đặt ra: phải xây dựng một hệ thống điều phối, cấp phép xe lưu thông trên toàn quốc nhanh, chuẩn, và không được phép sai.

Bài toán này bắt buộc phải được giải xong trong vòng 2 tuần.

Hai tuần đó hẳn là một cuộc đua nghẹt thở?

- Không chỉ đua, mà là sống cùng nó. Chúng tôi ăn ngủ cùng "luồng xanh". Có lúc code đến 3 giờ sáng, chợp mắt ghế sofa rồi bật dậy lúc 6 giờ để họp nhóm. Chưa từng có một dự án nào trước đó yêu cầu cao đến vậy, cả về tốc độ và trách nhiệm xã hội.

Ròng rã cùng "luồng xanh", chúng tôi đã dốc sức áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất để phát triển hệ thống. Với tinh thần "chống dịch như chống giặc" sản phẩm được hoàn thành đúng tiến độ.

Ngày chạy thử đầu tiên, tôi như nín thở. Đây là lần đầu tiên chúng tôi áp dụng cùng lúc nhiều công nghệ mới mà trước đó chưa từng được thử nghiệm thực tế.

Nhưng rồi, hệ thống vận hành ổn định, số lượng người dùng tăng từng giờ và nó vẫn chạy mượt. Tôi không thể quên khoảnh khắc ấy. Cả đội ngồi nhìn nhau lặng im vài giây rồi ôm nhau vỡ òa.

Hệ thống cấp phép điện tử ra đời khắc phục tình trạng làm giả giấy tờ. Việc liên kết trực tiếp với thông tin bằng lái và đăng ký xe, giúp xác thực nhanh chóng, đảm bảo các phương tiện được phép lưu thông trong đại dịch.

Là thế hệ được sinh ra trong hòa bình, anh nhìn nhận thế nào về sự chuyển mình của công nghệ Việt Nam sau 50 năm thống nhất?

- Tôi nghĩ, thế hệ chúng tôi đang thừa hưởng một nền tảng mà cha ông đã đánh đổi bằng máu và nước mắt để gìn giữ. Nếu như 50 năm trước, đất nước còn đang khôi phục từng cây cầu, dựng lại từng nhà máy, thì giờ đây, chúng ta đang bàn đến trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và thiết kế vi mạch. Đó là một bước tiến rất xa.

Tôi thuộc thế hệ lớn lên trong những năm Việt Nam bắt đầu có Internet, chứng kiến từ lúc cả xóm chỉ có một máy tính đến thời điểm AI Việt được xuất khẩu ra nước ngoài.

Với tôi, công nghệ Việt đã đi được một chặng đường dài, từ chỗ học hỏi đến dám làm, từ làm thuê đến sáng tạo và xuất khẩu sản phẩm "có bản sắc riêng".

Nếu thế hệ trước đã chiến đấu để thống nhất đất nước, thì thế hệ chúng tôi đang nỗ lực đưa trí tuệ Việt đặt lên bản đồ công nghệ thế giới.

Tôi tin rằng, công nghệ Việt đang chuyển từ "mang đi giới thiệu" sang "được thị trường tìm đến". Và để làm được điều đó, ngoài năng lực, điều quan trọng là chúng ta phải thay đổi tư duy: đừng chỉ nghĩ làm tốt ở trong nước là đủ, mà phải đặt câu hỏi "sản phẩm này liệu có thể đứng được ở thị trường quốc tế không?".

Với một kỹ sư trẻ đang phát triển sản phẩm cho thị trường quốc tế, anh nhìn nhận thế nào về cơ hội của công nghệ Việt trong việc vươn ra biển lớn.

- Tôi nghĩ chúng ta đang có một cơ hội hiếm có trong lịch sử không phải để theo sau, mà để sánh ngang, thậm chí đi trước.

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã định hướng rõ ràng cho công nghệ Việt Nam, tập trung vào đổi mới sáng tạo và "đi tắt đón đầu". Mục tiêu là làm chủ những công nghệ tiên tiến, xây dựng thành sức mạnh cạnh tranh quốc gia.

Trong lĩnh vực công nghệ, có những cuộc đua không cần đi qua tất cả các nấc thang. Nếu nắm bắt đúng xu hướng, đầu tư đúng điểm rơi, chúng ta hoàn toàn có thể rút ngắn khoảng cách với thế giới.

Chúng ta có lợi thế lớn về tư duy toán học, kỹ năng lập trình, và đặc biệt là khả năng thích nghi nhanh. Lực lượng kỹ sư Việt có thể chưa đông, nhưng họ rất nhạy bén, đây là yếu tố cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên công nghệ biến đổi liên tục.

Với những lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) hay định hướng phát triển công nghiệp vi mạch, nếu Việt Nam có thể làm chủ hoàn toàn, chúng ta sẽ tạo ra những sản phẩm công nghệ mang tầm vóc toàn cầu.

Điển hình như sản phẩm Camera AI tích hợp 5G do đội ngũ chúng tôi phát triển. Với khả năng xử lý các bài toán phức tạp và cấu hình AI linh hoạt, sản phẩm đã gây ấn tượng mạnh tại thị trường Trung Đông, đặc biệt là Dubai.

Trong buổi trình diễn tại Tòa thị chính Dubai, trước sự chứng kiến của 20 chuyên gia CNTT, chúng tôi đã tự tin giới thiệu và giải đáp mọi thắc mắc kỹ thuật. Sản phẩm đã được đánh giá cao về hàm lượng công nghệ và khả năng đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Sản phẩm công nghệ do anh và đội ngũ phát triển đã được xuất khẩu và chinh phục thị trường quốc tế (từ Peru, Dubai cho đến khu vực ASEAN). Theo anh, sáng tạo có phải là yếu tố then chốt tạo nên thành công đó?

- Chính xác, chúng tôi tiếp cận theo hướng thiết bị thông minh vì AI xử lý tập trung tốn rất nhiều chi phí để xử lý. OpenAI phải đầu tư hệ thống hạ tầng lên tới hàng tỷ đô.

Sự sáng tạo đột phá của chiếc camera AI này nằm ở việc tích hợp trí tuệ nhân tạo ngay trên thiết bị, giúp tối ưu hóa hiệu năng mà không cần đến hạ tầng xử lý tốn kém.

Chúng tôi đã tận dụng triệt để lợi thế hạ tầng 5G, cho phép camera hoạt động độc lập, kết nối dữ liệu không dây, dễ dàng lắp đặt ở mọi nơi, thậm chí cả những khu vực chỉ có nguồn năng lượng mặt trời.

Điều này mở ra một loạt ứng dụng mạnh mẽ trong quản lý giao thông thông minh, từ nhận diện biển số, đếm phương tiện đến phát hiện vi phạm, cung cấp dữ liệu giá trị cho việc điều hành giao thông đô thị và xây dựng nền tảng cho các thành phố hiện đại.

Sản phẩm của chúng tôi không chỉ là một chiếc camera, mà là một giải pháp toàn diện cho giao thông thông minh.

Viettel Solutions có định hướng như thế nào để mở rộng thị trường quốc tế trong lĩnh vực này?

- Chúng tôi đang hướng đến việc kết nối camera với đèn tín hiệu giao thông để tối ưu hóa chu kỳ đèn, tạo ra "làn sóng xanh" giúp xe di chuyển thông suốt.

Việc xây dựng bản đồ giao thông trực tuyến chính xác hơn được thực hiện bằng cách tổng hợp dữ liệu từ nhiều nguồn như GPS xe buýt và hệ thống camera.

Ưu điểm của phương pháp này là dữ liệu được quản lý tại Việt Nam, đảm bảo độ tin cậy cao và không phụ thuộc vào các nền tảng nước ngoài. Mục tiêu của chúng tôi là dùng công nghệ để hỗ trợ giao thông một cách chủ động và hiệu quả nhất.

Khi đưa công nghệ ra thế giới, anh đã gặp phải những thách thức nào và bài học cho các doanh nghiệp và nhà phát triển tại Việt Nam?

- Thách thức lớn nhất là không hiểu rõ luật chơi tại sân khách. Mỗi quốc gia có một bộ quy định riêng từ pháp lý, chuẩn kỹ thuật cho đến văn hóa sử dụng sản phẩm. Nếu không tìm hiểu kỹ, chỉ cần một chi tiết nhỏ sai lệch cũng có thể khiến cả dự án bị đình trệ.

Chúng tôi nhận ra cần phải hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác địa phương để đảm bảo mọi thứ diễn ra suôn sẻ.

Ví dụ, khi triển khai hệ thống Camera AI tích hợp 5G tại Dubai, chúng tôi phải tái cấu hình toàn bộ thuật toán xử lý vi phạm vì quy định về tốc độ, biển số xe, cách phân làn… đều khác với Việt Nam. Cách tính mức phạt, cơ chế xác thực dữ liệu cũng yêu cầu các giao thức hoàn toàn mới.

Việc nghiên cứu kỹ lưỡng và am hiểu sâu sắc đặc thù của từng thị trường là yếu tố sống còn để chúng tôi có thể nhanh chóng thích ứng và đưa ra những giải pháp phù hợp, hiệu quả nhất cho khách hàng.

Chúng tôi luôn đặt mục tiêu phải thực sự hiểu vấn đề của khách hàng trước khi đưa ra bất kỳ giải pháp nào.

Để công nghệ Việt bước ra sân chơi lớn, yếu tố nhân lực là rất quan trọng. Trong lĩnh vực này, anh nghĩ chúng ta đã có đủ lực lượng thiện chiến?

- Nhìn vào bức tranh chung của ngành CNTT Việt Nam hiện nay, chúng ta có đủ lực lượng để đáp ứng các nhu cầu cơ bản nhưng lại thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cho những nhiệm vụ đòi hỏi nghiên cứu, sáng tạo.

Dù số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành này hàng năm vẫn rất lớn nhưng chỉ một phần nhỏ có thể đảm nhận các vị trí then chốt. Trong khi tỷ lệ người chuyển ngành đang khá cao do sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ khiến nhiều cá nhân không thể thích nghi.

Theo anh, với cú hích từ Nghị quyết 57, bức tranh nhân lực chất lượng cao sẽ thay đổi?

- Tôi nghĩ chưa bao giờ cơ hội lại rộng mở như bây giờ.

Với Nghị quyết 57 tạo động lực, Việt Nam đang tạo ra một môi trường thuận lợi chưa từng có cho khoa học công nghệ phát triển. Tôi có niềm tin rằng thế hệ các nhà khoa học và kỹ sư tiếp theo sẽ tạo nên những bước tiến vượt bậc.

Nghị quyết 57 không chỉ là định hướng vĩ mô, mà thực sự đang tạo ra những thay đổi cụ thể từ môi trường làm việc, đến chính sách đãi ngộ và cơ hội thể hiện của người trẻ.

Ngay tại Viettel, chúng tôi luôn chào đón những người trẻ có kiến thức vững chắc và khát vọng cống hiến, đồng thời có những đãi ngộ xứng đáng. Bản thân tôi là một minh chứng cho điều đó.

Tôi không xuất thân từ các trung tâm công nghệ lớn. Tôi cũng không tốt nghiệp loại xuất sắc, chỉ bằng khá của Bách khoa. Nhưng khi có cơ hội thể hiện mình, tôi đã được lắng nghe, được trao nhiệm vụ và được đặt niềm tin.

Bên cạnh chính sách, xã hội cũng cần phải chuyển mình.

Chúng ta cần nhiều hơn những môi trường thực chiến nơi người trẻ được làm thật, sai thật, sửa thật và trưởng thành thật. Những trải nghiệm thực tế là cách nhanh nhất để rút ngắn khoảng cách giữa kiến thức và năng lực.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần đầu tư mạnh hơn cho đào tạo nội bộ, mentoring, tạo động lực học tập liên tục. Một kỹ sư giỏi không thể chỉ giỏi lúc mới ra trường mà phải tiếp tục học suốt đời.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Theo Dân Trí