Ông ngoại tôi, thầy giáo Nguyễn Sĩ Tỳ, là Bí thư Đảng ủy Bộ Giáo dục hơn mười năm (1960-1971), trong giai đoạn Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên tại vị. Ông cũng từng là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Giáo dục (1961-1971), Chủ nhiệm Nhà xuất bản Giáo dục (1977-1984).
Dù là lãnh đạo cấp cao trong ngành, học sinh và bè bạn vẫn nhớ tới và yêu quý ông nhiều nhất với tư cách Hiệu trưởng trường Sư phạm Liên khu III (1952-1956). Đây là hệ thống giáo dục được thành lập trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp với các hệ Trung cấp, Sơ cấp, trường thực hành Sư phạm, trường phổ thông tư thục Juliot Curie với mục tiêu đào tạo giáo viên phổ thông cho vùng tự do, vùng địch hậu. Ngôi trường đã đào tạo hơn 900 trí thức và nhà giáo có "chất Sư phạm Liên khu III" đặc trưng.
Điều lạ là mỗi khi nói chuyện với tôi hay các thành viên khác trong gia đình, ông ít khi nhắc tới mô hình đào tạo "tinh hoa" như vậy. Ngược lại, ông liên tục nhắc tới quan điểm giáo dục của Anton Makarenko, nhà giáo dục Liên Xô chuyên đào tạo "trẻ hư".
Năm 1920, Makarenko được nhà nước Liên Xô giao tổ chức một trường để dạy dỗ những đứa trẻ chưa ngoan. Ngôi trường thường gọi là trại Gorki này năm 1922 có 400 học sinh cá biệt với nhiều tật xấu như nói dối, vô kỷ luật, lười học, mải chơi, thích gây gổ... Tuy vậy, trại Gorki về sau lại tạo ra nhiều nhân tài cho nhà nước Xô Viết. Makarenko biến nhiều trẻ "tội lỗi" thành những nhà sử học, nhà địa chất, nhà giáo dục, kỹ sư, thầy thuốc, nghệ sĩ danh tiếng, có người trở thành anh hùng Xô Viết. Những đứa trẻ có cá tính "nghịch dị" lại chính là những con người sáng tạo, đóng góp nhiều cho sự phát triển xã hội.
Quan điểm cơ bản của Makarenko là "mọi người không thể hoàn toàn giống nhau". Con người có cá tính muôn màu, muôn vẻ và không thể đóng khung trong một phương pháp giáo dục chung, bất di bất dịch. Makarenko nói khái niệm trẻ "hư hỏng" là "vô nghĩa" và "trẻ em hư hỏng chỉ chứng tỏ rằng thầy giáo đã thất bại mà thôi". Ông cho rằng nhà sư phạm nên đến với từng người bằng sự lạc quan, tôn trọng và yêu thương, dù có phải lầm lẫn đi chăng nữa. Một đứa trẻ từng ăn cắp có thể được Makarenko giao nhiệm vụ giữ quỹ để chứng tỏ cho trẻ thấy niềm tin vào tính tốt của con người chưa bao giờ mất đi.
Trên bình diện rộng hơn, trẻ em sẽ trưởng thành nhờ lao động. Makarenko đưa ra quan điểm "giáo dục trong lao động" và áp dụng vào thực tiễn khi xây dựng mô hình một trại lao động ở Ukren, kết hợp một trường phổ thông 10 năm với một xưởng chế tạo máy ảnh Leica và một xưởng chế tạo dụng cụ điện. Mô hình "trường học sản xuất" này đã cải biến nhiều trẻ "tội lỗi" thành công nhân lành nghề, nhà chuyên môn giỏi, thậm chí bác học. Theo Makarenko, trẻ em dù ngoan hay hư cũng phải trưởng thành qua lao động và chỉ có qua lao động mới phát huy cá tính, tài năng và sáng tạo. Makarenko viết cho nhà văn Maxim Gorki: "tập thể có thể xây dựng được bởi những con người hoạt động và chính trong sự hoạt động đó họ tự biến đổi".
Những quan điểm giáo dục của Makarenko được trình bày trong cuốn sách "Bài ca sư phạm", và ông ngoại tôi đã viết lời giới thiệu cho bản dịch cuốn sách này tại Việt Nam. Khi suy nghĩ lại về những quan điểm này, tôi nhận thấy chúng mở ra nhiều hướng mới cho sự phát triển của giáo dục Việt Nam hiện nay.
Làm công việc hoạch định chiến lược cho các hệ thống trường liên cấp, chúng tôi thường xuyên phải tư duy về triết lý giáo dục, xây dựng các mô hình trường học khác nhau để học sinh lựa chọn. Hiện ở Việt Nam có nhiều trường với các định vị khác nhau, có trường dành cho học sinh nổi trội về học thuật, kiểu trường chuyên lớp chọn; có trường theo hướng giáo dục khai phóng, chú trọng đẩy mạnh kỹ năng mềm và các hoạt động văn thể mỹ, đồng thời giảm nhẹ liều lượng kiến thức; cũng có thương hiệu dành cho trẻ muốn đi du học Mỹ, chú trọng hơn tới khoa học/toán và tiếng Anh.
Cá nhân tôi quan tâm và ấn tượng hơn cả với những trường có quan điểm giáo dục "phá cách", hướng học sinh tới sự phát triển tự nhiên, gần gũi với thiên nhiên và tăng cường lao động như cách nhìn của Mararenko. Chẳng hạn, ở ngoại thành Hà Nội, đã có những ngôi trường được xây dựng trên đồi hoặc giữa ngôi làng bao quanh bởi rừng cây. Chương trình học của các trường này giúp học sinh có những trải nghiệm gần gũi với nông nghiệp, thực nghiệm và ăn uống từ chính trang trại của trường. Các mô hình theo kiểu "trang trại trường học" hướng tới sự phát triển thuận theo tự nhiên hơn là gò ép vào các khuôn khổ cứng nhắc, hoặc lệ thuộc nhiều vào các thiết bị điện tử.
Đến nay, lập luận của nhà giáo dục Xô Viết Makarenko vẫn có hạt nhân hợp lý. Ngày càng nhiều trường học thể hiện cá tính rất rõ của người sáng lập, đề cao sáng tạo cũng như tôn trọng tính tự nhiên trong sự phát triển của trẻ. Trong số đó, tôi cho rằng những trường học có triết lý giáo dục hướng về lao động sản xuất và hướng tới thiên nhiên như vậy nên được khích lệ.
Các mô hình mang tính "phá cách" này đưa giáo dục đi ra ngoài những giới hạn và khuôn khổ quy ước. Một mô hình tinh hoa nhất về học thuật và được cho là số một không có nghĩa là sẽ phù hợp với tất cả. Mỗi đứa trẻ là một cá thể "không giống ai" và mô hình giáo dục thay vì tạo khuôn phải phát huy cá tính, mở rộng không gian cho cá tính tự thể hiện.
Tôi mất nhiều năm để hiểu tại sao ông ngoại mình luôn nhắc tới triết lý giáo dục của một người chuyên đào tạo "trẻ hư" như Marakrenko. Triết lý ấy đơn giản là không được áp đặt một triết lý cứng nhắc nào lên sự phát triển đa dạng của học sinh. Triết lý ấy là yêu thương và tôn trọng trẻ tối đa, hướng dẫn trẻ phát triển không chỉ qua sách vở.
Và sự tồn tại của các mô hình giáo dục đa dạng khác nhau là cần thiết để phục vụ các nhu cầu phát triển cá nhân đa dạng của con người.
Theo Vnexpress |