Thực hành văn hóa tín ngưỡng Việt Nam của tác giả Nguyễn Hạnh, do Nhà xuất bản Trẻ phát hành, được nhận xét là tựa sách giàu giá trị, phù hợp cho dịp Tết cổ truyền. Cuốn sách đào sâu vào các phong tục, tập tục thể hiện văn hóa tín ngưỡng của người Việt, giải thích cội nguồn, ý nghĩa và cách thực hiện những phong tục này, góp phần gìn giữ truyền thống không bị mai một. Các phong tục dịp Tết được tác giả dành phần lớn cuốn sách để nghiên cứu và phân tích, giúp độc giả hiểu được cặn kẽ vai trò to lớn của dịp lễ cổ truyền đối với nếp sống dân tộc, biết trân trọng và gìn giữ một phần hồn cốt của quê hương. |
Tục thượng nêu và hạ nêu có ý nghĩa gì?
Tục dựng nêu có điển tích của người Trung Hoa, nhưng đây không phải là "nhãn hiệu cầu chứng tại tòa" của người phương Bắc. Việc dựng nêu không chỉ ngày Tết mới có, trong đời sống thường ngày của người Việt vẫn dựng nêu khi có việc.
Chữ "nêu" mượn từ "tiêu" của Hán (nghĩa là cây treo giải thưởng, ngọn cây, cái dấu hay cái mốc), người miền Tây đọc trại ra thành cây bẹo. Khi vỡ đất mới, người xưa thường cắm bốn cây nêu ở bốn góc để đánh dấu.
Trong văn hóa sông nước, ở chợ nổi, dân miền Tây cắm cây bẹo (cây nêu) với nông sản muốn bán để "quảng cáo". Như thế thật là tiện, vì sông nước mênh mông, ai có sức đâu mà rao bằng miệng. Từ xa, người ta nhìn sản vật treo trên cây bẹo là biết ghe, thuyền đó bán thứ gì.
Trong ngày Tết, ảnh hưởng văn hóa phương Bắc, người Việt dựng nêu vào ngày 23 tháng chạp, hạ nêu vào ngày 7 tháng Giêng.
Việc dựng nêu nói lên ý chuẩn bị nghỉ Tết, vua quan đóng ấn và mọi hoạt động chính thức được dừng lại. Việc hạ nêu, còn gọi nôm na là "đốt Tết", khai ấn để mọi hoạt động chính thức khởi động, công việc làm ăn trở về bình thường. Vì vậy, trong kinh thành Huế có nghi thức thượng nêu và hạ nêu.
Người dân Hà Tĩnh dựng cây nêu trước cửa nhà, dịp Tết 2023 (Ảnh: Dương Nguyên).
Trong chương XII Phong tục dân gian tại thung lũng Nguồn Sơn, sách văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt, Lm Léopold Michel Cadière đã ghi với ý: Cây nêu được dựng ở giữa sân hay ở giữa gian dành để thờ phụng tổ tiên. Cây nêu là thân tre thẳng và dài, trên đó có gắn vài cọng chuối và lá chuối, treo giỏ đựng trầu cau và giấy tiền vàng bạc.
Người ta tin rằng các vong linh được mời ăn trầu cau sẽ ngụ ở những cọng chuối. Có thuyết cho rằng, vị thần ác muốn vào cư ngụ chốn yên bình của vị thần thiện nên đã móc ruột gan của mình treo trên cây nêu để tỏ thành ý. Ruột gan đó là cọng chuối và lá chuối.
Trong nhà có thể trồng nhiều cây nêu tương ứng với các vị thần bảo trợ trong gia đình.
Tục treo câu đối trong ngày Tết của người Việt
Trích trong Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính trích ở Đông Dương Tạp Chí(1913 - 1914), mục XII. Tứ thời tiết lạp, triệt 1. Tết Nguyên đán (Nhà sách Khai Trí in lại năm 1973):
"Trước nửa tháng Tết, nhà nào nhà ấy đã rộn nhịp sắm Tết, nào người mua tranh mua pháo, nào người mua vàng hương mã mùng, đường mứt, bánh trái... Các thầy đồ nhà quê ra chợ viết câu đối bán. Những người đi buôn bán hoặc đi làm ăn xa xôi, đâu đâu cũng nghỉ việc để về nhà ăn Tết.
Cách Tết một vài hôm, ai nấy dọn dẹp nhà cửa, lau rửa đồ thờ đồ phượng. Câu đối đỏ dán cửa, dán cột sáng choang, treo tranh treo liễn trang hoàng lịch sự.
Nhiều nhà trước cửa có dán tranh Quan tướng, hoặc dán bốn chữ "Thần Trà Uất Lũy".
Điển này do ở trong phong tục thông có nói rằng: ở dưới gốc cây đào lớn núi Độ Sóc, có hai ông thần gọi là Thần Trà Uất Lũy, cai quản đàn quỷ. Hễ quỷ nào làm hại nhân gian thì hai thần ấy giết mà ăn thịt. Ta dùng bốn chữ ấy, có ý để cho quỷ sợ mà không dám vào cửa".
Như vậy đã rõ tục treo câu đối hay tục dựng nêu ngày Tết hội nhập từ văn hóa Trung Hoa. Bởi lẽ Thần Trà (đọc đúng là Thần Đồ ) và Uất Lũy là hai vị môn thần đứng giữ cửa để bảo vệ và trừ yểm tà ma.
Ngày nay nhiều người vẫn còn tập quán dán Môn Thần lên cửa, nhưng đừng nghĩ là mê tín mà hãy xem đó là việc lưu giữ truyền thống văn hóa để nhắc nhớ không khí vui mừng ngày Tết của người xưa qua tranh vẽ dán nơi cửa có giá trị thẩm mỹ cao. Đó cũng là cách thỏa mãn về tâm lý mong ước điều tốt lành trong năm mới.
Thay vì treo tranh Môn Thần, người ta có thể thay bằng cặp câu đối để mong ước điều tốt lành. Chẳng hạn trước cửa căn nhà cổ Đức An, hơn 180 tuổi, địa chỉ 129 Trần Phú, Hội An có cặp mắt cửa âm dương trên đố cửa và cặp câu đối mừng xuân gửi gắm mơ ước của gia chủ trong năm mới:
Nhà đạo tốt lành, niềm vui nối đời đời
Đất nước yên ổn, trời mở xuân mãi mãi
Tác giả giới thiệu tục treo câu đối ngày Tết của người Việt (Ảnh: NXB Trẻ).
Việc treo câu đối Tết trước của nhà cho đến nay vẫn là phong tục thú vị. Xin tạm bỏ qua chuyện "thần hộ mệnh", hãy xem đây là nét văn hóa là ngày xuân ý nghĩa và tươi thắm hơn.
Câu đối là một trong những tinh hoa của văn hóa Việt, thâm thúy về ý, trau chuốt về lời, đẹp vì sự đối điệp. Từ lâu, cách thức chơi câu đối được phổ biến trong dân gian và trở thành một phong tục đẹp của dân tộc.
Câu đối du nhập vào nước ta trong thời bị Bắc thuộc, ít nhất từ đời nhà Đường, vì lúc ấy người Việt bị ép học chữ Hán.
Qua nghiên cứu, người ta nhận thấy dáng dấp câu đối xuất hiện trong bài phú cổ Bạch vân chiếu xuân hải của Khương Công Phụ, tự Khâm Vân. Ông là người xã Định Công, huyện An Định, nay thuộc tỉnh Thanh Hóa.
Ông du học ở Trung Hoa, thi đỗ Tiến sĩ (thời ấy người Việt phải sang Trung Hoa để tham dự khoa cử), làm quan đến chức Gián nghị Đại phu Đồng trung thư Môn hạ Bình chương sự, dưới đời vua Đường Đức Tôn (780-804).
Đến đời vua Đường Thuận Tôn (805-806), ông lĩnh chức Tuyền châu Thứ sử được ít lâu thì mất. Vua Lê Cảnh Hưng phong cho ông làm Thượng đẳng phúc thần. Sở trường của ông là những bài phú. Trong đó có bài phú Bạch vân chiếu xuân hải (Mây trắng rọi biển xuân).
Bài phú không chỉ để tả cảnh trời, biển, gió, mây mà trình bày quan niệm của đạo Lão về vũ trụ, với lời văn nhẹ nhàng thanh thoát, với hình thức mang dáng dấp đối điệp.
Trong khoa cử xưa, có phần thi văn biền ngẫu, do đó sĩ tử phải học làm câu đối. Ở Việt Nam, lâu dần, cách làm câu đối lan rộng ra từ tầng lớp trên xuống tầng lớp dưới, được dân gian hóa thành một thú chơi tao nhã, thành một nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Không phải nước nào chịu ảnh hưởng chữ Hán cũng có sự phát triển tốt về câu đối. Những nước như Hàn quốc, Nhật Bản có cấu tạo ngữ âm dạng đa âm tiết và không có thanh điệu nên câu đối không phát triển mạnh.
Ngược lại, việc câu đối được phổ biến ở nước ta còn liên quan đến cấu tạo ngữ âm dạng đơn âm tiết và có thanh điệu, tương tự như tiếng Hán. Tuy nhiên, tiếng Hán phổ thông có 4 thanh điệu.
Theo Dân Trí |