Tuổi trẻ chọn lẽ sống, chọn khát vọng cống hiến

CTG - "Các bạn hôm nay sống trong hoàn cảnh khá thuận lợi, tự quyết định số phận, cách sống, thực hiện khát vọng và chọn lựa lẽ sống của mình chứ không như cha anh ngày trước" - ông Năm Nghị chia sẻ.

Cuộc gặp giữa hai thế hệ đoàn viên năm xưa và hôm nay cùng chia sẻ câu chuyện chọn lẽ sống, chọn khát vọng cống hiến - Ảnh: VŨ THỦY
 

Cuộc gặp giữa hai thế hệ đoàn viên năm xưa và hôm nay cùng chia sẻ câu chuyện chọn lẽ sống, chọn khát vọng cống hiến - Ảnh: VŨ THỦY

Cuộc ngồi lại bên nhau của nhiều bạn trẻ TP.HCM chia sẻ chủ đề "Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên" càng thấm thía với nhắn nhủ của "người đoàn viên một thời" Năm Nghị - tên thân mật mà các bạn vẫn gọi ông Phạm Chánh Trực, nguyên bí thư Thành Đoàn TP.HCM.

Đi tìm lẽ sống đúng

"Người đoàn viên năm nào" hiện diện giữa các bạn trẻ hôm nay trong màu áo xanh truyền thống của thanh niên Việt Nam. Ông đã ngồi suốt mấy tiếng đồng hồ, chăm chú lắng nghe câu chuyện mà các bạn chia sẻ.

 

Ký ức của người thủ lĩnh thanh niên TP giai đoạn 1972-1977 với bối cảnh khá đặc biệt khi tiếp nối từ chiến tranh tới thời bình ấy là "Chúng tôi không thể tự mình lựa chọn. Bối cảnh, thời cuộc bắt buộc mình phải chọn". Ông nói thời bấy giờ thanh niên chỉ có thể chọn hoặc đi theo cách mạng đánh đuổi quân xâm lược, hoặc bị bắt lính cầm súng chống lại nhân dân, đồng bào mình.

"Chiến tranh đương nhiên có chết chóc nhưng lựa chọn chết như thế nào. Tôi nói để các bạn thông cảm với thế hệ cha anh trong bối cảnh ấy. Vì các bạn bây giờ rất thuận lợi, nhiều con đường để thể hiện khát vọng cống hiến, lẽ sống của mình mà mục đích cuối cùng làm sao đất nước trường tồn, sánh vai cùng các cường quốc" - ông Năm Nghị chia sẻ.

Được tự do lựa chọn song thế hệ trẻ ngày nay, theo ông Phạm Chánh Trực, cũng đối diện rất nhiều khó khăn, áp lực trong đời sống xã hội, dễ chạy theo tiền. Mỗi ngày, chúng ta đều có thể thấy những câu chuyện chạy theo tiền, làm bất cứ cái gì để có tiền và khi có tiền lại muốn có nhiều tiền hơn.

"Kể cả làm điều xấu, điều ác, sản xuất thực phẩm bẩn lên đến hàng chục, hàng trăm tấn, chạy theo tiền làm hại cả dân tộc. Điều đó quá xa lạ với truyền thống dân tộc ta" - ông bày tỏ.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII năm 2022 - Ảnh: NAM TRẦN

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII năm 2022 - Ảnh: NAM TRẦN

Hội ngộ khát vọng cống hiến

Mỗi bạn trẻ đến với cuộc gặp bằng câu chuyện của chính mình. Nói như lời ông Năm Nghị các bạn là những bông hoa đã tìm được lẽ sống đúng, khát vọng đúng và cao hơn nữa là lý tưởng sống của họ.

Nhỏ nhất là đội viên Huỳnh Anh Thư (13 tuổi, liên đội trưởng Trường THCS Nguyễn Du, quận Gò Vấp). Không chỉ đạt điểm học tập gần như tuyệt đối, Thư còn biết nuôi heo đất hồi lớp 2, tham gia nhiều cuộc thi và giành tiền thưởng nhận được tặng cho các bạn nhỏ, những người có hoàn cảnh khó khăn vào sinh nhật mình mỗi năm.

Một học sinh khác, bạn Lê Minh Đức (lớp 12, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) cho biết đã tập nghiên cứu khoa học từ năm 15 tuổi và bước đầu tạo ra những thành quả nhất định.

Chứng kiến bão lũ, sạt lở, Đức mày mò nghiên cứu chế tạo robot thay thế con người tìm kiếm, cứu nạn những vùng bị thiên tai khó tiếp cận, đem dự thi quốc tế và được đánh giá cao ý tưởng, sản phẩm bước đầu.

"Thế hệ trẻ chúng ta có cơ hội to lớn sử dụng khoa học công nghệ để không chỉ thay đổi đất nước mà còn tác động đến cộng đồng thế giới" - Đức nhắn gửi.

Là người sáng lập của nhân vật Thỏ Bảy Màu - nhân vật hư cấu có lượng người theo dõi đông đảo trên mạng xã hội tại Việt Nam hiện nay - anh Huỳnh Thái Ngọc (30 tuổi) nói khát vọng của anh với Thỏ Bảy Màu là tạo ra một sản phẩm của người Việt và tạo nên cộng đồng yêu mến, tôn trọng, bảo vệ văn hóa Việt.

Thái Ngọc băn khoăn hoạt hình Việt Nam có lỗ hổng, nhiều người trẻ muốn coi lại không có gì hết và chọn xem hoạt hình Nhật Bản, Hàn Quốc. Và liệu như thế có hình thành những cộng đồng yêu quý nền văn hóa của nước khác trên chính đất nước mình? Trong khi Ngọc nói mình từng lớn lên với hoạt hình Việt Nam từ chương trình Quà tặng cuộc sống, sê-ri Tít và Mít.

"Việt Nam có bề dày lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa đa dạng, đầy đủ chất liệu để có thể tạo nên chủ đề thu hút sự quan tâm. Tôi muốn tạo nên một nhân vật hoạt hình thuần Việt với những nét đặt trưng, bình dị của Việt Nam vào những tình huống dí dỏm, gần gũi đời thường" - Thái Ngọc chia sẻ.

Trách nhiệm đưa Việt Nam thành nước phát triển

Ông Phạm Chánh Trực hiện làm chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn, tác giả cuốn sách Sống là cống hiến. Trước mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao mà Đại hội Đảng XIII đặt ra, ông nêu câu hỏi "Ai là người thực hiện mục tiêu đó?" và rồi chính ông trả lời đó chính là thế hệ trẻ.

Từ nay đến năm 2045 chỉ còn 21 năm, theo ông Năm Nghị, mỗi bạn trẻ phải nhận trách nhiệm tiên phong đi vào các mặt trận từ lao động, sản xuất đến văn học, nghệ thuật. "Thanh niên là rường cột nước nhà, lực lượng làm chủ xã hội và phải chịu trách nhiệm làm sao đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, cần nhắm thẳng vào mục tiêu đó. Thành Đoàn TP.HCM cần có chương trình, dẫn dắt phong trào thanh niên thực hiện cho được nghị quyết Đại hội XIII ấy" - ông Năm Nghị gửi gắm.

Mẫn cảm với thời cuộc

Trong khuôn khổ cuộc gặp, anh Ngô Minh Hải - phó bí thư Thành Đoàn TP.HCM - nói lực lượng trẻ, trong đó học sinh, sinh viên vẫn luôn là thế hệ sôi sục nhất, nhiều cảm xúc nhất hòa vào dòng chảy phát triển một cách tự nhiên nhất. Các bạn luôn có sự mẫn cảm với thời cuộc trên hành trình phát triển của đất nước.

Thanh niên, học sinh, sinh viên hôm nay đang tiếp cận nhiều luồng phát triển tích cực song hành với những ảnh hưởng tiêu cực. Các bạn có nhiều lựa chọn nhưng cũng đứng trước những lựa chọn rất khó.

"Điều cần là tổ chức Đoàn nắm bắt được luồng suy nghĩ, hiểu được các bạn nghĩ gì, mong muốn gì. Từ đó mới có thể đồng hành, tìm cách định hướng đúng đắn trên hành trình đi tới với người trẻ" - anh Hải nói.