Ưu tiên phát triển công nghiệp môi trường

(CTG) Tính đến thời điểm này trong tổng số 439 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng phải hoàn thành việc xử lý ô nhiễm triệt để giai đoạn 1, đã có 325 cơ sở ra khỏi danh sách gây ô nhiễm nghiêm trọng, 114 cơ sở đang tích cực triển khai các biện pháp xử lý môi trường.

5 năm vẫn còn nhiều hạn chế

Sáng 18/11, Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ III đã diễn ra tại Trung tâm hội nghị quốc gia Hà Nội. Đây là hội nghị môi trường lớn nhất từ trước tới nay, với trên 1.000 đại biểu và sự tham dự của nhiều vị lãnh đạo Đảng, nhà nước, các bộ ngành, địa phương... 



Quang cảnh Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ III.


Báo cáo của Bộ Tài nguyên & Môi trường chỉ ra rằng, lực lượng cán bộ chuyên môn môi trường tại các doanh nghiệp tuy đã được bổ sung, phát triển nhưng nhìn chung còn rất ít và rất thiếu nên công tác giám sát nội bộ và thực thi pháp luật bảo vệ môi trường ở các doanh nghiệp còn chưa hiệu quả.

Hoạt động cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản, cải tạo phục hồi môi trường lưu vực sông, khắc phục ô nhiễm môi trường, xử lý rác, nước thải trong quá trình phát triển kinh tế, sản xuất công nghiệp, từ các làng nghề tuy có được đẩy mạnh, những phần lớn chưa được giả quyết triệt để.

Nhiều khu công nghiệp, nhà máy sản xuất trở thành điển hình ưu tú trong công tác bảo vệ môi trường năm 2010 như: Công ty TNHH Ô tô Toyota Việt Nam, Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang, Công ty cổ phần gạch ngói Quỳnh Lâm – Hòa Bình… Tính đến thời điểm này, trong tổng số 439 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng phải hoàn thành việc xử lý ô nhiễm triệt để giai đoạn 1 đã có 325 cơ sở ra khỏi danh sách gây ô nhiễm nghiêm trọng, 114 cơ sở đang tích cực triển khai các biện pháp xử lý môi trường.

Nhưng vẫn còn hàng nghìn doanh nghiệp, nhà máy... đang tiếp tục tàn phá môi trường nghiêm trọng chưa xử lý được



Ô nhiễm môi trường các khu công nghiệp vẫn đang là điểm nóng.



Ưu tiên phát triển công nghiệp môi trường

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Ngọc Hoàng - Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương, cho biết: “Trên thế giới, có nhiều nền văn minh rực rỡ bỗng nhiên biến mất hoàn toàn. Các kết quả khảo cổ, nghiên cứu sau này cho thấy phần lớn sự biến mất đó do các vấn đề thiên nhiên môi trường. Con người sống, phát triển và tồn tại được dựa rất nhiều vào thiên nhiên và môi trường, bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống”.

“Có những thứ ô nhiễm không màu, không mùi, mắt thường không nhìn thấy được, nhưng khi xuất hiện thì vô cùng nguy hiểm. Nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, sự sống con người, rất khó khắc phục và ảnh hưởng lâu dài tới môi trường. Bảo vệ môi trường ngay từ nhận thức mỗi cá nhân, con người mới là hiệu quả nhất", ông Hoàng nói.

“Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ III được tổ chức rất đúng lúc và hiệu quả, khi tình hình suy thoái môi trường, các vấn đề môi trường đang trở thành điểm nóng ở Việt Nam. Điều quan trọng với Việt Nam là cần đưa ra phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo vệ môi trường đúng đắn, bền vững để không phải hi sinh bất cứ cái gì trong quá trình phát triển và không rơi vào cái "bẫy thu nhập thấp" mà nhiều quốc gia đã rơi vào”.

"Hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với nhiều tình huống, hiểm họa môi trường cũng như thiên nhiên nghiêm trọng, cần phải giải quyết ngay, dứt điểm những vấn đề đó trước khi quá muộn. 

Một vấn đề nữa là việc đảm bảo sự cân bằng giữa các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu về con người, môi trường và phát triển xã hội phải được ưu tiên và được coi là vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển mỗi quốc gia. 

Liên Hợp Quốc luôn luôn khẳng định cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường, cũng như bảo vệ và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, để duy trì như một tài sản quý báu cho các thế hệ tương lai ở Việt Nam. Đồng thời cũng để đảm bảo rằng quá trình phát triển tương lai của Việt Nam mang tính chất toàn diện, tính chất công bằng cho mọi người dân”, ông John Hendra - Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, chia sẻ.



Bộ trường Bộ Tài nguyên & Môi trường Phạm Khôi Nguyên.



Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ III là thắng lợi trong thay đổi tư duy quản lý, nhận thức về môi trường với nhiều đề xuất, kiến nghị cho công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn 2010 - 2015. 

Hội nghị thống nhất nhận định, phát triển công nghệ môi trường là nội dung quan trọng của phát triển công nghiệp môi trường. Do vậy, để phát triển thị trường công nghệ môi trường Việt Nam, trước hết phải có cơ chế khuyến khích chuyển giao công nghệ, đầu tư sản xuất trang thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường, ưu đãi sử dụng thiết bị và công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường được sản xuất ở trong nước.

Cần đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ đốt và composting đối với chất thải rắn đô thị để thu hồi được năng lượng (phát điện), sản phẩm có ích (phân bón), cũng như giảm diện tích chôn lấp, tiết kiệm quỹ đất.
 
Đối với chất thải rắn y tế, cần hạn chế biện pháp đốt để tránh phát sinh ô nhiễm không khí thứ cấp và nhanh chóng chuyển sang các công nghệ thân thiện với môi trường, như khử khuẩn các chất thải lây nhiễm, sau đó chôn lấp theo đúng xu hướng quốc tế hiện nay.
 
Đối với việc xử lý chất thải nguy hại, cần nghiên cứu theo hướng xử lý tập trung quy mô lớn và có thu hồi năng lượng theo các vùng, miền của Việt Nam và lựa chọn công nghệ xử lý chất thải phù hợp điều kiện của Việt Nam theo hướng ưu tiên tái chế.

Hội nghị đề xuất phải có hệ thống giải pháp đồng bộ, toàn diện, thực thi từ các biện pháp nâng cao nhận thức, quan điểm, tầm nhìn đến bổ sung, chỉnh sửa các văn bản quy phạm pháp luật, kể cả việc xúc tiến để sửa đổi luật môi trường 2005 càng sớm càng tốt, theo hướng cụ thể, rõ ràng hơn, vì luật hiện nay đã có nhiều lỗi thời và không còn phù hợp…

Đặc biệt, đề nghị nhà nước, chính phủ sớm tăng tỷ lệ % ngân sách cho bảo vệ môi trường, điều chỉnh, phân phối sử dụng để đảm bảo hiệu quả; cố gắng đến năm 2015, tỷ lệ dành cho môi trường đạt mức 2% so với 1% như hiện nay… và nhiều kiến nghị quan trọng khác.

 

Theo Tầm nhìn