Vì sao hai khuôn in tín phiếu tại Quảng Ngãi là bảo vật quốc gia?

(CTG) Hai khuôn in tín phiếu mệnh giá 1 đồng và 50 đồng có niên đại từ năm 1947 ở Quảng Ngãi được Thủ tướng công nhận bảo vật quốc gia. Vì sao hai khuôn in tín phiếu này giá trị đến vậy?

Khuôn in tín phiếu mệnh giá 50 đồng - Ảnh: NGUYỄN MINH

 Khuôn in tín phiếu mệnh giá 50 đồng - Ảnh: NGUYỄN MINH

Chiều 22-1, nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh - nguyên phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi - cho biết: "Hai khuôn in tín phiếu mà Thủ tướng vừa công nhận là bảo vật quốc giacó ý nghĩa rất lớn, thể hiện tính linh hoạt, chủ động của Đảng, Nhà nước, quân và dân ta trong thời chiến. Trên hai khuôn tín phiếu còn có chữ ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng".

Hai bảo vật quốc gia này đang được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi.

Sứ mệnh khuôn in tín phiếu trong thời chiến

Theo đó, ngày 18-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định về việc "công nhận bảo vật quốc gia (đợt 12)". Đợt này, Chính phủ công nhận 29 hiện vật là bảo vật quốc gia, trong đó tỉnh Quảng Ngãi có hai khuôn in tín phiếu có niên đại từ năm 1947.

Cùng với công nhận, Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chủ tịch UBND các cấp nơi có bảo vật quốc gia được lưu giữ, quản lý theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh, năm 2021 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao bằng công nhận di tích lịch sử quốc gia địa điểm in tín phiếu Liên khu V (1947 - 1950) tại xóm Xà Nay, thôn Chàm Rao, xã Sơn Nham, huyên Sơn Hà, Quảng Ngãi.

 

Trong lịch sử, xưởng in tín phiếu tại xóm Xà Nay được xây dựng vào tháng 9-1947, có diện tích 2ha, gồm hai khu nhà chính: khu nhà xưởng, khu nhà ở và nhà làm việc.

Khu nhà ở là nơi ăn ở sinh hoạt của 50 cán bộ, công nhân của cơ quan; khu nhà xưởng gồm có phân xưởng in, phân xưởng đánh số, phân xưởng sửa chữa máy và thiết bị vật tư phục vụ sản xuất cùng nhà kho.

Các loại tín phiếu được in và phát hành lúc bấy giờ là tín phiếu: 1 đồng, 5 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng, 500 đồng.

Khuôn in tín phiếu mệnh giá 1 đồng - Ảnh: NGUYỄN MINH

Khuôn in tín phiếu mệnh giá 1 đồng - Ảnh: NGUYỄN MINH

Sau thời gian hoạt động, xưởng in tín phiếu tại xóm Xà Nay bị địch phát hiện nên chuyển đến thôn Bình Trung, xã Trà Bình, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi, cách Xà Nay khoảng 32km về phía đông bắc và tiếp tục hoạt động.

"Việc lập xưởng in tín phiếu trong thời chiến là việc làm sáng tạo, linh hoạt. Đảm bảo việc lưu thông tại vùng tự do. Trong đó có lưu thông tiền tệ và hàng hóa", ông Khánh nói.

Hoàn thành sứ mệnh lịch sử tháng 6-1951

Năm 1950, chiến dịch biên giới thắng lợi, để phù hợp với tình hình mới, ngày 6-5-1951, Chính phủ có sắc lệnh số 15/SL để thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, quyết định thay giấy bạc tài chính bằng bạc ngân hàng.

Xưởng in tín phiếu của Liên khu V đặt tại Xà Nay sau này di chuyển đến thôn Bình Trung, kết thúc nhiệm vụ lịch sử của mình vào tháng 6-1951.

Hai khuôn in tín phiếu vừa được công nhận bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi - Ảnh: NGUYỄN MINH

Hai khuôn in tín phiếu vừa được công nhận bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi - Ảnh: NGUYỄN MINH

Nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh cho biết trong thời gian tồn tại, xưởng in tín phiếu Liên khu V đã in được một khối lượng lớn tín phiếu lưu hành không chỉ ở vùng tự do (bao gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) mà còn đưa vào buôn bán ở một số vùng địch kiểm soát như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận…

Góp phần phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, xây dựng nền kinh tế tự túc ở Liên khu V, tự cung cấp đủ nhu cầu cho chiến trường miền Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, đồng thời làm nghĩa vụ quốc tế với nhân dân hai nước bạn Lào và Campuchia.

"Với giá trị lịch sử rất lớn, việc hai khuôn in tín phiếu được công nhận bảo vật quốc gia là hoàn toàn xứng đáng", ông Khánh nói.

Tuổi Trẻ