Vốn thôi chạy lòng vòng, lãi suất sẽ giảm?

(CTG) Sau nhiều ngày căng thẳng, mệt mỏi vì buộc phải lao vào cuộc chạy đua lãi suất huy động, lãnh đạo nhiều ngân hàng đã tạm thở phào khi thống đốc ngân hàng Nhà nước vừa chính thức yêu cầu: lãi suất huy động không được vượt quá 14%/năm. Cả ngân hàng và doanh nghiệp đều chờ đợi, mặt bằng lãi suất tín dụng dần hạ xuống.




Việc tăng lãi suất khiến tiền chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, không làm tăng tổng lượng tiền gửi của dân cư. Ảnh: SGTT


Đây không phải lần đầu thị trường ngân hàng bước vào cuộc đua lãi suất, đẩy lãi suất huy động vốn có thời điểm lên tới 18%/năm và cũng cho kết quả không khác những lần đua trước: vốn mới đổ vào hệ thống ngân hàng tăng không đáng kể, có chăng chỉ dịch chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng kia, trong khi gây tốn phí lớn cho cả nền kinh tế, rối loạn thị trường.

Tiền lòng vòng trong ngân hàng

“Vốn trong nền kinh tế có bao nhiêu mà tăng”, phó tổng giám đốc ngân hàng Á Châu (ACB) Nguyễn Thanh Toại nhận xét và phân tích, trong cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động vừa qua, có ngân hàng vì giữ chân khách hàng đã và đang ồ ạt rút ra; có ngân hàng vì muốn gia tăng khối lượng vốn phục vụ nhu cầu cuối năm; có trường hợp vì thấy các ngân hàng khác tăng nên mình cũng phải tăng. “Chúng tôi cũng phải nghe ngóng, điều chỉnh theo tín hiệu thị trường mà không thể đứng ngoài cuộc được”, ông Toại nói.

Tổng giám đốc ngân hàng Eximbank Trương Văn Phước cho biết, trong hai tuần vừa qua, tốc độ tăng trưởng vốn huy động của ngân hàng không đột biến, dù rằng mặt bằng lãi suất cũng đã được điều chỉnh. Bởi phần vì người gửi tiền có tâm lý nghe ngóng, kỳ vọng cuộc chạy đua sẽ đẩy lãi suất thị trường lên cao hơn nữa mới gửi tiền, phần khác vì các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, vàng cũng có sức hút đáng kể.

Giám đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM Hồ Hữu Hạnh xác nhận, từ đầu tháng 12 đến nay, hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP.HCM không thu hút thêm được nhiều lượng vốn nhàn rỗi trong dân cư. “Cuộc đua tăng lãi suất chỉ khiến cho vốn chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, gây rối loạn thị trường, rủi ro cho cả ngân hàng, doanh nghiệp và chính khách gửi tiền”, ông Hạnh nhận định.

Tăng cường kiểm tra hoạt động huy động vốn 

Ngày 16.12, NHNN có văn bản yêu cầu các giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình thị trường tiền tệ, kịp thời phát hiện những hành động bất thường gây mất ổn định thị trường; chủ động tiến hành kiểm tra tình hình thanh khoản, hoạt động huy động và sử dụng vốn của các trụ sở và chi nhánh của tổ chức tín dụng đóng trên địa bàn khi có các hoạt động bất thường, vi phạm quy định về mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam đã được thoả thuận, đồng thời xử lý nghiêm khắc theo thẩm quyền; trường hợp nghiêm trọng vượt thẩm quyền phải báo cáo về thống đốc NHNN xem xét xử lý.

T.N


Cụ thể, theo ông Hạnh, trong mấy ngày 8, 9, 10, trong khi ngân hàng Techcombank – đẩy mặt bằng lãi suất huy động lên tới 17,6%/năm – đã hút được mấy ngàn tỉ đồng, thì cũng rất nhiều ngân hàng khác đã bị hụt vài trăm tỉ đồng mỗi ngày. Trong khi đó, cũng chính Techcombank, do thừa tiền đã cho vay nhiều ngân hàng nhỏ hàng chục ngàn tỉ đồng. Ngoài ra còn có hiện tượng, nhiều ngân hàng lớn được NHNN bơm một lượng vốn lớn qua thị trường mở (OMO) đã mang đi gửi ở những ngân hàng nhỏ hưởng lãi suất cao.

Đầu 2011, lãi suất sẽ hạ dần


Ông Hạnh lo lắng: “Điều đó cho thấy, vốn đã không chảy được vào khu vực sản xuất, kinh doanh mà chạy vòng quanh hệ thống ngân hàng. Người dân khi rút tiền từ ngân hàng này sang ngân hàng khác cũng tốn thời gian, chi phí, thậm chí có thể gặp rủi ro trên đường đi lại. Số ít ỏi vốn đến được tay doanh nghiệp thì có lãi suất quá cao, trên 20% trong khi tỷ suất lợi nhuận trung bình của doanh nghiệp Việt Nam cũng không đạt được mức đó. Điều này rõ ràng gây rủi ro cho cả doanh nghiệp, ngân hàng”. Cũng theo ông Hạnh, để thu hút người gửi tiền, tất cả các ngân hàng đều phải tuân thủ nguyên tắc nhằm ổn định thị trường, ổn định hệ thống. Khi đó, uy tín, phong thái phục vụ, chất lượng dịch vụ sẽ là sức hút cho khách hàng.

“Rất may là dòng chảy phi kinh tế này đã được chặn lại”, tổng thư ký hiệp hội Ngân hàng Dương Thu Hương nói. Người đứng đầu hiệp hội Ngân hàng cũng chia sẻ, cuộc đua lãi suất, nếu còn tiếp tục, “quả đắng” lãi suất cao sẽ dồn lên vai doanh nghiệp. Bản thân một số doanh nghiệp, có nguồn tiền nhàn rỗi cũng “không thèm” sản xuất, kinh doanh mà đem gửi vào ngân hàng, “sống trên lưng” chính các ngân hàng.

Việc lập lại trật tự trên thị trường lãi suất với mức trần huy động 14%/năm cũng giúp xoá kỳ vọng lãi suất còn tăng của người gửi tiền. Thay vì nghe ngóng, chờ đợi, người dân sẽ quyết định gửi tiền vào ngân hàng. Và khi mà mức lãi suất tương đối đồng đều trên thị trường, lượng tiền mới gửi vào một ngân hàng nào đó mới có thể là tăng trưởng vốn đích thực chứ không phải được “giật gấu vá vai”.

Tổng giám đốc Eximbank cũng kỳ vọng, thông điệp của NHNN sẽ giúp cho thị trường dần ổn định và mặt bằng lãi suất sẽ hạ dần xuống vào đầu năm 2011. 



Theo SGTT