“Voi chui lỗ kim” làm mất niềm tin nghiêm trọng

(CTG) “Con voi chui lọt lỗ kim” là câu ta thán của không ít người dân, nhất là ở những cơ quan, đơn vị, địa phương có cán bộ, công chức (hoặc người thân quen của cán bộ, công chức) ngang nhiên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà các cơ quan chức năng “không biết”, không xử lý.

Suy cho cùng, những vụ việc kiểu “con voi chui lọt lỗ kim” chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân giảm sút niềm tin vào Đảng, Nhà nước; là nguy cơ xuất hiện các biểu hiện "tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

1. Về các địa phương tiếp xúc, trò chuyện với người dân, chúng ta được nghe khá nhiều chuyện về hiện tượng “con voi chui lọt lỗ kim”, như: Khu homestay ngang nhiên xây trên đất nông nghiệp là của em trai ông cán bộ tỉnh đấy!; ngôi nhà của lãnh đạo quận xây vượt 2 tầng so với giấy phép, cao vọt hẳn lên so với những ngôi nhà xây đúng quy định, nhưng có bị xử lý gì đâu?; ông phó chủ tịch xã học chưa hết cấp 3, dân làng xì xào mà không hiểu sao ông ta vẫn có bằng đại học, vẫn thăng tiến; đất nhà mình ở từ thời ông cha thì đề nghị mãi vẫn không được cấp sổ đỏ, trong khi đó đất nông nghiệp gia đình cán bộ lấn chiếm thì có sổ đỏ hết rồi; quán bia đó bao năm chiếm hết vỉa hè nhưng không bị dẹp vì có cán bộ “bảo kê”, những nhà khác vừa bày vài cái ghế ra đã bị nhắc nhở, xử phạt... 

<a title=" />
 

Ảnh minh họa.

Điều rất đáng lo ngại là khi kể những chuyện như trên, người dân thường bày tỏ thái độ bất bình. Không chỉ bức xúc với những cán bộ, người trực tiếp liên quan đến sự việc vi phạm “cả làng, cả phố biết nhưng cơ quan chức năng “không biết”, không xử lý!” mà một số người dân còn bày tỏ sự thiếu tin tưởng vào cấp ủy, chính quyền địa phương, kỷ cương phép nước, thậm chí giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. 

Ví dụ mới đây, việc ông Nguyễn Công Thắng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh sử dụng bằng thạc sĩ giả khiến dư luận hết sức bất bình, bởi qua bao nhiêu cấp, bao nhiêu lượt kiểm tra mà vẫn lọt “con voi”; nhiều người đặt câu hỏi: Liệu có sự bao che, tiếp tay cho cán bộ này?... 

Hay nhiều nhất là tình trạng xây dựng không phép hoặc xây vượt giấy phép được cấp mà cán bộ và cơ quan chức năng "làm ngơ". Chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại phiên họp cuối năm 2022, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu thực tế ở nhiều nơi, rằng: Người dân chỉ cần chở một xe cát để sửa chữa nhỏ ngôi nhà trong ngõ sâu thì cán bộ cơ sở, thanh tra xây dựng biết ngay; thế nhưng có những công trình xây dựng lớn, vi phạm "tày đình" ở ngay mặt đường mà lực lượng chức năng lại "không phát hiện ra"! Điển hình là trường hợp "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản ngang nhiên "xây chui" cả tòa chung cư cao tầng ở phường Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội) nhưng chính quyền cơ sở "không biết", cho đến khi những người mua nhà tại đây không làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng thì mới phát hiện ra (!).

2. Có lẽ cán bộ, đảng viên nào cũng biết lời nhắc nhở, răn dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền" và "Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước". 

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải mẫu mực nêu gương, trước hết là người đứng đầu. Đặc biệt, những năm qua, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về việc cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, như: Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và Kết luận của Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Quy định số 101-QÐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định về những điều đảng viên không được làm... 

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Thực hiện nghiêm các quy định của Ðảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Ðảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiền phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng. Nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và là đạo lý của người đảng viên của Ðảng trước nhân dân; trách nhiệm nêu gương đó phải được thể hiện từ trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự phê bình và phê bình đến trong quan hệ với quần chúng, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ”.

Thực tế những năm qua, Đảng, Nhà nước kiên quyết xử lý nhiều cán bộ, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Từ năm 2012 đến 2022, cả nước đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên có sai phạm, trong đó hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý. Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã khởi tố, điều tra 1.304 vụ/3.523 bị can về các tội tham nhũng (tăng hơn 2 lần về số vụ án và hơn 3 lần về số bị can so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng); thi hành kỷ luật 91 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 17 Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (tăng gần 2 lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII)... Qua đó cho thấy Đảng, Nhà nước ta không bao che, dung túng cho những cán bộ, đảng viên có vi phạm.

Thế nhưng, những sự việc kiểu “con voi chui lọt lỗ kim” mà người dân vẫn thấy ở không ít cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là ở cấp cơ sở vẫn là điều rất đáng báo động. Đáng lưu ý là thông tin hiện nay được lan tỏa rất nhanh và rộng thông qua internet, mạng xã hội, có tác động rất lớn tới tư tưởng, tình cảm, tâm lý của mọi người và dư luận xã hội. Hơn nữa, thời đại văn minh, xã hội dân chủ thực sự rất bất bình, bức xúc trước những sự việc cán bộ, đảng viên đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng, tiêu cực, nhất là những biểu hiện ngang nhiên coi thường kỷ cương phép nước. Nếu vẫn còn hiện tượng “con voi chui lọt lỗ kim” thì niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, Nhà nước sẽ bị suy giảm nghiêm trọng; không kiên quyết ngăn chặn hiệu quả sẽ là mối nguy của Đảng, dẫn đến hậu quả khôn lường. Đây chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

3. Cổ nhân đã đúc rút “Mất niềm tin là mất tất cả” và “Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”. Thấu hiểu sự vô cùng nguy hại của việc cán bộ, đảng viên “Nói một đằng, làm một nẻo” cũng như để xảy ra các vụ việc tiêu cực kiểu "Con voi chui lọt lỗ kim", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: Cán bộ mà không gương mẫu thì dân sẽ không tin; cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiền phong, gương mẫu... Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Trọng tâm là phải phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, coi đây là gốc của mọi vấn đề”... 

Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới mà Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII vừa ban hành cũng đã xác định: Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và tính chiến đấu, sự nêu gương của Đảng. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực, uy tín, có tầm nhìn chiến lược. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, hoạt động hiệu lực, hiệu quả... 

Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm những cán bộ có động cơ sai trái, tư tưởng cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”... Đồng thời, nghị quyết cũng nêu rõ phương châm phải dựa vào sức mạnh của nhân dân, “dân là gốc”, là trung tâm, chủ thể; xây dựng “thế trận lòng dân" vững chắc, "yên dân" là nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phải giữ vững, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo đồng thuận xã hội... 

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản quy phạm pháp luật xác định rất rõ trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức (trong đó có trách nhiệm nêu gương) cũng như trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức trong hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát với phương châm kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm khắc những vi phạm, làm trong sạch đội ngũ, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước... 

Để những nghị quyết, chỉ thị, quy định, phương châm này được thực thi hiệu quả, đòi hỏi chúng ta phải triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp, nhưng thiết nghĩ việc quan trọng nhất là cần triệt để vận dụng bài học lịch sử “dựa vào dân” theo đúng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” mà Đảng ta đã xác định.

Trong đó, cần có những quy chế, quy định cụ thể hơn để phát huy tối đa trách nhiệm và tai mắt của hàng triệu quần chúng nhân dân, kịp thời phát hiện, tố giác những cán bộ, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm; đặc biệt là phải có hệ thống tiếp nhận thông tin tố giác thuận tiện, nhanh chóng và cơ chế bảo vệ, khen thưởng xứng đáng cho người tố giác đúng. Cùng với đó, kiên quyết thực hiện việc truy trách nhiệm đến cùng, xử lý thật nghiêm những cán bộ và cơ quan chức năng để xảy ra vụ việc vi phạm theo kiểu “con voi chui lọt lỗ kim” làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của nhân dân vào kỷ cương phép nước; không để các thế lực thù địch, phản động có cớ lợi dụng công kích, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta. 

Theo QDND