Vượt qua nỗi ám ảnh ngày hè - Bài 2: Quay cuồng trong 4 bức tường

(CTG) Con bị giam lỏng trong nhà làm bạn với tivi, điện thoại; bố mẹ quay cuồng chăm lo cho con, thậm chí có người chọn cách nghỉ làm ở nhà trông con.

“Người giàu cũng khóc”

Gần 3 tuần nghỉ hè, hầu như sáng sớm nào cư dân tầng 8 (chung cư Bắc Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng quen với âm thanh khóc lóc, rồi quát tháo từ căn hộ gia đình anh Nguyễn Đình Lân. Có hôm, anh Lân vừa ra đến thang máy chung cư, đứa con lớn đã hét toáng lên: “Bố, bố ơi, bố về đi, Sóc (con gái thứ 2 của anh Lân - pv) bị nôn rồi…”.

Anh Lân lại vội vàng chạy về dọn dẹp, phỉnh nịnh, nhưng con gái vẫn ôm chặt lấy bố khóc không cho đi làm. Anh đành gọi điện lên công ty xin nghỉ phép ngày hôm đó để ở nhà với con.

Gia đình anh Lân có 2 con gái, bé lớn 11 tuổi, bé nhỏ 5 tuổi. Các mùa hè trước, gia đình anh thường gửi con về ông bà ngoại ở Thái Nguyên nhờ trông giúp, nhưng cách đây mấy tháng ông ngoại bị tai biến, liệt nửa người phải nằm một chỗ, bà ngoại phải chăm ông hằng ngày.

Vì vậy, hè này, vợ chồng anh quyết định để con ở nhà tự trông nhau. Nhưng bé nhỏ 5 tuổi không chịu ở nhà với chị nên sáng nào, bố mẹ đi làm, bé cũng khóc lóc, ăn vạ đòi đi theo.

Vượt qua nỗi ám ảnh ngày hè - Bài 2: Quay cuồng trong 4 bức tường ảnh 1

Lớp giữ trẻ tự phát dịp hè trong chung cư ở quận 12, TPHCM. Ảnh: Ngô Tùng

Vợ anh Lân, chị Ngọc (trưởng phòng kinh doanh của một công ty lớn) thường phải đi làm sớm. Hằng ngày, chị thức dậy lúc 5 giờ chuẩn bị đồ ăn sáng và trưa cho 2 con, còn anh Lân đi làm muộn hơn nên đảm nhận nhiệm vụ cho con ăn sáng; buổi trưa 2 đứa tự lấy cơm ăn. Thế nhưng, hầu như sáng nào, anh chị cũng “đánh vật” với 2 đứa con với đủ cung bậc cảm xúc, nhiều hôm không đủ kiên nhẫn khiến anh Lân nổi nóng quát mắng con.

“Tôi chỉ mong có mô hình bán trú, cho các con được vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động trải nghiệm phong phú trong suốt 2 tháng hè. Mùa hè, tôi chỉ mong con được vui chơi thoải mái nhất có thể, không đặt nặng vấn đề học hành”, chị Mai Thị Hoa (ở Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội)

“Vợ chồng tôi luân phiên nhau xem camera trông con ở nhà. Tivi hầu như mở cả ngày, con không ngủ trưa. Nhiều buổi tối, vợ tôi nấu cơm xong thì con đã ngủ trên ghế sofa rồi, bỏ cả ăn tối.

Thực sự, mùa hè với gia đình tôi là một sự khủng hoảng, các con rất thiệt thòi, bị giam lỏng trong nhà bí bách mà bố mẹ thì căng thẳng, thấp thỏm không yên. Vợ chồng tôi đau đầu cân nhắc mấy phương án gửi con vào các câu lạc bộ để có không gian vui chơi”, anh Lân chia sẻ.

Kế hoạch nghỉ hè cho con trai vừa học xong lớp 1 của gia đình chị Mai Thị Hoa (Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) là cho tham gia 1 khoá học bơi, cùng gia đình đi du lịch 1 tuần, sau đó tham gia trại hè 5 ngày.

“Tốn kha khá tiền cho con trai vui chơi, trải nghiệm ngày hè rồi, nhưng hơn 1 tháng nữa con mới trở lại trường học. Con còn bé quá, để con ở nhà một mình, bố mẹ đi làm không yên tâm. Hiện tôi phải nhờ bà ngoại lên trông con một tuần. Những ngày tiếp theo, tôi chưa biết tính thế nào…”, chị Hoa nói.

Chị Hoa chia sẻ, gia đình chị sẵn sàng chi số tiền lớn cho con được vui chơi ngày hè, nhưng các trại hè, khoá học trải nghiệm chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi kết thúc, con lại rơi vào điệp khúc ở nhà xem tivi, điện thoại. “Tôi chỉ mong có mô hình bán trú, cho các con được vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động trải nghiệm phong phú trong suốt 2 tháng hè. Mùa hè, tôi chỉ mong con được vui chơi thoải mái nhất có thể, không đặt nặng vấn đề học hành”, chị Hoa bày tỏ.

Nghỉ làm để trông con

 

Vài tuần nay, gia đình chị Thanh Phương (ngụ quận 12, TPHCM) rối bời, đảo lộn lịch sinh hoạt vì con nghỉ hè. Chị Phương có hai bé, một bé vừa hoàn thành lớp 1 và một bé đang học lớp mầm non.

Bé lớp mầm non học trường tư nên nghỉ hè được 3 ngày thì đi học trở lại, còn bé vừa xong lớp 1 nghỉ hè cuối tháng 5, dự kiến cuối tháng 8 mới trở lại trường. Phải cắt phép nghỉ nhà trông con, chị Phương tất tả đi tìm chỗ cho con vừa học văn hóa, vừa vui chơi. Tìm được chỗ cho con, chị lại lo “cầy tiền” để chi trả.

Có hai con, chị Minh Hậu (huyện Hóc Môn, TPHCM) đang tính đến giải pháp nghỉ làm lâu dài ở nhà để trông con. Hai con chị Hậu đều đang học trường mầm non công lập nên lịch nghỉ hè kéo dài gần 3 tháng. Chị Hậu làm nhân viên cho một công ty thiết kế nội thất nhưng công việc không ổn định, thu nhập thấp.

“Tôi tính xin việc ở công ty, nhưng tính tới, tính lui, tiền lương không bằng tiền gửi hai con. Lương công nhân mới vào thử việc chỉ 4- 5 triệu đồng/tháng, còn gửi hai con ở trường tư thì mỗi tháng cũng phải 6-7 triệu đồng rồi”, chị Hậu nói. Chị quyết định nghỉ ở nhà trông con đến hết hè mới xin đi làm.

Vượt qua nỗi ám ảnh ngày hè - Bài 2: Quay cuồng trong 4 bức tường ảnh 2

Những đứa trẻ bị giam lỏng trong nhà, làm bạn với thiết bị điện tử. Ảnh: Lưu Trinh

Trong khi đó, buộc phải đi làm nhưng chưa tìm được chỗ gửi con, chị Huyền Trang (quận Gò Vấp, TPHCM) đành phải trông con trai lớp 2 qua camera. Hằng ngày, buổi sáng chị Trang dậy sớm chuẩn bị đồ ăn sáng, ăn trưa cho con trai rồi đi làm. Mọi hoạt động của con chị theo dõi và nhắc nhở qua camera.

“Trước nghỉ hè, hai mẹ con đã nói chuyện với nhau và thống nhất con không về quê với ông bà mà ở lại thành phố. Để ở lại, con phải tuân thủ nội quy ngày do mẹ đặt ra như học bài, tập viết, giờ xem tivi…”, chị Trang nói.

Theo TP