Xây trường nội trú từ cấp xã cho học sinh vùng dân tộc

(CTG) Câu chuyện Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tây Trà, cộng với thành tích giáo dục của huyện miền núi Trà Bồng, nơi hơn 30.000 người dân Kor sinh sống nhưng đứng thứ 5 toàn tỉnh Quảng Ngãi khiến tôi nghĩ tới sự ưu việt của mô hình trường nội trú dân tộc.

Tôi vừa đi Trà Bồng trao phần thưởng cho các em học sinh (HS) Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tây Trà đã đạt thành tích cao trong kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh dành cho HS lớp 9. Cả đội HS giỏi của trường Tây Trà đi thi, gồm 7 em, thì cả 7 em đều đoạt giải, từ giải nhất tới giải khuyến khích.

Em Hồ Thanh Kỹ, HS Tây Trà đoạt giải nhất môn sử, quê ở xã Trà Thanh - xã nghèo nhất tỉnh Quảng Ngãi, và có lẽ, cũng là xã nghèo vào tốp đầu của cả nước. Xã Trà Thanh núi cao vực sâu, địa hình hết sức khó khăn, đất canh tác lại rất hiếm và cằn cỗi, người dân ở đây sống khổ. Nhưng trẻ em ở Trà Thanh nói riêng và Tây Trà nói chung lại học tốt, có thành tích. Đó là nhờ các em được học tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tây Trà. Dù trường nội trú vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng điều kiện sống và học tập của HS nội trú vẫn tốt hơn hẳn HS ngoại trú. Các em được ăn ở trong trường, được các thầy cô chăm sóc, nuôi và dạy các em bằng cả trách nhiệm và nhiệt tình, nên những kết quả của kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh dành cho lớp 9 trường nội trú Tây Trà mới đạt thành tích tốt như vậy.

Xây trường nội trú từ cấp xã cho học sinh vùng dân tộc - Ảnh 1.

Nhà thơ Thanh Thảo tặng quà cho em Hồ Thanh Kỹ

PHẠM ANH

Đời sống người dân ở đây, trong đó chủ yếu là người dân tộc thiểu số, còn rất khó khăn, nhưng nhờ có trường nội trú, các em HS người dân tộc được chăm sóc cả vật chất và tinh thần, nên các em yên tâm và có điều kiện học tập. Nếu không có trường nội trú thì cũng không thể có em Hồ Thanh Kỹ giải nhất môn sử ở kỳ thi HS giỏi lớp 9 toàn tỉnh Quảng Ngãi. Sử là môn rất cần sách vở, cần tài liệu tham khảo mà nếu học ở nhà, học ngoại trú thì thật khó để có kết quả tốt như vậy. Em Kỹ là HS người Kor đầu tiên đoạt giải nhất ở một kỳ thi cấp tỉnh. Đó là niềm vui, niềm tự hào của đồng bào người Kor ở Trà Bồng. Kết quả ấy nói lên tính ưu việt của trường nội trú dân tộc.

Vì thế, mô hình trường nội trú dân tộc ở ngay cấp xã, là mô hình rất cần được xây dựng và nhân rộng. Vì chỉ có như thế, các em vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa mới có cơ hội thực sự được đi học, và có điều kiện thu nhận kiến thức thành công một cách thực chất.

Cách đây hơn 10 năm, tôi cũng đã vận động được một doanh nghiệp từ Hà Nội vào Quảng Ngãi tìm cơ hội kinh doanh, và doanh nghiệp này đã bỏ tiền xây ngôi nhà lưu trú cho các em HS tiểu học ở vùng núi Gò Da. Các em được có nhà ở, học nội trú tại Trường tiểu học Sơn Ba, Sơn Hà. Kết quả sau 10 năm, số HS nội trú ở trường này đều có kết quả tốt. Đó chưa phải là ngôi trường nội trú hoàn toàn, nhưng chỉ cần có nhà lưu trú, các em HS khó khăn được ở nội trú, thì tình hình học tập của các em được cải thiện ngay.

Nếu trường nội trú ở cấp học mầm non, cấp tiểu học HS cần được dạy và dỗ thì ở cấp THCS, HS người dân tộc lại cần được nuôi và dạy.

Mô hình trường nội trú từ cấp xã ở vùng dân tộc thiểu số khó khăn là mô hình tốt nhất cho giáo dục phổ thông, cho HS người dân tộc thiểu số. Mô hình ấy hoạt động nhờ hai nguồn: nhà nước cấp kinh phí và xã hội ủng hộ. Nếu hai nguồn này phối hợp tốt thì trường nội trú dân tộc từ cấp xã sẽ hoạt động có hiệu quả. Các thế hệ HS người dân tộc thiểu số sẽ có điều kiện hoàn thành tốt chương trình học phổ thông, mở đường cho các em tiến xa hơn trên hành trình phát triển của cả dân tộc mình.

Theo Thanh Niên