Quý IV/2023 công bố phương án thi tốt nghiệp THPT 2025
Tại cuộc gặp gỡ đối thoại với giáo viên cả nước ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết thời gian chốt phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 là quý IV/2023.
Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ điều chỉnh nội dung câu hỏi sao cho bước đầu phù hợp với chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, phương án thi sẽ không gây bất ngờ, gây sốc với học sinh lẫn phụ huynh. Lứa học sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cũng chưa được trải nghiệm toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông mới mà chỉ được học trong ba năm lớp 10, 11, 12.
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến giáo viên, chuyên gia về dự thảo phương án thi theo hướng học sinh thi 4 môn bắt buộc gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ, lịch sử và 2 môn tự chọn trong 7 môn vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đối thoại với giáo viên cả nước ngày 15/8 (Ảnh: Bộ GD&ĐT).
Xem xét sửa lại chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở nội dung môn tích hợp
Nói về chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá điểm vướng mắc nhất của chương trình là việc dạy môn tích hợp.
Căn cứ vào thực tế triển khai, sắp tới, lãnh đạo Bộ GD&ĐT sẽ quyết định xem xét điều chỉnh việc dạy môn tích hợp ở bậc THCS, chỉ giữ môn tích hợp ở bậc tiểu học.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ tham khảo thêm ý kiến chuyên gia và cân nhắc kỹ lưỡng, khả năng cao sẽ đưa ra điều chỉnh chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với môn học tích hợp song không gây xáo trộn, không ảnh hưởng tới đội ngũ giáo viên đã được đào tạo, bồi dưỡng dạy liên môn.
Nếu việc điều chỉnh này diễn ra, đây sẽ là điều chỉnh lớn nhất đối với chương trình Giáo dục phổ thông mới sau 3 năm triển khai.
Kiến nghị đưa giáo viên mầm non vào nhóm lao động nặng nhọc
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ đã thống nhất sẽ tăng ưu đãi phụ cấp cho giáo viên mầm non lên 10% và tăng 5% cho giáo viên tiểu học. Mức tăng này đang chờ ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính.
Lãnh đạo ngành giáo dục hy vọng việc tăng phụ cấp sẽ giúp bù đắp cho các giáo viên trong bối cảnh mặt bằng thu nhập thấp, áp lực công việc cao.
Nhiều ý kiến giáo viên tại hội nghị cho biết giáo viên mầm non phải làm việc lên đến 10-12 tiếng mỗi ngày. Sáng 6h30 có mặt tại trường, trưa phải trông trẻ ăn ngủ, chiều tối chờ phụ huynh đón trẻ tới 6h mới được về.
Một số tỉnh thành phải huy động nguồn lực xã hội hóa để phụ cấp thêm cho số giờ lao động ngoài giờ của giáo viên mầm non.
Ông Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết thêm Bộ GD&ĐT kiên trì kiến nghị đưa đối tượng giáo viên mầm non vào đối tượng lao động nặng nhọc để giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non là 55 tuổi (đối với nữ).
Sự kiện Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục diễn ra trong cả ngày 15/8. Có hơn 6000 ý kiến được gửi về, trong đó có 4000 ý kiến của giáo viên, hơn 1000 ý kiến của nhân viên trường học, còn lại là của cán bộ quản lý.
Trong 4000 ý kiến của giáo viên có khoảng 2000 ý kiến về chế độ tiền lương, phụ cấp, gần 200 ý kiến phản ánh về việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, những bất cập trong việc xếp lương sau khi giáo viên hoàn thành đạt chuẩn đào tạo...
Những khó khăn trong việc dạy và học của trường học vùng cao cũng được nêu ra với thực trạng thiếu thốn về cơ sở vật chất từ phòng học, bếp ăn bán trú, nhà công vụ cho giáo viên tới những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu như nước. Tại một số điểm trường, phụ huynh phải nộp nước hằng ngày để cô giáo chăm sóc trẻ.
Ở khối đại học, các ý kiến chủ yếu xoay quanh vấn đề tự chủ đại học, nghiên cứu khoa học, thu nhập giảng viên, quy hoạch các trường cao đẳng sư phạm... Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết sắp tới sẽ có những giải pháp triệt để nhằm "cứu" trường cao đẳng sư phạm, trong đó tính tới phương án sáp nhập trường cao đẳng sư phạm vào các trường đại học hoặc cao đẳng đa ngành.
Theo Dân Trí |