Xử trí người đột quỵ tim

(CTG) Nhận biết dấu hiệu, cấp cứu trong hai giờ đầu, mới rộng quần áo, phần cổ cho người bệnh, không chọc kim vào đầu ngón tay... là cách xử trí khi đột quỵ tim.

Gần đây có nhiều trường hợp đột quỵ tim (nhồi máu cơ tim) khi chơi thể thao. Vào cuối tháng 2, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân nam, 49 tuổi đột quỵ tim cấp sau khi chơi cầu lông. Người bệnh đến khám sớm, được các bác sĩ can thiệp kịp thời.

ThS.BS Dương Công Lĩnh, khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết trong quá trình tập luyện và chơi thể thao cường độ cao, nhịp tim và huyết áp thay đổi thất thường. Lúc này, các cơ quan hoạt động nhanh hơn bình thường nhiều gây thiếu máu lên não, thiếu oxy dẫn tới đột quỵ. Huyết áp tăng dễ khiến các mảng xơ vữa rạn nứt, gây đột quỵ tim ở người có bệnh nền.

Cấp cứu kịp thời là điều quan trọng nhất để cứu sống người bị đột quỵ tim, theo bác sĩ Lĩnh. Thời gian "vàng" cấp cứu đột quỵ tim là hai giờ đầu từ khi có dấu hiệu khởi phát. Người bệnh được cấp cứu muộn hơn so với thời gian khuyến cáo có thể nguy hiểm đến tính mạng. Người xuất hiện mệt mỏi, đánh trống ngực, khó thở, chóng mặt, choáng váng, nhịp tim tăng và huyết áp tăng cần đến cơ sở y tế kiểm tra sớm.

Can thiệp đặt stent tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cứu sống nhiều bệnh nhân đột quỵ tim cấp. Ảnh: Trung Vũ

Can thiệp đặt stent tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cứu sống nhiều bệnh nhân đột quỵ tim cấp. Ảnh: Trung Vũ

Trong thời gian chờ bác sĩ đến, người nhà có thể chủ động sơ cứu cho bệnh nhân. Để người bệnh nằm nghỉ ngơi trên mặt phẳng với tư thế đầu và lưng nghiêng khoảng 45 độ. Nới rộng quần áo, phần cổ cho người bệnh. Tuyệt đối không bấm huyệt, đánh gió hay tự ý chọc kim vào đầu ngón tay.

Trường hợp người bệnh bất tỉnh nên thực hiện ép tim ngoài lồng ngực. Để người bệnh nằm lên mặt phẳng, quỳ phía bên trái của người bệnh. Dùng hai tay chồng lên nhau và đặt lên tim của người bệnh. Ép mạnh và sâu xuống khoảng 1/3 lồng ngực sau đó nới lỏng tay. Lặp lại liên tục động tác này khoảng 100-120 lần mỗi phút để tim đập trở lại.

Người bệnh tập luyện sau hai ngày điều trị đột quỵ tim cấp tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh minh họa: Trung Vũ

Người bệnh tập luyện sau hai ngày điều trị đột quỵ tim cấp tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh minh họa: Trung Vũ

Đột quỵ tim khi chơi thể thao chia làm hai nhóm. Nhóm người mắc bệnh lý nền liên quan đến tim mạch, hô hấp, dị dạng mạch máu não... thường không có triệu chứng, chỉ phát hiện bệnh khi tai biến xảy ra. Nhiều trường hợp bệnh nhân có bệnh lý nền tiềm ẩn nhưng không biết do không khám. Nhóm thứ hai là người chơi thể thao gắng sức chơi thể thao vượt quá so với sức chịu đựng của bản thân. Bác sĩ Lĩnh cho biết đây là nguyên nhân gây khởi phát ở đa số các ca tử vong do nhồi máu cơ tim khi chơi thể thao.

Dưới đây cách phòng tránh đột quỵ tim khi chơi thể thao.

Tầm soát sức khỏe định kỳ để chọn bộ môn và cường độ tập luyện phù hợp. Chủ động theo dõi các chỉ số huyết áp, nhịp tim trước và sau khi chơi. Huấn luyện viên có thể giúp người tập xây dựng các bài tập luyện quả, phù hợp với sức khỏe hệ tim mạch.

Với nhóm người có bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, đã đặt stent, tiền sử suy timhoặc mắc các bệnh lý về não, hô hấp khác cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi chọn bộ môn. Bóng đá, chạy bộ phù hợp cho thanh thiếu niên. Người cao tuổi, mắc các bệnh lý nền liên quan đến tim mạch, não, hô hấp tránh vận động quá sức, có thể đi bộ, đạp xe, yoga.

Khi chơi thể thao không nên tập gắng sức, không gia tăng cường độ tập đột ngột. Trước khi chơi thể thao nên khởi động kỹ để cơ thể làm quen từ từ. Trong và sau khi chơi cần bổ sung đủ lượng nước để tránh tình trạng mất nước.

Người chơi thể thao cần xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, bổ sung nhiều vitamin, chất xơ. Hạn chế uống rượu bia, các thực phẩm chế biến sẵn để giảm gánh nặng cho tim.

Chọn loại trang phục chuyên biệt để đáp ứng thời tiết. Hạn chế chơi thể thao ngoài chơi khi thời tiết thất thường, quá lạnh hoặc quá nóng.

Theo Vnexpress