Ý tưởng khởi nghiệp vì cộng đồng

(CTG) Vượt qua gần 500 ứng viên, 14 sinh viên (SV) thuộc ba đội đoạt giải cao nhất cuộc thi “Thắp sáng 2011” sẽ đại diện cho VN tham dự vòng bán kết cuộc thi khởi nghiệp trẻ quốc tế tại Mỹ và Singapore vào khoảng tháng 4-2012.

 

Các thành viên trong đội giành giải nhất - đội Green Bricks  - Ảnh: Bình Thanh

 

Đây là chương trình đào tạo và tranh tài ý tưởng khởi nghiệp cho SV do Mạng lưới khởi nghiệp trẻ VN (Viet Youth Entrepreneurs - VYE) phối hợp với ĐH Quốc gia TP.HCM và Chương trình đầu tư công nghệ thuộc ĐH Stanford (Mỹ) tổ chức.

Vì màu xanh và cộng đồng

 

Giải nhất cho gạch “rác thải”

Mô hình kinh doanh gạch “rác thải” được ban giám khảo đánh giá có tính thực tiễn cao, chi phí thấp và có khả năng thu hút sự ủng hộ từ các nhà đầu tư. “Giành giải nhất chung cuộc và sang Mỹ tham gia cuộc thi khởi nghiệp trẻ do ĐH Stanford (bang California) tổ chức không chỉ là cơ hội lớn để đội chúng tôi có thể giới thiệu dự án và tìm kiếm khả năng hợp tác từ các nhà đầu tư quốc tế, mà còn là dịp để đội giao lưu học hỏi với cộng đồng doanh nhân trẻ thế giới” - Nguyễn Hoàng Trúc My (SV ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM), thành viên của đội, nói.

 

Trần Kim Ngân (SV ngành quản trị kinh doanh ĐH Griggs, Hoa Kỳ, liên kết với ĐH Quốc gia Hà Nội) cùng các thành viên đội Green Bricks (tạm dịch “Những viên gạch xanh”) đưa ra ý tưởng kinh doanh gạch sản xuất từ rác thải sinh hoạt.

Dự án “Tái chế rác thải sinh hoạt (có từ hộ gia đình) đã qua xử lý để sản xuất vật liệu xây dựng” của nhóm đã giải quyết sơ bộ các vấn đề từ “đầu vào” đến “đầu ra” của sản phẩm. Dự án trình bày quy trình xử lý rác ở TP.HCM, tìm kiếm đối tác chính, đối tác tiềm năng; thị trường tiêu thụ, lập kế hoạch quảng bá sản phẩm, báo cáo tài chính... Ngoài ra, các bạn cũng đã mời được các chuyên gia về các lĩnh vực môi trường, kỹ thuật xây dựng tham gia ban cố vấn để hoàn thiện và phát triển dự án.

Theo tính toán kinh doanh của đội, sản xuất một viên gạch không nung theo kỹ thuật này chỉ chiếm khoảng 50% chi phí so với các loại gạch thông thường. Điều quan trọng: đây là sản phẩm sinh thái, giảm thiểu rác thải, giảm lượng khí thải CO2...

Cùng chung ý tưởng khởi nghiệp mang đến lợi ích cho cộng đồng, Nguyễn Thị Cẩm Vân (SV ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM) cùng đội của mình xây dựng dự án “Sản phẩm móc (một kiểu đan) bằng tay vật liệu 100% cotton”. Cẩm Vân chia sẻ: “Tại TP Huế quê mình, các công ty nước ngoài thuộc lĩnh vực thời trang thuê nhân công móc sản phẩm có tay nghề cao nhưng trả tiền công rất thấp. Điều đó thôi thúc mình tạo ra một mô hình kinh doanh nghề truyền thống, đem lại cơ hội việc làm cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn với thu nhập tương xứng”.

Trước đó Cẩm Vân đã thử kinh doanh mặt hàng này tại Huế và các sản phẩm móc như áo, vòng đeo cổ, miếng lót ly... và bán khá chạy. Cẩm Vân tham vọng sẽ mở rộng thêm một số thị trường khác trong và ngoài nước. Trong thời gian tham gia chương trình “Làm việc và du lịch hè tại Mỹ” (hè 2010), Vân đã thực hiện một số cuộc khảo sát các sản phẩm này cho người Mỹ, người VN tại Mỹ đều nhận được những đánh giá tốt. Vân cũng đang gấp rút hoàn thiện trang web bán hàng trên mạng để khách hàng có thể lựa chọn thoải mái các kiểu dáng, màu sắc, kích cỡ theo nhu cầu và sở thích của mình trước khi đặt hàng.

Cảm hứng khởi nghiệp

Riêng đội Delight (tạm dịch “Sự thích thú”) mang tới cuộc thi một ý tưởng mới: “WiFi - Ad”. Một ngày trước trận chung kết, khi hỏi mật khẩu WiFi tại một quán cà phê, Võ Trung Phương (du học sinh tại ĐH New South Wales, Sydney, Úc) bất ngờ nảy ra ý tưởng lồng quảng cáo qua dịch vụ Internet WiFi tại các cửa hàng, quán xá. Cách làm này sẽ huy động các doanh nghiệp cùng chi trả cước phí WiFi tại các tụ điểm để nhiều người được dùng miễn phí, đổi lại doanh nghiệp được quảng cáo thương hiệu, sản phẩm.

Đội của Phương hi vọng mô hình kinh doanh này sẽ được nhân rộng theo xu hướng phát triển toàn cầu.

Hai đội đoạt giải nhì (WiFi - Ad) và ba (Crochet) sẽ tham dự cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trẻ cùng bè bạn quốc tế tại ĐH Quốc gia Singapore (NUS) cũng trong tháng 4-2012.

“Có điều kiện tham dự khóa học chuyên sâu về khởi nghiệp với các giáo sư nước ngoài, gặp gỡ và thảo luận với các doanh nhân thành đạt, với các nhà đầu tư tiềm năng là một cơ hội lớn, nâng cao sự hiểu biết về kinh doanh và định hướng con đường khởi nghiệp tương lai đối với những người trẻ như mình” - Đức Toàn (SV ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM) bày tỏ sau bảy ngày tham gia chương trình. Trong suốt khóa học và cuộc thi, các bạn trẻ liên tục có nhiều cơ hội rèn luyện và nâng cao các kỹ năng hoạt động nhóm, kỹ năng ứng phó nhanh, hùng biện, trau dồi vốn ngoại ngữ...

Đông Hương (19 tuổi, đồng trưởng ban tổ chức chương trình VYE, SV ĐH Stanford, Mỹ) cho biết: “VYE sẽ cố gắng tổ chức chương trình này hằng năm. Ngoài ra sẽ có thêm những dự án khác nhằm hỗ trợ và phát triển các hoạt động khởi nghiệp của giới trẻ”.

Theo TTO