‘3 được’ sau 25 năm chiến dịch tình nguyện hè tại Bến Tre

(CTG) Qua 25 năm triển khai Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, thanh niên tỉnh Bến Tre đã thu về 3 được: Được người, được việc và được phong trào. Cùng đó, thu được bài học lớn về phương thức vận động nguồn lực phát triển địa phương.

Khơi dậy tinh thần tình nguyện của thanh niên

Chiến dịch Mùa hè xanh chính thức triển khai tại Bến Tre từ năm 2000, diễn ra tại 20 xã, với 716 sinh viên thuộc 7 trường Đại học, Cao đẳng của TPHCM. Với các hoạt động đầu tiên xoay quanh phổ cập xóa mù chữ, tuyên truyền pháp luật cho người dân, thanh thiếu nhi. Các chiến sĩ tình nguyện đã mang ánh sáng văn hóa, văn minh đến những vùng nông thôn xa xôi.

‘3 được’ sau 25 năm chiến dịch tình nguyện hè tại Bến Tre ảnh 1

Đoàn viên thanh niên Bến Tre hỗ trợ nước ngọt cho bà con mùa hạn mặn 2024. Ảnh: Hòa Hội

Từ năm 2003, Chiến dịch Mùa hè xanh được tổ chức ở 100% các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Hoạt động tình nguyện trở thành thương hiệu của tuổi trẻ, hình ảnh quen thuộc trong nhận thức của đoàn viên, thanh thiếu nhi và người dân Bến Tre. Nơi nào không có sinh viên tình nguyện về hoạt động sẽ có lực lượng thanh niên và người dân tại địa phương tham gia. Từ đó, nội dung hoạt động của Chiến dịch cũng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực Tại Bến Tre, Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè đã được triển khai suốt 25 năm qua.

‘3 được’ sau 25 năm chiến dịch tình nguyện hè tại Bến Tre ảnh 2

Chị Lâm Như Quỳnh - Bí thư Tỉnh Đoàn Bến Tre cùng ĐVTN, cán bộ hỗ trợ nước ngọt cho bà con sinh hoạt mùa hạn mặn. Ảnh: Hòa Hội

Chị Lâm Như Quỳnh - Bí thư Tỉnh Đoàn Bến Tre cho biết, trải qua 25 năm, Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè đã trở nên quen thuộc không thể thiếu trong đời sống thanh niên mỗi dịp hè về. Những bàn tay, khối óc của hàng ngàn thanh niên tình nguyện đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng tỉnh Bến Tre ngày càng phát triển. Những công trình, phần việc đã để lại dấu ấn sâu đậm, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, nhất là xây dựng nông thôn mới.

Qua chiến dịch đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng, câu chuyện đẹp, kỷ niệm khó có thể phai mờ trong tâm trí những người lãnh đạo, chỉ huy, những gia đình nuôi quân và mỗi chiến sĩ đã từng tham gia Chiến dịch.

‘3 được’ sau 25 năm chiến dịch tình nguyện hè tại Bến Tre ảnh 3

ĐVTN, sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ bà con làm đường nông thôn.

Phong trào Thanh niên tình nguyện đã trở thành làn sóng mạnh mẽ khơi dậy trong đoàn viên, thanh niên tinh thần dấn thân tình nguyện. Để cùng "nhịp bước" với màu áo xanh là bước chân của những Đội hình Kỳ nghỉ hồng, Khăn hồng tình nguyện, Hành quân xanh, Luật gia trẻ, Niềm tin xanh (nay là hoa phượng đỏ), Tiếp sức mùa thi... đã góp phần tạo nên sự phong phú và tăng thêm sức mạnh cho chiến dịch.

‘3 được’ sau 25 năm chiến dịch tình nguyện hè tại Bến Tre ảnh 4

Đoàn viên thanh niên tham gia vệ sinh môi trường.

3 được của phong trào tình nguyện

Đánh giá 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè trên địa bàn tỉnh Bến Tre, chị Lâm Như Quỳnh cho biết, kết quả Chiến dịch đã thể hiện 3 cái được: Được người, Được việc và Được phong trào.

Theo chị Quỳnh, thông qua các hoạt động của chiến dịch đã tạo môi trường tốt cho thanh niên tình nguyện rèn luyện, cống hiến và trưởng thành (được người). Chính được cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con nhân dân, các chiến sĩ tình nguyện đã hiểu được những vất vả, khó khăn, thấy được những nhiệm vụ thực tế. Từ đó, hầu hết các thanh niên tình nguyện đều trưởng thành trong nhận thức, lời nói, việc làm, nhiều người sau này đã trở thành cán bộ giỏi tiếp tục cống hiến cho các tổ chức, địa phương. Với họ ký ức của những mùa hè tình nguyện chưa bao giờ phai mờ mà đã trở thành niềm tự hào của thanh xuân.

‘3 được’ sau 25 năm chiến dịch tình nguyện hè tại Bến Tre ảnh 5

Sinh viên tình nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới.

Được việc ở chỗ, Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè cũng đã mang lại hiệu quả cả về mặt kinh tế, chính trị, xã hội, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, thu hút được sự quan tâm, tham gia không chỉ thanh niên, thiếu niên, nhi đồng mà kể cả nhiều tầng lớp nhân dân, góp phần đáng kể thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.

Kết quả, có hơn 10.700 công trình thanh niên, hơn 960 cây cầu được sửa chữa và xây mới; trồng trên 800.000 cây xanh; sửa chữa và xây mới hơn 3.500 ngôi nhà; khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho hơn 136.700 lượt người; thăm hỏi, tặng quà cho hơn 175.500 lượt gia đình chính sách, người dân có hoàn cảnh khó khăn; tặng trên 14.000 suất học bổng cho học sinh khó khăn… Các hoạt động đã huy động hơn 70.000 lượt thanh niên tình nguyện trong và ngoài tỉnh tham gia.

‘3 được’ sau 25 năm chiến dịch tình nguyện hè tại Bến Tre ảnh 6

ĐVTN hỗ trợ người dân sửa nhà.

Được phong trào ở chỗ, Chiến dịch đã có những đóng góp quan trọng cho phong trào thanh niên tình nguyện; thúc đẩy mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên tỉnh Bến Tre ngày càng mở rộng, tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ngày càng thể hiện được vai trò là người bạn đồng hành của thanh niên, được thanh niên tin tưởng.

Sau 25 năm triển khai Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, Tỉnh Đoàn Bến Tre cũng chỉ ra một số điểm cần thực hiện thời gian tới. Trong đó, công tác tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành kế hoạch tổ chức Chiến dịch và sớm họp triển khai, có đề ra chỉ tiêu và lộ trình thực hiện cụ thể.

‘3 được’ sau 25 năm chiến dịch tình nguyện hè tại Bến Tre ảnh 7

Khám bệnh cho người dân.

Cùng đó, luôn quan tâm và đặt vấn đề an ninh, an toàn cho chiến sĩ và thanh niên tình nguyện là yếu tố tiên quyết, hàng đầu trong triển khai Chiến dịch. Các địa phương cần có sự chuẩn bị sớm về công trình, phần việc thực hiện trong Chiến dịch, công tác xã hội hóa, sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân để tăng hiệu quả chiến dịch.

‘3 được’ sau 25 năm chiến dịch tình nguyện hè tại Bến Tre ảnh 8

ĐVTN hỗ trợ người dân chở nước về nhà sinh hoạt.

Thực hiện tốt chủ trương “3 liên kết” của Trung ương Đoàn, phát huy tất cả các lực lượng tham gia từ đoàn viên, hội viên, thanh niên, sinh viên, học sinh… Phối hợp phát huy tối đa tính chuyên môn, nghiệp vụ của các đội hình chuyên, sở trường và thế mạnh của sinh viên từng trường trong và ngoài tỉnh, để sản phẩm mang lại cho địa phương mang giá trị bền vững.

Theo TP