Ngày 27/12, tại Hà Nội, Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đoàn lần thứ 9, khóa XII đã thảo luận, xét chọn sự kiện, hoạt động tiêu biểu công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2024; công trình thanh niên tiêu biểu toàn quốc năm 2024.
Hội nghị đã thống nhất lựa chọn 8 sự kiện, hoạt động tiêu biểu trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2024 ở các lĩnh vực: Công tác tuyên truyền, giáo dục; các phong trào hành động cách mạng; công tác phụ trách Đội, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng; công tác Quốc tế thanh niên; công tác tổ chức xây dựng Đoàn.
1.Chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Chuỗi hoạt động T.Ư Đoàn phối hợp với Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam triển khai, với nhiều hoạt động trọng tâm trong dịp kỷ niệm.
Cụ thể, cuộc thi tìm hiểu 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 70 năm ngày ký Hiệp định Geneve, theo hình thức trắc nghiệm tương tác trực tuyến và thi viết. Cuộc thi đã thu hút gần 100 nghìn lượt xem trực tuyến và 50.000 lượt chia sẻ; gần 1 triệu bài viết dự thi.
Anh Bùi Quang Huy - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn trao cờ lệnh xuất quân các đoàn hành trình. Ảnh: Xuân Tùng |
Hành trình “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông” diễn ra từ 24 – 26/4, chia thành 3 tuyến hướng về thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Tại mỗi điểm hành trình đi qua, đã tổ chức các hoạt động gắn với các địa danh lịch sử - văn hoá của và hoạt động an sinh xã hội.
Tổng nguồn lực cả hành trình hỗ trợ các địa phương trong khuôn khổ hành trình hơn 7,6 tỉ đồng. Trong đó, nguồn lực hỗ trợ tỉnh Điện Biên là hơn 6,3 tỉ đồng, nguồn lực hỗ trợ các tỉnh cụm Tây Bắc bộ trên tuyến hành trình là hơn 1,2 tỉ đồng.
Cùng với hành trình “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông”, có hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi" do T.Ư Hội LHTN Việt Nam tổ chức; hành trình “Sinh viên với khát vọng non sông” do T.Ư Hội SVVN tổ chức; Liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” lần thứ V, chương trình nghệ thuật “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông”.
Trong hành trình đã diễn ra nhiều hoạt động, công trình, phần việc ý nghĩa diễn ra tại Điện Biên. Ảnh: Xuân Tùng |
2. Chuỗi hoạt động kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng, người đoàn viên TNCS đầu tiên
Các hoạt động hướng đến kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng bao gồm: Lễ kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, trao Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2024 và phát động đợt sinh hoạt truyền thống “Sáng mãi con đường cách mạng của thanh niên”; công chiếu vở kịch “Sống mãi tuổi 17”, Hội thảo khoa học “Tinh thần Lý Tự Trọng - Khát vọng của thanh niên”, chương trình nghệ thuật “Sáng mãi con đường cách mạng của thanh niên” và Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng - người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên.
Trong chuỗi chương trình, T.Ư Đoàn tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, an sinh xã hội tại tỉnh Hà Tĩnh như: Xây dựng cột cờ Tổ quốc và cờ Đoàn tại Khu lưu niệm Lý Tự Trọng; tặng 1.000 bản đồ giấy và 100 bản đồ khung hưởng ứng Cuộc vận động “Tự hào một dải non sông”; tặng công trình giáo dục truyền thống của Đoàn - “Sáng mãi tên Anh” tại Khu lưu niệm Lý Tự Trọng; thực hiện số hóa Khu lưu niệm Lý Tự Trọng.
Trao tặng 6 nhà nhân ái, nhà khăn quàng đỏ cho thanh thiếu nhi, người dân có hoàn cảnh khó khăn; trao tặng 2 công trình “Thắp sáng đường quê”; thăm, tặng quà cho thân nhân anh Lý Tự Trọng; trao tặng 320 suất học bổng cho thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; trao tặng máy tính và bể bơi di động cho các trường học mang tên anh Lý Tự Trọng tại Tỉnh Hà Tĩnh; hỗ trợ tôn tạo Khu chứng tích chiến tranh đặc biệt - Trường cấp II Hương Phúc, Hương Khê, Hà Tĩnh. Tổng trị giá hơn 1,9 tỷ đồng.
3. Đợt thi đua cao điểm tình nguyện tham gia hỗ trợ thi công công trình đường dây 500kV mạch 3 đoạn Quảng Trạch (Quảng Bình) – Phố Nối (Hưng Yên).
Ngay sau khi nhận được Công điện của Thủ tướng Chính phủ, ngày 1/6/2024, Ban Bí thư T.Ư Đoàn và Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức họp trực tuyến với 9 tỉnh Đoàn tại các địa phương có đường dây đi qua để triển khai các hoạt động tình nguyện hỗ trợ thi công công trình.
Trong 30 ngày triển khai Đợt thi đua cao điểm tình nguyện tham gia hỗ trợ thi công công trình đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối, nhiều hoạt động ý nghĩa đã được triển khai, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp, thu hút đông đảo đoàn, viên thanh niên và người dân hưởng ứng. Các hoạt động Đoàn tham gia hỗ trợ tháo dỡ công trình đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng dân cư nơi triển khai dự án.
Anh Bùi Quang Huy - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn thăm, tặng quà các đội hình tình nguyện, lực lượng thi công dự án 500kV mạch 3 tại Thanh Hóa. Ảnh: Xuân Tùng |
Các nội dung tuyên truyền được triển khai với tần suất cao trên các trang mạng xã hội và các kênh thông tin báo chí trong và ngoài Đoàn. Qua thống kê trên ứng dụng Reputa trong 30 ngày triển khai Đợt thi đua cao điểm với từ khóa “Dự án Đường dây 500kV mạch 3” cho thấy có 5.395 kết quả, với 2.205.236 lượt tiếp cận. Trong đó, đã có 2.595 tin, bài được đăng tải trên báo chí và 2.431 tin, bài trên mạng xã hội.
Tuổi trẻ Nghệ An tham gia hỗ trợ thi công dự án 500kV mạch 3 đi qua địa bàn tỉnh. |
465 đội hình thanh niên tình nguyện đã hoàn thành hỗ trợ tháo dỡ 262 công trình nhà ở, 150 chuồng trại và vật kiến trúc; giải tỏa, phát quang 176 ha rừng sản xuất và chặt hạ 22.826 cây tại khu vực đồng bằng, khu vực dân cư nơi có hành lang tuyến đường dây 500kV đi qua để bàn giao mặt bằng thi công công trình.
Chỉ đạo 96 đội hình thanh niên tình nguyện chủ động tham gia hỗ trợ vận chuyển vật tư, lắp đặt giàn giáo; cảnh giới, điều phối đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công kéo dây tại các điểm tuyến, vị trí giao cắt với đường giao thông phục vụ cho công tác thi công kéo dây.
4. Hành trình Trung thu cho em “Lồng đèn thắp sáng ước mơ”
Hành trình Trung thu cho em “Lồng đèn thắp sáng ước mơ” với chủ đề “Trung thu cùng bạn vui đến trường” diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa. Hành trình đã trao tặng hơn 15.000 lồng đèn và quà Trung thu cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, vùng biên cương, biển đảo; các em ở mái ấm, nhà mở, trung tâm bảo trợ, nuôi dạy trẻ em, cơ sở chăm sóc trẻ khuyết tật, trẻ em bị mắc bệnh hiểm nghèo; trẻ mồ côi, trẻ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại 18 tỉnh, thành phố.
Hành trình cũng đã tặng quà Trung thu cho thiếu nhi các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng do bão số 3 (siêu bão Yagi) gồm 15 tỉnh, thành phố.
Trong chuỗi hoạt động hành trình, nhiều công trình, hoạt động ý nghĩa với thiếu nhi Đắk Lắk dịp Trung thu. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Đây là năm thứ 12 của hành trình Trung thu cho em, năm thứ 4 của Chương trình “Lồng đèn thắp sáng ước mơ” do T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức. Đây là hoạt động không được cấp ngân sách Nhà nước.
Kinh phí tổ chức chương trình và các hoạt động được vận động từ nguồn xã hội hoá với tổng giá trị nguồn lực trao tại các địa phương hơn 12,9 tỉ đồng.
Các hoạt động của hành trình được tất cả tổ chức Đoàn, Đội các tỉnh, thành phố và cơ sở hưởng ứng, tham gia với nhiều hoạt động chăm lo ý nghĩa, thiết thực dành cho các em thiếu nhi cả nước.
Tại tỉnh Đắk Lắk, T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, mang đậm tinh thần nhân văn sâu sắc cho các em thiếu nhi.
Nổi bật, có triển lãm ảnh Hành trình “Lồng đèn thắp sáng ước mơ”; các hoạt động vui chơi, trải nghiệm và giao lưu cho thiếu nhi; khánh thành, trao tặng “Không gian đọc sách, tương tác và sinh hoạt Đội”, thi bày mâm cỗ Trung thu, trang trí lồng đèn; rước đèn, múa lân. Trao tặng 1.200 phần quà cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk với trị giá 1 tỷ đồng.
5. Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II - năm 2024
Từ ngày 27 - 29/9, T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tổ chức thành công Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II - năm 2024.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ II năm 2024. Ảnh: Như Ý |
Phiên họp lần thứ II được chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung với nhiều điểm mới, sáng tạo, như: khảo sát, lấy ý kiến về chủ đề phiên họp với sự tham gia của 326.131 trẻ em; các phiên họp bám sát quy trình của kỳ họp Quốc hội.
Phiên khai mạc; phiên thảo luận tổ, đặc biệt là phiên Chất vấn và trả lời chất vấn theo hình thức “Hỏi nhanh, đáp gọn”, các “đại biểu trẻ em” chất vấn, tranh luận với các Bộ trưởng giả định do trẻ em đóng vai xoay quanh những vấn đề về 2 chủ đề phiên họp.
Phiên chất vấn có sự tham dự, phát biểu của các đồng chí Chủ tịch Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Y tế…
Các đại biểu tham gia phiên chất vấn Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II. |
Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II đã mang lại những kết quả thiết thực khi tại phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 10/2024, Quốc hội đã lựa chọn 3 nhóm vấn đề chất vấn, trong đó lĩnh vực y tế có nội dung “Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường” - một trong 02 chủ đề của phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II - năm 2024.
6. Gặp gỡ Thanh niên Việt Nam – Trung Quốc lần thứ 23 tại Trung Quốc
Gặp gỡ Hữu nghị Thanh niên Việt Nam – Trung Quốc lần thứ 23 năm 2024 tại Trung Quốc, từ ngày 11 – 20/10. Đoàn 100 đại biểu thanh niên Việt nam được chia thành 3 nhóm tham gia nhiều hoạt động.
Trong khuôn khổ Chương trình Gặp gỡ, tổ chức Đoàn hai nước đã tổ chức ký kết: Biên bản ghi nhớ giữa T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và T.Ư Đoàn TNCS Trung Quốc; Biên bản ghi nhớ giữa Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Trung tâm Giao lưu Thanh niên Quốc tế Trung Quốc.
Hai biên bản ghi nhớ bao gồm nhiều nội dung thanh niên hai nước quan tâm và có thế mạnh, vừa là cơ sở để mở ra một giai đoạn hợp tác mới giữa thanh niên hai nước, vừa là hình mẫu để các cấp bộ Đoàn hai nước tăng cường hợp tác, giao lưu, thiết thực hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc (18/1/1950 – 18/1/2025).
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy (bên trái) và Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Trung Quốc A Đông ký kết Bản ghi nhớ. Ảnh: Lưu Trinh |
7. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024 – 2029
Đại hội diễn ra vào ngày 17 - 18/12 tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 980 đại biểu là những cán bộ Hội xuất sắc và thanh niên tiêu biểu trong các lĩnh vực trên mọi miền của Tổ quốc. Đây là sự kiện lớn của tuổi trẻ, ngày hội đoàn kết rộng rãi các tầng lớp thanh niên Việt Nam yêu nước, đánh dấu bước phát triển mới của tổ chức Hội và phong trào thanh niên.
Đại hội đã đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2019 - 2024); xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào thanh niên nhiệm kỳ 2024 – 2029.
Tổng Bí thư Tô Lâm tặng hoa chúc mừng Uỷ ban T.Ư Hội LHTN Việt Nam khoá IX, nhiệm kỳ 2024 - 2029. |
Đại hội Hội LHTN Việt Nam toàn quốc lần thứ IX. |
8. Đại hội đại biểu Thanh niên khuyết tật Việt Nam lần thứ I,
nhiệm kỳ 2024 – 2029
Ngày 7/10, tại Hà Nội, T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Ban Vận động thành lập Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức Đại hội đại biểu Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam lần thứ I, nhiệm kỳ 2024-2029. Dự Đại hội có 133 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 2 triệu thanh niên khuyết tật cả nước.
Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam được thành lập nhằm tập hợp, đoàn kết, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thanh niên khuyết tật, tạo môi trường, diễn đàn để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ thanh niên khuyết tật, động viên thanh niên khuyết tật vượt qua khó khăn, phấn đấu vươn lên, tích cực đóng góp cho cộng đồng, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bồi đắp lý tưởng sống tốt đẹp cho hội viên, thanh niên thông qua các câu chuyện về những tấm gương thanh niên khuyết tật điển hình trong xã hội, từ đó thúc đẩy sự vươn lên của thanh niên Việt Nam. Đồng thời kêu gọi cộng đồng xã hội tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên khuyết tật Việt Nam.
Lãnh đạo T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN Việt Nam và Bộ Nội vụ tặng hoa, chúc mừng Ban Chấp hành Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam khóa I. Ảnh: Xuân Tùng |
Nguồn TP