Lịch sử cho thấy, một dân tộc với nền giáo dục yếu kém sẽ là một dân tộc yếu và sẽ là một đất nước nghèo về các giá trị vật chất, tinh thần và văn hóa. Một dân tộc có nền giáo dục phát triển, sẽ chẳng những giúp cho năng suất lao động tăng cao, đời sống vật chất, tinh thần và văn hóa không ngừng được cải thiện mà còn giúp cho đất nước phát triển bền vững, giữ vững chủ quyền quốc gia. Một điều rõ ràng là, nhân lực chất lượng thấp thì hậu quả và hệ lụy của nó không phải là khó khăn lắm để nhận ra. Trên bình diện một cá nhân, chất lượng nhân lực thấp luôn gắn với việc cá nhân người lao động không kiếm được việc làm, lương thấp, năng suất lao động thấp, khó học lên cao, khó chuyển đổi nghề nghiệp, được sử dụng không đúng ngành nghề được đào tạo, trình độ được đào tạo, dễ vi phạm luật pháp và kỷ luật lao động, làm ăn gian dối, chụp giật, không thích ứng với môi trường làm việc thay đổi...
|
Chất lượng nhân lực thấp của một doanh nghiệp đồng nghĩa với doanh nghiệp có năng suất lao động thấp, hiệu quả sản xuất, kinh doanh không cao, sản phẩm hỏng nhiều, khó khăn trong đổi mới công nghệ, năng lực cạnh tranh mở rộng thị phần kém. Chất lượng nhân lực của một trường học thấp (chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý) không đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy học; nội dung dạy học không đổi mới, động lực học tập của học sinh thấp, bỏ học tăng, tiêu cực trong nhà trường khó đẩy lùi, người học khó kiếm được việc làm sau khi ra trường, "thị phần" đào tạo có thể bị thu hẹp lại và ảnh hưởng đến thu nhập giáo viên và sự phát triển bền vững nhà trường. Chất lượng nhân lực thấp trong cơ quan công quyền sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tham mưu xây dựng chính sách, người dân chịu khổ do năng lực và phẩm chất cán bộ yếu kém, công việc trì trệ, bộ máy biên chế phình ra. Chất lượng nhân lực của đội ngũ công chức yếu kém có thể dẫn đến các quyết định quản lý sai mà hậu quả thật khôn lường...
Xét trên bình diện quốc gia, chất lượng nhân lực yếu kém dẫn đến năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh quốc gia thấp, khó thu hút đầu tư, những bức xúc xã hội gia tăng, tiềm lực kinh tế, an ninh - quốc phòng bị ảnh hưởng và làm cho đất nước phát triển kém bền vững.
Việc đánh giá chất lượng nguồn nhân lực cần phải được nghiên cứu và đánh giá với hệ thống các tiêu chí, chỉ báo khác nhau theo lĩnh vực hoạt động ngành nghề ở đầu ra của quá trình đào tạo. Nhưng có lẽ là quá muộn nếu chờ đợi để đánh giá khách quan ở đầu ra của quá trình giáo dục và đào tạo trước khi người học bước vào thị trường lao động. Chính vì vậy việc đánh giá khách quan chất lượng học tập và rèn luyện trong môi trường giáo dục từ tiểu học cho đến giáo dục đại học có tầm quan trọng đặc biệt để giúp hệ thống giáo dục thực hiện được vai trò và sứ mệnh của mình.
Mặc dù trong năm năm qua, giáo dục Việt Nam đã tạo ra những tiền đề quan trọng để đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà. Ðó là sự thay đổi nhận thức và lòng tin của xã hội đối với quyết tâm đổi mới giáo dục của Chính phủ và của toàn ngành giáo dục nhưng căn bệnh thành tích và những tiêu cực trong thi cử của ngành giáo dục vẫn còn là vấn đề cần phải giải quyết. Loại trừ tiêu cực trong giáo dục (chủ yếu là thi cử) có thể xem là điều kiện quan trọng để đào tạo nhân lực chất lượng cao và là bước cơ bản cho chống tham nhũng, tiêu cực trong xã hội. Một xã hội trong sạch với nguồn nhân lực chất lượng cao chỉ có thể được xây dựng trên một nền tảng giáo dục vững chắc, ở đó những giá trị, chuẩn mực đạo đức của xã hội được duy trì và phát triển.
Tiêu cực trong giáo dục ảnh hưởng nhiều đến con người hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác trong xã hội do giáo dục là lĩnh vực lớn nhất, với nhiều người tham gia nhất, quản lý tài sản quốc gia lớn nhất và là nơi tạo ra đội ngũ nhân lực của đất nước và các nhà lãnh đạo tương lai của dân tộc. Vì thế, có thể nói chống tiêu cực trong thi cử không chỉ có ý nghĩa làm lành mạnh hóa nền giáo dục mà còn làm xã hội tốt đẹp hơn, tạo ra nhiều công dân tốt hơn và chuẩn mực hơn thang bậc giá trị trong xã hội.
Thực hiện Nghị quyết Ðại hội lần thứ XI của Ðảng, chúng ta sẽ có rất nhiều việc phải làm để đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà từ việc đổi mới cơ cấu hệ thống giáo dục, đổi mới quản lý đến đổi mới công tác phát triển đội ngũ giáo viên (đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng và đãi ngộ), đổi mới nội dung chương trình giáo dục ở các cấp bậc, học... Nhưng việc đổi mới nhận thức về cách làm giáo dục mà ở đó việc chống tiêu cực trong thi cử nói riêng và tiêu cực trong giáo dục nói chung cũng như xây dựng những điển hình tốt, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để đào tạo ra những thế hệ trẻ Việt Nam sáng tạo, tự tin, khiêm tốn, trung thực, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng dấn thân vì lợi ích của đất nước và cộng đồng...
Chỉ một thập kỷ nữa thôi, dân số nước ta sẽ đạt gần 100 triệu người, nếu không kịp nắm bắt cơ hội và không có hành động kiên quyết, dũng cảm, không ngại va chạm với tiêu cực trong thi cử, đổi mới giáo dục thiếu đồng bộ, hệ thống, có thể chúng ta sẽ rất khó khăn để có được nguồn nhân lực chất lượng cao và hai nhiệm vụ then chốt còn lại là cải cách thể chế (hành chính) và xây dựng hạ tầng sẽ bị ảnh hưởng.
Theo Nhân Dân