|
Cây cầu đó bắc vào thôn Aduông 2, nhờ đó chấm dứt cảnh mùa nước lũ làng bị cô lập với bên ngoài.
Ông Ating Trihn (thôn Aduông 2) vừa đi qua cây cầu bắc qua sông A Vương vừa cười nói: “May mà mấy cậu đoàn viên làm cái cầu ni mới có cái đi. Chớ mỗi lần tụi tui muốn ra ngoài phải đi bộ cắt rừng, lội sông cả ngày đường. Chừ chỉ cần mấy phút là qua sông rồi”. Cây cầu gỗ trụ bêtông dài 25m này Ating Tinh đã cùng đoàn viên, thanh niên thị trấn làm hơn một tháng.
Để làm cầu phải có tiền mà bà con ở thôn Aduông 2 nghèo quá. Cả thị trấn cũng nghèo. Vậy là Tinh lặn lội đến Đà Nẵng kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Vận động được hơn 5 triệu đồng, Tinh bắt tay vào thiết kế cây cầu và huy động trai tráng trong thị trấn, trong các làng góp sức xây dựng.
Nhưng muốn làm cây cầu bắc qua sông này phải tính toán kỹ bởi con nước sông A Vương rất dữ. “Mình phải thiết kế cây cầu làm sao để khi nước lũ về thì mặt cầu sẽ tự xoay dọc theo dòng nước, không bị nước cản phá mất. Hết lũ thì nối lại cầu” - Tinh cho biết. Rồi cây cầu như vậy hoàn thành.
Ngày cây cầu được đưa vào sử dụng ai cũng vui mừng khôn xiết. Bản thân Tinh vui lắm. Vậy nhưng chắc ít ai biết Tinh đã liều mình vay hơn 3 triệu đồng (bằng hai tháng lương của anh - PV) để góp thêm vào mua ximăng, cát sạn xây cầu. Không có tiền, Tinh phải nói khéo để mua chịu vật liệu.
“Mình mong sao sẽ có một cây cầu thật vững chắc để người dân trong thôn yên tâm đi lại trong mùa mưa lũ” - Tinh tâm sự.
Cây cầu này Tinh cùng các đoàn viên dự định đặt tên là công trình thanh niên bởi do những đoàn viên Cơ Tu nơi đây góp sức làm nên.
Ating Tinh còn là “nhà sáng chế” của bản làng. Nhìn cảnh đồng bào Cơ Tu phải dùng tay tuốt những bông lúa để thu hoạch, Tinh suy nghĩ và chế ra một chiếc máy tuốt lúa đơn giản mà công suất gấp năm lần người làm.
Tinh còn biết sửa đồ điện tử, biết quay phim, chụp hình. Với các ngón nghề đó, Ating Tinh được nhiều người dân Cơ Tu ngưỡng mộ, nhất là cánh thanh niên đang cùng Tinh tham gia sinh hoạt Đoàn.
Gương đoàn viên tiêu biểu |
Theo Tuổi Trẻ